Di sản tình yêu của nhạc sĩ Thanh Tùng

TP - Đêm “Legacy of love” là tình yêu mà các con nhạc sĩ Thanh Tùng dành cho ông. Ở đó, họ “phục dựng” lại tình yêu của bố mẹ mình.

Trong các ca khúc nổi tiếng của người nhạc sĩ tài hoa, hình bóng người yêu - người vợ (tài năng, xinh đẹp và bạc mệnh) luôn chiếm trọn. Có những ca khúc thậm chí là lời tâm sự với người vợ mà trong đó hiện rõ sự chông chênh (Vắng em, đời còn ai với ai - Một mình). Rồi ông mượn cả sự khắc khoải qua tiếng hót chim Đỗ Quyên để nói hộ lòng mình “Em mang theo đi một tình yêu/Ngọn cỏ khô còn lại đìu hiu” (Lời chim Đỗ Quyên).

Sau này, những năm tháng cuối đời, ông chìm đắm nhiều hơn vào giấc mơ và “nói chuyện” nhiều với vợ mình, ở đó “Em tặng mùa thu sang/Mùa thu bỗng hóa thiên đường” (Hoa cúc vàng).

Trong clip phát trên sân khấu, Bạch Dương, con gái nhạc sỹ mắt đẫm lệ khi nhắc lại hình ảnh của chính mình “tan ca bố có đón đưa” (Một mình). Đêm nhạc diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm chuyên dành cho thính phòng với kiến trúc sang trọng, ấm cúng.

Đương nhiên, ở đây, công chúng được chứng kiến một nhạc sĩ Thanh Tùng bên cạnh tài hoa, còn uyên bác. Lâu nay, người nghe nhạc biết nhiều tới ông qua những ca khúc nhạc trẻ, lời đẹp, sáng và giàu hoài bão mà ít ai biết ông tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành sáng tác và chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Và, đêm “Legacy of love”, người nghe chìm vào không gian của phong cách nhạc Classical Crossover (một dạng giao thoa giữa cổ điển và nhạc điện tử).

Phong cách này, ca sĩ hy sinh bớt phần giọng để nhường chỗ cho nhạc phô diễn. Quả thực, Diva Thanh Lam chắc là phải “ghìm cương” lắm. Nếu phải không gian khác, chị sẽ phiêu linh với cả tông giọng và trang phục như thường thấy. May quá, chị đã điềm đạm hẳn trước những nhạc công và khán giả nghiêm ngắn áo vét.

Điểm nhấn của đêm diễn là dàn nhạc quá đỉnh, với thiết kế mái vòm, người nghe có thể thưởng thức trọn từng nhạc cụ một cách tinh tế, âm lượng vừa phải đúng cốt cách giao hưởng.

Di sản tình yêu của nhạc sĩ Thanh Tùng ảnh 1
Nhạc trưởng Olivier Ochanine, người nổi tiếng với phong cách chỉ huy truyền cảm và khả năng kết nối dàn nhạc.

Khi nhạc phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa, có cảnh Nguyễn Thành Luân đi trong rừng, nổi lên, nhiều khán giả chìm đắm vào dòng cảm xúc của những ngày tháng cũ. Bản nhạc phim vốn đã quá hay được phối khí bởi người có nghề và những nghệ sĩ chất lượng của dàn nhạc giao hưởng. Tôi vô cùng hồi hộp khi nghệ sĩ đàn Cello người Venezuela biểu diễn bài “Một mình” dưới sự hòa tấu của dàn nhạc.

Bởi vì, nếu người Việt hiểu lời và tâm tư nhạc sĩ qua ca từ thì một nhẽ. Sự cô đơn trong “Một mình” là một tình yêu vô bờ bến nhưng đầy trách nhiệm, chứ không bi lụy thường thấy.

Ấy vậy mà nghệ sĩ đã dẫn dắt cảm xúc khán giả quá thành công. Ca sĩ điểm nhấn có lẽ là Lân Nhã. Giọng đầy tính tự sự và hợp với dàn nhạc một cách bất ngờ. Trên trang cá nhân, người trợ lý quay cảnh anh trước giờ diễn còn thực hiện bài chống đẩy thay vì luyện thanh. Nhã hợp với bối cảnh sân khấu nghiêm ngắn, sang trọng, giọng như tâm tình, thủ thỉ chạm tới sự rung cảm. Khán giả còn bất ngờ tới “Tiếng đàn ghi ta của Locar”.

Bản phối giúp mọi nhạc cụ vừa hòa nhịp, vừa tách riêng phô diễn. Tôi ngồi xa cũng cố gắng nhìn theo tiếng chỉ tay về phía nghệ sĩ ghi ta chơi quên sầu trong một góc nhỏ. Sân khấu cũng đặc biệt khi mỗi tác phẩm được chạy trên màn hình 3D minh họa rất đẹp và có nhiều phân cảnh trầm mặc. Có lúc, nắng xiên giữa hàng cây, giàn hoa tím và hình trắng đen thời trẻ của Thanh Tùng và vợ ông.

Di sản tình yêu của nhạc sĩ Thanh Tùng ảnh 2

Đêm nhạc Legacy of love.

Đêm nhạc sẽ hoàn hảo hơn (bởi chất liệu tốt thế cơ mà) nếu kịch bản khéo léo phân những trường đoạn, lớp lang để đẩy cảm xúc khán giả lên. Ca từ và âm nhạc Thanh Tùng và tình yêu, sự cô đơn của ông đẹp quá, đạo diễn chỉ cần bố trí hợp lý. Còn điều nữa, khán phòng nhỏ, thiết kế để nghe giao hưởng nên mọi tiếng ho, đằng hắng, nói chuyện riêng đều là tạp âm khó chịu.

Tôi gặp vận đen nên đang chìm đắm trong cảm xúc thì một đôi trẻ bên trái đến muộn lại nói chuyện rả rích. Chuyển sang phải ngồi tưởng yên, lại gặp nhóm 3 người của nữ nhạc sĩ GS (nghe nói sắp có đêm diễn) đã đến muộn (nửa chương trình) còn thì thào chỉ trỏ (đến nỗi tôi phải xin lỗi đề nghị họ ngừng nói chuyện nhưng họ vẫn nói). Sau lưng, một cặp đôi có tuổi thúc chân liên tục vào lưng ghế và phả ra hơi cồn (cuối cùng họ bỏ về khi chương trình đang diễn).

Di sản tình yêu của nhạc sĩ Thanh Tùng ảnh 3
Thanh Lam khá tiết chế trình diễn khi tham gia đêm nhạc.

Chưa kể vẫn còn tình trạng nghe điện thoại trong giờ diễn. Những “hạt sạn” này chắc sẽ giảm khi trình độ thưởng thức âm nhạc được nâng lên, nhất là xu hướng biết trả tiền cho nghệ thuật ngày càng rõ. “Legacy of love” đáng lẽ diễn ra từ cuối năm ngoái nhưng hoãn lại do thiên tai, nếu không nó sẽ là điểm nhấn về nghệ thuật trong năm. Nó cũng sáng nhưng khác với cách của các chương trình “Anh trai”.

Legacy of love diễn ra 2 đêm cuối tuần (11 và 12/1). Đêm đầu tiên có nhiều chính khách đến xem và chọn chỗ ngồi khiêm nhường. Giới chuyên môn đánh giá đây là đêm diễn có chất lượng chuyên môn cao, ban tổ chức không tiết lộ chi phí đêm diễn nhưng ước tính cũng phải hàng chục tỷ đồng.