Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh |
Phòng chiếu của Hội Điện ảnh VN chật cứng người, nhiều người đến muộn đã phải đứng. Trong âm thanh của bộ phim, có cả tiếng thổn thức cố nén của nhiều người.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến của một số văn nghệ sĩ cho rằng bộ phim còn sơ lược, chưa “tới tầm nhân vật”. Chúng tôi đã trao đổi cởi mở với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thước ngay sau buổi trình chiếu kết thúc.
Vợ chồng nghệ sỹ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã quá nổi tiếng. Làm phim về người nổi tiếng là một thuận lợi nhưng cũng không phải không khó khăn...
Lưu Quang Vũ đã được một nhà chuyên môn tầm vóc quốc tế nhận xét: là một Mô - li- e của Việt Nam. Anh còn là một nhà thơ tài hoa nhưng nhiều người chưa biết.
Xuân Quỳnh cũng là một nhà thơ - nghệ sĩ nổi tiếng. Cuộc đời của họ đầy những câu chuyện hấp dẫn, thật có mà giai thoại cũng có. Chính vì thế chúng tôi có một sức ép rất lớn khi nhận lời làm bộ phim này.
Về chuyên môn, khó khăn chính là tư liệu để làm phim gần như không có, ngoài ít bức ảnh và bản thảo, nhật ký của Vũ gia đình còn lưu giữ được. Chúng tôi phải sưu tầm những đoạn băng quay một số vở kịch trong quá khứ (“Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ chín”, “Người tốt nhà số 5”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”...) và một số hình ảnh tư liệu chung về thời chiến tranh để làm nền cho bộ phim.
Có phải chính vì vậy nên thời lượng hồi ức và nhận định về tác phẩm của các nhân vật hơi nhiều?
Vâng. Nhưng đây cũng là cái cần phải có trong một bộ phim tài liệu. Có đến gần 20 nhà thơ, nhà văn, đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ được chúng tôi đề nghị nói về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Đó là các nghệ sĩ sân khấu như Phạm Thị Thành, Lâm Bằng, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Lê Hùng, Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Thành Lộc, Thanh Hội, Mạnh Tường; các nhà văn, nhà phê bình như Đỗ Chu, Thi Hoàng, Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên...
Xúc động nhất có lẽ là NSƯT Hoàng Dũng, anh vừa kể vừa khóc về một kỷ niệm của một cái tết thời bao cấp, khi vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đều giấu nhau để mừng tuổi Hoàng Dũng 100 đồng. Nghệ sĩ xúc động quá nên đã nhầm thành 100.000 đồng...
Phim được làm trong hơn 6 tháng, thời gian này có quá ngắn, với sự nghiệp đồ sộ của hai người không, thưa anh?
Thời gian ấy quả là quá ngắn. Theo thầy tôi là đạo diễn Rober Kramer, với một phim như thế này riêng thời gian để dựng cũng phải mất 6 tháng chưa kể thời gian quay và rất nhiều việc khác.
Để giúp khán giả hình dung về công việc làm phim, xin anh cho biết kinh phí thực hiện bộ phim là bao nhiêu? Nếu thực hiện bộ phim với thời lượng dài hơn, công phu hơn thì phải cần những gì ngoài chuyện kinh phí?
Đây là bộ phim được thực hiện với sự hợp tác của gia đình anh Lưu Quang Vũ. Kinh phí của Đài thì rất hạn hẹp. Theo chỗ tôi biết, gia đình cũng được sự hỗ trợ từ một số bạn bè yêu quý anh Vũ chị Quỳnh.
Số tiền cũng không nhiều, chỉ đủ để giúp cho chúng tôi đi lại, ăn ở (đoàn phim đi rất nhiều nơi ở Phú Thọ, Hải Phòng, TPHCM...). Với chúng tôi, những người làm phim thì đây là nén hương để thắp cho anh chị ấy.
Nếu còn thời gian tôi nghĩ bộ phim sẽ được thực hiện công phu hơn và tôi tin chắc sẽ hay hơn. Còn để rất hay? Cái này thì cũng vô cùng lắm, và sẽ thuộc về tài năng.
Người xem xúc động với những gì phim đã đưa ra, nhưng vẫn muốn biết thêm khá nhiều chuyện “ít người biết” như những mối tình của Vũ, của Quỳnh, rồi những đồn đại xung quanh cái chết bất ngờ của họ... Các anh chưa trả lời được ở bộ phim này, vì sao?
Chúng tôi có được họa sỹ Nguyễn Thị Hiền (con gái của cố nhà văn Kim Lân) kể về mối tình trong sáng giữa hai người và cho xem những bản thảo thơ viết tay mà Lưu Quang Vũ tặng chị cùng một số tranh chị vẽ Vũ thời đó. Còn những chuyện với một số người khác nếu như “đương sự” không nói thì chịu.
Khi thực hiện một bộ phim mỗi đạo diễn sẽ xử lí từng chi tiết, từng câu chuyện theo cảm xúc của mình, không ai giống ai cả.
Trong một bài viết của Lưu Khánh Thơ, cô em gái rất yêu quí của Lưu Quang Vũ, Thơ đã viết tôi nghĩ là rất hay và rất chính xác về những mối tình của Vũ: “... là một người đàn ông may mắn.
Trong cuộc đời long đong , vất vả của anh, hầu như ở giai đọan nào anh cũng gặp một tình yêu lớn. Lưu Quang Vũ quan niệm rằng sự đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ tìm thấy tình yêu, mặc dù tình yêu ấy có thể không ở lại cùng ta suốt đời”. Đa tài như Vũ tôi nghĩ là chắc sẽ có rất nhiều người yêu anh ấy, kể cả yêu thầm nhớ vụng.
Bắt đầu từ số sau, Tiền phong cuối tuần sẽ đăng dài kỳ “Xuân Quỳnh - những nghịch lý của tình yêu và số phận” của nhà văn Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ). |
Nhiều giai thoại về thời kỳ đi bộ đội của Lưu Quang Vũ, tôi cũng có được nghe, nhưng khi hỏi lại, người thì lắc và bảo chuyện bịa đấy, người thì gật gật, người thì cười không nói gì cả…
Ví dụ như chuyện khi Vũ bị kỉ luật vì làm thơ, phải đi chăn bò. Đi chăn bò chắc lại ngồi làm thơ, bò đi lạc vào sân bay, đúng lúc máy bay phản lực hạ cánh, nhìn thấy bò nó lại vọt lên, Vũ lại bị kỉ luật tiếp… Không có gì khó bằng hiểu hết về một con người.
Về cái chết của họ, tôi vẫn cho là một tai nạn bất ngờ, tôi không nghĩ khác.
Một ngày nào đó, anh có làm tiếp/làm thêm một bộ phim về anh Vũ và chị Quỳnh không?
Tôi cũng chưa có một ý định nào về một bộ phim tương tự.
Xin cảm ơn anh.
Phim do Đào Trọng Khánh viết kịch bản, Nguyễn Thước và Bùi Tuấn đồng đạo diễn, được gia đình Lưu Quang Vũ phối hợp với Trung tâm sản xuất phim tài liệu thuộc Đài truyền hình Việt Nam thực hiện.