Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (2)

Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (2)
Cậu bé Phạm Quỳnh được lớn lên trong tình thương của bà nội sau sự ra đi vội vàng của người mẹ và cái chết bí ẩn của người cha.

Sau này, Phạm Quỳnh học hành đỗ đạt rồi trở thành chủ báo Nam Phong. 16 người con của ông đều là những người thành đạt, trong đó có nhạc sỹ Phạm Tuyên.

... Ca khúc có con số kỷ lục là người hát lẫn người nghe và giai điệu được phát nhiều nhất đông nhất là bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng dường như phá cả kỷ lục dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa hồi mới hoà bình lập lại trên miền Bắc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận?

Hình như có một lần tôi đã mang nhận xét ấy mà hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên bởi ông là tác giả... Hỏi thế bởi nghĩ có giống nghệ sĩ nào mà sao nhãng với những đứa con tinh thần của mình? Nhưng nhạc sĩ vẫn cung cách lặng lẽ và cái cười lặng lẽ cố hữu bao năm mình cũng không biết nữa... Không biết (nhạc lẫn hát) nhưng thích nghe hát! Cố tật ấy tôi đã lẫn vào trong bạt ngàn của thiên hạ và hằng bao năm nay (như một số đông, tôi chắc thế) là trong các hướng ngoảnh, tôi vẫn có một góc Phạm Tuyên trong sự chú mục mỗi khi lòng dạ chùng xuống không phải chặt chẽ lẫn căng thẳng trên hành lộ mưu sinh.

Có một gia đình không thường

Như mỗi lúc lòng mình đang chùng khi ngồi với nhạc sĩ trong căn gác nhỏ dùng làm phòng khách. Hình như có mấy bận di dời. Khi bê năm hai tan xác ngay trên bầu trời, hào khí Thăng Long cháy lên ngời ngời... là cái đận căn nhà của nhạc sĩ trong khu tập thể Đại La  Đài tiếng nói Việt Nam nát tan vì bom Mỹ năm 1972.

Bây giờ thì nánh ra làng Vạn Bảo nhưng có vẻ tùng tiệm so súi tận tầng ba của một khu tập thể chật người lúc nào guốc dép cũng cứ khua rộn cầu thang. Phòng khách chật và thấp nhưng các góc cũng nhô ra một cách khiêm tốn và thứ tự các ấn phẩm nhạc mà Phạm Tuyên đã viết từ năm 1950.

Tạm tính hơn sáu trăm bài tính đến tiết ngâu năm Dậu này. Như một người chép sử có duyên. Từng bài, từng bài như một sự chào, sự làm quen tử tế suốt lượt những nam phụ lão ấu... Tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày... Ai bảo rừng xanh là quái ác... Hồng như màu của bình minh. Đỏ như màu máu của mình tim ơi... Từ một ngã tư đường phố... Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua... Thương cái rét của thợ cày thợ cấy...  Việt Nam Hồ Chí Minh vv... và vv...

Những giai điệu mà ngành nào giới nào cũng tự nhận nhạc sĩ viết riêng cho mình! Đạt được tầm ấy, xếp vào thang trật như vậy lại cũng chả sướng sao? Và cũng lô nhô vô số phần thưởng trong đó có chứng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001).

Một bức hoành sơ sài nhưng treo hơi bị sái chắc chưa có điều kiện khắc tử tế nhưng nếu có làm được thì không gian cũng hơi bít bùng. Tôi được nhạc sĩ giải thích bốn chữ của bức hoành ấy là  Thổ nạp Á Âu bằng chữ Nôm. Ấy là cô đúc tinh thần hành động của tạp chí Nam Phong suốt 17 năm trên 210 số tạp chí từ năm 1917 đến năm 1934.

Còn phía góc kia là 12 chữ Nôm vuông thành sắc cạnh được viết rất sắc nét kia theo lối câu đối của một người tốt chữ, bạn của nhạc sĩ  Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn. Chữ trên hoành trên đối ấy là của thân phụ nhạc sĩ, nhà văn hoá Phạm Quỳnh!

Có lần tôi tò mò trong mười ba người con của cụ Phạm Quỳnh có ai phát về đường nhạc ngoài nhạc sĩ Phạm Tuyên? Nghe chuyện của nhạc sĩ đâm giật mình...

Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (2) ảnh 1
Phạm Quỳnh ở Marseille năm 1922

Thì ra trên nhiều số báo Nam Phong, ông chủ bút Phạm Quỳnh đã trực tiếp bàn trực tiếp viết về loại hình cũng như thể thức cung cách của hát cô đầu hát xẩm, hát trống quân nhiều bận!

Cái khiếu âm nhạc ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên hưởng của ai nhỉ? Cụ Phạm ông, cụ Phạm bà, của chị gái, anh rể?... Cái giật mình xen sự ngỡ ngàng bởi thời nay hầu như đã vắng bặt những kiểu gia thế như thế, bởi mình đang chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường?

Cụ Phạm có… 16 người con cả thẩy. Nhưng không may khuyết mất ba đốt hồi còn bé. Mà chỉ có một người vợ! Quả là dưỡng nhân loại chi công. Người con cả là Phạm Giao.

Khi anh con trai trưởng vào Nam mở một tiệm ăn, nhiều người dị nghị sao ông cụ lại để ông con cả lấy nghề của chú ba Tàu? Cụ Phạm chỉ cười. Cái cười của một nhà Nho lạc bước, của một người tân thời không coi trật tự sĩ nông công thương làm trọng?

Tôi cứ nghĩ lẩn mẩn rằng nội hoàn cảnh của ông Giao đây (nếu trời thương cho sống cho thọ thì năm nay người con trưởng của cụ Phạm cũng đã ngót trăm tuổi trời) rơi vào một tay viết kheo khéo tránh được những phạm thượng này khác về đời tư và nếu được ông cho phép thì phải là một cuốn sách bắt mắt lắm!

Vợ ông Giao là bà Nguyễn Thị Hy, chắc phải là một trang tuyệt sắc? Bằng cớ là cụ Trần Huy Liệu vô Huế để làm nhiệm vụ tước ấn kiếm của Bảo Đại đã phải lòng rồi sau này thành hôn thú với bà Hy!

Người con gái thứ hai là Phạm Thị Giá sinh năm 1913. Bà là vợ của quan Đốc học trường Thăng Long Tôn Thất Bình (Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thời gian là giáo sư dạy sử của trường này). Vợ chồng bà Giá mất đã lâu. Bà Giá nghe đâu có viết một cuốn hồi ký mà nhà văn Vương Trí Nhàn có mấy lần dợm hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên cố tìm xem đang ở đâu để đưa xuất bản!

Người con thứ ba là Phạm Thị Thức năm nay 92 tuổi. Bà Thức là vợ giáo sư Đặng Vũ Hỷ chuyên ngành da liễu. Giáo sư Đặng Vũ Hỷ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình nghiên cứu của mình. Ông bà cũng góp cho đất nước cho cơ chế một người làm khoa học. Đó là một quan chức của Trung tâm Khoa học công nghệ, ủy viên Trung ương Đảng Đặng Vũ Minh.

Người con thứ tư là Phạm Bích sinh năm 1918. Ông Bích là Tiến sĩ Luật lập nghiệp ở Thụy Sĩ đã mất.

Người con thứ năm là Phạm Thị Hảo vợ dược sĩ Phùng Ngọc Duy nổi tiếng ở Hà Thành những năm năm mươi thế kỷ trước hiện đang định cư ở Washington D.C.

Người con thứ sáu là Phạm Thị Ngoạn sinh năm 1922. Bà là vợ ông Nguyễn Tiến Lãng. Ông Nguyễn Tiến Lãng vốn là con nuôi Toàn quyền Đông Dương, bố vợ lại là Thượng thư Bộ Lại nhưng trong kháng chiến chống Pháp, không rõ tướng Nguyễn Sơn có biệt tài gì mà cảm hoá được nhà văn đa tài này, có một thời gian dài Nguyễn Tiến Lãng đã phục vụ dưới trướng Nguyễn Sơn. Về sau hai ông bà sang định cư ở nước ngoài. Bà Ngoạn thừa hưởng gien cha hay ảnh hưởng chồng trong thời gian ở nước ngoài chả biết nhưng đã hoàn thành luận án Tiến sĩ văn chương. Đề tài chính lại là về những số báo Nam Phong của thân phụ. 

Người con thứ bảy là Giáo sư Phạm Khuê sinh năm 1925, Giáo sư Viện trưởng Viện Lão khoa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa từ biệt chúng ta cách đây chưa lâu, yên nghỉ ở Nghĩa trang Mai Dịch.

Người con thứ tám là Phạm Thị Hoàn sinh năm 1927 hiện đang định cư ở nước ngoài. Hồi còn con gái, giọng ca của bà Hoàn đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội tạm chiếm trong những năm đầu năm mươi khi cô Hoàn với cái tên Thu Hương thường hát trên Đài phát thanh. Chồng bà Hoàn là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội cụ Cử Lương Văn Can. Nhạc sĩ Lương Ngọc Châu có ca khúc tiền chiến Một đi không trở về... mà nhiều chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc.

Và thứ chín là nhạc sĩ Phạm Tuyên đây... Hình như gien nhạc nhà ấy chỉ trồi và trội lên ở người con thứ chín này? Cụ Phạm bà, quê ở một vùng quan họ nổi tiếng Kinh Bắc. Bà thạo chữ Nho nhưng có thời bà đã từng đi hát quan họ đã thuộc rất nhiều làn dân ca quan họ cả hát trống quân hát chèo. Khi về làm bạn với cụ Phạm, bà đã giúp chồng rất nhiều trong việc sưu tầm biên khảo ghi lại các làn điệu dân ca để cụ Phạm có vốn mà đề cao văn hoá âm nhạc dân tộc trên tờ Nam Phong...

Bốn người con nữa là Phạm Thị Diễm sinh năm 1932, Phạm Thị Lệ sinh 1943 và Phạm Tuân, Phạm Thị Viên. Cả bốn người đều đang định cư ở nước ngoài.

Ngó nhạc sĩ thoải mái trong chiếc sơmi kẻ sọc và quần bò màu xanh lợt cùng nụ cười gần như thường có trên môi... Tất thảy dường như không thực như trẻ hơn cái tuổi bảy mươi lăm! Và tôi đang nghĩ đến cái gien thọ của cái nhà này... Thế nhưng, thật khắc  nghiệt, cụ Phạm chỉ được hưởng tuổi trời 53 năm? Cụ Phạm bà cũng đi theo cụ ông 8 năm sau đó...

Tuổi thơ khắc nghiệt

Cũng na ná như hoàn cảnh của danh nhân cùng làng trùng họ Hoàng giáp Phạm Quý Thích (trước đó, ông tổ của Phạm Quỳnh rời làng Hoa Đường (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) lên Thăng Long không rõ vào năm nào. Ông nội và bố đều là nhà Nho. Phạm Quỳnh sinh năm 1892 ở 17 phố Hàng Trống.

Nếp Nho thanh bần trong ngôi nhà khiêm nhường gần bên hồ Trả Gươm ấy những tưởng bình lặng bền lâu mãi với không khí yên hàn cuối thế kỷ XIX khi tiếng súng bình định thành Hà Nội của Pháp đã tạm lắng.

Nhưng một tai hoạ đã giáng xuống mái nhà yên ả ấy. Như người ta nói, chưa rời vú mẹ, cậu bé Phạm Quỳnh đã mồ côi bởi người mẹ thân yêu đột ngột ra đi vì bạo bệnh!

Khi ấy cậu bé Phạm Quỳnh mới được 9 tháng tuổi! Công lao dưỡng dục của bà nội cùng muối dưa đắp đổi cũng lần hồi được đến đoạn khi cậu bé Phạm Quỳnh lên 9 tuổi thì lại tiếp theo một tai hoạ nữa: Mất cha! Mà cái chết của ông mới không bình thường, thậm chí còn tức tưởi là khác!

Cụ Hoàng Đạo Thúy vốn là người thân quen từ lâu của gia đình, là bạn cụ Phạm Quỳnh đã kể cho nhạc sĩ Phạm Tuyên nghe nhiều lần câu chuyện này. Lần thi năm 1901 ấy, giờ vẫn chưa rõ thi hương hay thi đình và ở trường thi nào, như bao thí sinh khác, người cha cặm cụi với bài thi của mình. Từng khắc từng giờ cứ khắc nghiệt lặng lẽ qua...

Trống lệnh thu quyển đã điểm, người ta cứ tưởng người thí sinh kia làm bài xong chắc mệt quá đang nằm thiếp đi một chốc như thế. Đợi mãi rồi phải giục phải lay... Cả trường thi tá hỏa khi phát hiện ra người thí sinh kia đã lạnh cứng tự bao giờ.

Cái chết ấy có thể là do ngộ cảm hay căng thẳng quá chả biết nhưng từ thời điểm ấy cậu bé Phạm Quỳnh đã phải mồ côi cha. Nhưng vòng tay của bà nội đã không thể để tuột đứa cháu mồ côi của mình. Ngoài việc thuê thày dạy chữ Nho lẫn chữ Pháp ở nhà cậu vẫn được đến trường đều đặn.

Trời lấy cái này trời bù trì cái khác. Dĩnh ngộ và sáng dạ... Cậu đã lần lượt bước qua những mê cung những mẹo luật của thứ tiếng Pháp tiếng Anh rắc rối lẫn cái cách nhiêu khê của mẹo mực chữ Hán chữ Nôm.

Năm 12 tuổi nhập học trường Bưởi (tức trường thông ngôn cũ). Năm 1908 tròn 16 tuổi Phạm Quỳnh đỗ đầu bằng Thành chung được bổ nhiệm làm phụ tá phục vụ tại trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội. 

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bản tin 8H: Bổ nhiệm nhân sự Văn phòng Chính phủ
Bản tin 8H: Bổ nhiệm nhân sự Văn phòng Chính phủ
TPO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ điều động, bổ nhiệm đồng chí Đỗ Đức Toàn giữ chức Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I).