Xung quanh việc “nhà thơ Du Tử Lê la trời”

Xung quanh việc “nhà thơ Du Tử Lê la trời”
"Tôi không hề cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào xuất bản cuốn Thơ tình Du Tử Lê và sẽ... kiện tới cùng về vụ việc trên" - ông Du Tử Lê nói.

Cách đây chừng nửa tháng, một số tờ báo có giới thiệu cuốn sách “Thơ tình Du Tử Lê” (TTDTL) (NXB Văn nghệ TP.HCM ấn hành) với những lời trang trọng: Nổi tiếng với lĩnh vực thơ tình ở miền Nam từ trước giải phóng, Du Tử Lê còn được xem là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhất.

Ơn em, Trên ngọn tình sầu (Từ Công Phụng), Khúc Thụy Du (Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau, Tình sầu Du Tử Lê (Phạm Duy)... đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ.

Sau giải phóng, thơ Du Tử Lê đã được giới thiệu rải rác trở lại trong nước qua các bài viết đặc sắc của các nhà phê bình, nhà thơ Thanh Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo... gây được chú ý trong công luận.

Thông tin trên báo còn cho biết, theo nhà thơ Nguyễn Liên Châu, người được tác giả ủy thác đại diện tác quyền, cũng như tuyển chọn và thực hiện tập thơ này, nhà thơ Du Tử Lê rất vui mừng khi được Bộ Văn hóa - Thông tin và Nhà xuất bản Văn nghệ đồng ý cho xuất bản tập thơ này. Tuyển tập gồm gần 80 bài, tuyển chọn giai đoạn sáng tác 1956 – 1975.

Nhà thơ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Ngay sau khi cuốn TTDTL được phát hành, thông qua bài báo “Nhà thơ Du Tử Lê la trời” đăng trên tờ VietWeekly (Mỹ), ông Du Tử Lê cho rằng: Ông không hề cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào xuất bản cuốn TTDTL và đe dọa sẽ... kiện tới cùng về vụ việc trên.

Xung quanh việc “nhà thơ Du Tử Lê la trời” ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu - Ảnh chụp chiều 18/8/2005

Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm gặp ông Bùi Tấn Tiến (tức nhà thơ Nguyễn Liên Châu)- Giám đốc Cty dịch vụ in ấn phát hành Tuổi Ngọc- Người đã đại diện cho ông Du Tử Lê tại Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản cuốn TTDTL và bà Trịnh Bích Ngân- Phó giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM- Nơi đã xuất bản cuốn TTDTL.

Ông Nguyễn Liên Châu cho biết ông đã biết Du Tử Lê cách đây khoảng hơn 20 năm, khi ông xuất bản cuốn thơ mang tên “501 Lục bát tình”.

Đây là cuốn ông tuyển tập 501 bài thơ lục bát về tình yêu của 501 tác giả. Trong đó nhiều tác giả ông không hề biết tên nhưng vì thơ hay nên ông đã chọn vào tuyển tập.

Cuối cuốn thơ ông đã ghi rõ: “Kính mong các tác giả có bài thơ in trong tuyển tập thơ này liên hệ với tác giả để nhận sách biếu”. Trong cuốn thơ này, ông đã tuyển chọn một bài của Du Tử Lê là “Khi trông thư Thùy Châu”. Sau một thời gian, Du Tử Lê về nước đã liên hệ với ông để nhận sách biếu và có biếu lại ông một cuốn sách Du Tử Lê đã phát hành ở nước ngoài. Sau đó mỗi lần về nước, Du Tử Lê đều ghé thăm ông, bàn chuyện văn chương.

Vào tháng 4/2005, trong lần gặp ông Châu, Du Tử Lê có ngỏ ý nhờ ông giúp in tập thơ. Vì đã coi như bạn, ông Châu đã đưa Du Tử Lê tới gặp lãnh đạo của Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM.

Tại Nhà xuất bản, sau khi gặp gỡ và nhận được sự đồng ý của Ban giám đốc về việc sẽ xuất bản tập thơ, ông Du Tử Lê đã làm giấy ủy quyền cho ông Châu chịu trách nhiệm thực hiện mọi thủ tục và nghĩa vụ cần thiết để xuất bản cuốn TTDTL.

Xung quanh việc “nhà thơ Du Tử Lê la trời” ảnh 2
Giấy ủy quyền  của ông Lê Cự Phách (nhà thơ Du Tử Lê) nhờ ông Bùi Tấn Tiến (nhà thơ Nguyễn Liên Châu) thực hiện thủ tục xin phép xuất bản

Ông Châu cho rằng: “Là người đã có 15 năm tham gia hoạt động xuất bản, tôi biết rõ cần phải có những thủ tục gì để cho một cuốn sách ra đời. Chính vì thế tôi đã yêu cầu ông Du Tử Lê phải làm đầy đủ các thủ tục ủy quyền. Ông Du Tử Lê chưa hề nói với tôi về việc sẽ kiện tôi, nhưng nếu có thì tôi tin chắc ông sẽ không đủ cơ sở”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Bích Ngân cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không có gì vi phạm trong cuốn TTDTL vì đích thân tác giả Du Tử Lê đã tới nhà xuất bản, gặp gỡ chúng tôi và mong muốn in tập thơ. Chúng tôi đã xuất bản khá nhiều tập thơ, tập truyện của một số người Việt Nam ở hải ngoại nên việc xuất bản TTDTL là chuyện bình thường. Chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc mọi thủ tục cho việc xuất bản cuốn TTDTL nên không có gì phải lo lắng”.

Theo những tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, tập thơ TTDTL xuất bản lần đầu với số lượng in là 500 cuốn. Ông Nguyễn Liên Châu đã ứng trước toàn bộ chi phí để in cuốn sách này với tổng số tiền khoảng 15 triệu đồng.

Nếu ông Du Tử Lê khởi kiện ông Châu thì đồng nghĩa số tiền trên sẽ không được trả lại. Nhưng ông Châu cho biết: “Tôi không buồn vì mất đi số tiền trên mà tôi buồn vì mất đi người bạn. Khi một người đã ủy quyền cho tôi nhưng rồi sau đó lại kiện tôi thì tôi không biết nói làm sao nữa?”.

MỚI - NÓNG