Các thành viên cộng đồng mạng từng khẳng định: "Cái gì trong đời thực có thì Internet cũng có, nhưng chưa chắc những cái trên net lại đồng thời tồn tại trong đời thực". Nhận xét có lý, ít nhất là trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, khi ngày càng nhiều hơn những album, tác phẩm được giới thiệu, phát hành chỉ qua con đường Internet.
Nghe nhạc online là một nhu cầu có thật và rất lớn.. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Không gian ảo: càng nhiều nhạc càng tốt
Trong quy trình sản xuất một đĩa nhạc thông thường, ca sĩ sẽ phải chọn mua tác phẩm, hòa âm, thu, xin phép phát hành, in bìa, in đĩa... mà trong đó thủ tục xin phép là nhiều người ngại nhất vì không thể chủ động. Với kiểu phát hành nhạc online, quy trình trên đơn giản hơn nhiều vì có thể loại bỏ từ phần xin phép trở về sau. Gánh nặng chi phí do đó cũng giảm đáng kể.
Khi được hỏi lý do đưa nhạc lên mạng, ca sĩ T.P. thẳng thắn: "Mình là ca sĩ trẻ, có ai biết đâu nên chắc gì đĩa lậu đã thèm chép đĩa của mình. Muốn họ chép cũng phải tốn phí, trong khi đưa lên mạng gần như không tốn gì mà khả năng lưu trữ của mạng thì đâu có giới hạn. Trang nào cũng muốn có càng nhiều nhạc càng tốt. Với mấy trang lớn có tốn cũng chỉ chút đỉnh thôi".
Chọn con đường đưa album lên net, hầu hết ca sĩ mới đều chỉ hi vọng giới thiệu được tiếng hát, hình ảnh để công chúng biết mặt, nhớ tên hơn là thu lợi nhuận. Ngay cả nguồn thu từ việc bán nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại di động cũng chỉ là số nhỏ, trừ vài tác phẩm hiếm hoi tạo được sức hút trên thị trường. Ðương nhiên đi kèm với các album online cho mọi người thỏa sức download là hàng núi hình ảnh ca sĩ để các diễn đàn, mạng xã hội, blog sao chép, nhân bản.
Nhiều lục bình, dòng chảy khó thông Tuổi trẻ hát những bài ca có tính hài hước, nghịch ngợm một tí tôi cho là không sao, bởi nếu họ không còn biết hài hước thì đó quả là tai họa. Nhưng khi sự hài hước đi quá xa sẽ rất dễ trở nên phản cảm, lố bịch. Những bài ca đó khi được phát hành như một album, của ca sĩ có tên thì điều chúng ta cần xem lại là mỹ cảm của cả người viết, người hát lẫn người nghe đang ở đâu. Tôi cũng đồng ý chuyện cái dở sẽ bị đào thải. Nhưng xin lưu ý rằng lục bình vài nhánh trên sông có thể đẹp, không ảnh hưởng gì, nhưng khi nó tụ thành từng mảng lớn thì dòng chảy khó mà thông. Nhà thơ Đỗ Trung Quân |
Từ những nghệ sĩ ít nhiều đã có tên tuổi như Khổng Tú Quỳnh, Minh Hằng, Quỳnh Nga, Trúc Diễm, Mi Lan, Trà My, Hoài An đến những ca sĩ còn đang vô danh đều đã lần lượt xuất hiện trên không gian ảo. Trong số đó không thiếu những album đóng mác độc quyền của một website để chiếm được vị trí giới thiệu trang trọng trên trang chủ, đi kèm các thông tin nặng tính PR.
Ngoài việc giao nhạc cho các trang mạng, bản thân nghệ sĩ cũng tận tình tiếp thị mình thông qua trang cá nhân, mạng chia sẻ và cậy nhờ bạn bè ủng hộ bằng cách bấm nạp lại trang liên tục nhằm qua mặt hệ thống đếm số lượt nghe, tải để tạo cảm giác đó là album rất được quan tâm.
Chất lượng thả nổi
Phần lớn website nghe nhạc trực tuyến chọn nén các file nhạc nhằm tiết kiệm không gian máy chủ và tăng tốc độ tải. Nắm được điều này, các album online cũng không được đầu tư quá nhiều về chất lượng âm thanh mà chỉ dừng ở mức "nghe rõ".
Thậm chí không ít album đầy lỗi kỹ thuật, thu vội vã bằng máy tính cá nhân, sử dụng nhạc nền của nước ngoài vẫn cứ thản nhiên được phát hành. Nhiều tác phẩm đang lưu hành trên mạng xen lẫn tạp âm như tiếng chó sủa, tiếng kẹt cửa, tiếng người nói chuyện lao xao...
Nội dung tác phẩm cũng là yếu tố cần bàn khi những Bể cái ly, Ngôi nhà rơm, Hẻm nhỏ, Làn da, Cao gót... được chuyển tải đến bạn yêu nhạc khiến nhiều người phiền lòng vì sự phản cảm của chúng: "Tình mình như cái ly bể, đập vào con tim anh đây, đập vào con tim em đây. Woh woh đau thật đau. Biết làm sao? Chỉ biết cắn răng mà thôi... Bể cái ly vỡ một tình yêu", "Cố yé yé cho đến khi em thành khăn lau giày cho thương mại", "Hãy cho em làn da của anh", "Dù là bước chân dài, dù là gót cao đẹp, thì cuộc sống em cũng bình thường giống bao người... em cao gót tâm hồn". "Không thể tưởng tượng nổi như thế cũng gọi là ca từ sao?", đó là ý kiến của nhiều thành viên một trang mạng xã hội sau khi nghe "Rồi ngày ngày anh sẽ vô rừng bắt con bướm xinh về cho em nuôi... Ôi baby-boo rồi em ra đi anh đốt ngôi nhà rơm, đốt hết cả nắng trong khu vườn nhỏ".
Không thể phủ nhận có những album, bài hát có chất lượng phát hành trên mạng như một hình thức thăm dò trước khi chính thức chuyển đến công chúng, cũng không thể phủ nhận thế giới ảo đôi khi giúp phát hiện tài năng thật sự đang muốn chia sẻ tác phẩm nghiêm túc. Sự phát triển của công nghệ đã giúp nghệ sĩ có thêm nhiều kênh tiếp cận khán giả mà diễn đàn, blog, mạng xã hội là những kênh hữu hiệu, tiết kiệm.
Chọn sử dụng kênh nào hoàn toàn là quyền của nghệ sĩ tùy theo nhu cầu và khả năng cụ thể của từng người. Song dù là kênh tiếp cận nào thì chất lượng tác phẩm vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chỉ cần thất vọng một vài lần với những gì mình nghe được qua các album dễ dãi, tùy tiện, công chúng thật khó để ủng hộ nghệ sĩ trong tương lai.
Vẫn biết tác phẩm không có giá trị sẽ tự động bị đào thải, nhưng một khi những khúc ca như thế được phổ biến với tần suất dày đặc trên các trang mạng, nơi giới trẻ hằng ngày tìm đến giải trí thì cũng khó tránh khỏi việc bị "quen tai".
Và thực tế cũng đã nhìn thấy khi những bài hát mang nội dung nhảm nhí được nhiều người tìm nghe, các bài sau đó cũng sẽ được viết theo lối tương tự để dễ dàng câu khách. Chiếc vòng luẩn quẩn ấy liệu có kéo tuột thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nghệ sĩ và giới sáng tác như nhiều người đang lo âu?
Theo Tuổi Trẻ