Ngày Phùng Quán trở về Huế

Ngày Phùng Quán trở về Huế
TP - Ngày 9-1-2011, gia tộc họ Phùng, con cái, bạn bè, độc giả ái mộ đưa di hài nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Bội Trâm trở về mãi mãi với đất làng Thanh Thủy Thượng như lời di chúc năm nào của ông: Tôi sẽ đào nấm huyệt/Cạnh mồ cha mẹ tôi…

>> Bí mật 30 năm của Phùng Quán

Chân dung Phùng Quán (Thanh Tùng chụp năm 1990)
Chân dung Phùng Quán (Thanh Tùng chụp năm 1990).

Phùng Quán sinh tháng 1-1932 tại làng Thanh Thủy Thượng, nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. 14 tuổi, từ cậu bé chăn trâu Phùng Quán tham gia Vệ Quốc Đoàn, làm liên lạc, trinh sát thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân.

Phùng Quán là người khá kỳ lạ.

Vào Vệ Quốc Đoàn mới bắt đầu học chữ. Nhưng thơ thì hình như đã sẵn có từ trong máu thịt của Phùng Quán.

Lẽ thường, về già người ta mới nghĩ đến chuyện viết di chúc, nhưng mới 18 tuổi Phùng Quán đã viết những vần thơ di chúc.

Trước giờ xuất kích đánh một trận lớn, Phùng Quán viết bài Di chúc chiến sĩ với lời đề từ “thay Quyết tâm thư trận công đồn diệt viện ở Phò Trạch - Thừa Thiên Huế”.

Nếu tôi chết đi, xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu cả

Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

Nếu mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn

Xin các đồng chí đừng do dự gì tất cả

Hãy đào mộ tôi lên

Quẳng hài cốt tôi đi

Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ

Sau này, bên bờ hồ Tây, trong một hoàn cảnh oái oăm, với nghị lực và lòng can đảm của người chiến sĩ, Phùng Quán ngồi viết bản di chúc thứ hai của đời mình, để tự minh oan cho mình. Bản di chúc dài tám trăm trang Phùng Quán đã viết trong mười tám năm. Đó là bộ tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội.

Phùng Quán còn có một bài thơ di chúc khác: bài Huyệt. “Giữa nghiệt ngã trần gian”, khi “trái tim thơ thấm mệt”, Phùng Quán tuyên bố: Tôi sẽ đào nấm huyệt/Cạnh mồ cha mẹ tôi/Tôi sẽ lăn xuống đó/Thế là xong một đời/Đàn mối của quê hương/Sẽ thay phu đào huyệt/Bao nghiệt ngã trần gian/Chỉ dăm ngày là hết/Căn hộ mới đáy huyệt/Rượu đất tôi uống tràn…

Phùng Quán là người nặng nghĩa với quê hương. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất; cũng là sau nhiều chục năm thăng trầm, lận đận Phùng Quán trở về làng Thanh Thủy Thượng. Bà con, bạn bè, dân làng tụ tập lại thăm Phùng Quán, nghe Phùng Quán đọc thơ.

Phùng Quán xúc động bật khóc, sụp xuống đất lạy tạ đất làng ba lạy rồi đứng lên đọc những câu thơ ứng tác thần kỳ. Đó là bài Tạ: Sau cuộc trường chinh ba mươi năm/Quì rạp xuống đất làng/Con tạ/Con tạ đất làng quê/Thấm đẫm bao máu anh hùng đã khuất/Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt/Không lá cây nào không mặn chát gian lao…

Ngày mồng 9-1-2011, gia tộc họ Phùng, con cái và bạn bè, độc giả ái mộ đưa di hài nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Bội Trâm trở về mãi mãi với đất làng Thanh Thuỷ Thượng.

Mộ vợ chồng Phùng Quán đang được khẩn trương xây dựng
Mộ vợ chồng Phùng Quán đang được khẩn trương xây dựng.

Cách đây vài tháng, được sự đồng thuận của gia tộc họ Phùng và con gái Phùng Quán là Phùng Đỗ Quyên, nhà thơ Ngô Minh đã ngỏ lời góp nhặt cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ Bội Trâm ở Huế.

Theo Ngô Minh, sinh thời Phùng Quán khao khát được trở về quê hương. Anh mơ ước sở hữu một chiếc đò nhỏ để trong những ngày cuối đời câu cá uống rượu đọc thơ dọc sông Hương. Phùng Quán cũng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về yên nghỉ trên đất mẹ Thanh Thủy Thượng.

Năm 1994, khi xây mộ bố mẹ, Phùng Quán tự đắp cho mình nấm mộ gió ở bên cạnh. Anh bảo với anh em họ Phùng rằng: Đây là chỗ tôi nằm. Khi tôi mất các chú đưa về đấy nhé! Cái mộ gió ấy nay vẫn còn nhưng lại nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa.

Từ khi qua đời, vì còn vợ con ở Hà Nội nên mộ Phùng Quán vẫn an tọa ở nghĩa trang quê vợ. Sau khi bà Vũ Bội Trâm tạ thế (15-8-2010), nguyện vọng hồi hương của Phùng Quán mới được con gái Phùng Đỗ Quyên thực hiện. Họ Vũ ở Hà Nội cũng đồng ý để bà Vũ Bội Trâm đi theo chồng. Chính quyền phường Thủy Dương đã cấp đất an táng vợ chồng Phùng Quán tại nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, cách trung tâm Huế 6 km về phía nam.

Trong một thời gian ngắn, bạn bè, độc giả khắp mọi miền đã gom góp được gần 220 triệu đồng. Sau khi hoàn thành xây cất mộ phần và đưa di hài vợ chồng nhà thơ, nhà giáo Phùng Quán - Vũ Bội Trâm trở về, ngân quỹ vẫn còn 100 triệu đồng. Anh em văn nghệ sĩ Huế đề xuất thành lập Quỹ Phùng Quán, sử dụng vào mục đích trao học bổng cho các em học sinh học giỏi, đam mê văn học. Một hồi kết thật bất ngờ và nhân hậu.

Huế, 8-1-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.