Khoảng hơn 40 năm nay, quê hương bóng đá có 2 “triều đại” thật sự rõ ràng. Một là “vương triều M.U”, như mọi người đã biết. Sự thống trị của Quỷ đỏ trong kỷ nguyên Premier League rõ ràng đến mức chỉ mới 3 năm trôi qua kể từ khi M.U đăng quang lần cuối, mà giới hâm mộ Old Trafford cứ tưởng như cả một thập kỷ dài. Cảm giác mòn mỏi kể ra cũng đúng, khi Quỷ đỏ vô địch Premier League đến 13 trong 21 mùa bóng trước đó (và trong 8 mùa không vô địch M.U cũng về nhì hoặc ba).
Khoảng hai thập kỷ trước khi Premier League ra đời lại là “vương triều Liverpool”. Trong suốt 19 năm, chỉ có một mùa bóng Lữ đoàn đỏ không đăng quang hoặc về nhì ở giải Vô địch Anh. Đấy là mùa bóng 1980/81, và Liverpool đền bù cho giới hâm mộ Anfield bằng... chiếc Cúp C1 châu Âu!
Tóm lại, từ năm 1973 đến năm 2013, Liverpool và M.U chia nhau đến 24 danh hiệu vô địch. Trong một cái nhìn toàn cảnh, họ như đứng ở đẳng cấp khác trong làng bóng Anh. Đẳng cấp còn lại cũng gồm đến chục đội từng biết cảm giác vô địch: Leicester, Man City, Chelsea, Arsenal, Blackburn, Leeds, Nottingham, Aston Villa, Everton, Derby (quê hương bóng đá thật xứng danh với một sự đa dạng như thế).
Lạ ở chỗ: M.U, dù là đại diện bóng đá Anh đầu tiên có Cúp C1, hầu như bặt tăm trong thời kỳ hoàng kim của Liverpool. Ngược lại, khi Premier League ra đời và M.U lập tức thống trị, thì Liverpool chưa từng đăng quang - dù họ thậm chí đã vô địch Champions League và vào chung kết trong một dịp khác. Cứ như đấy là định mệnh: sân khấu bóng đá đỉnh cao mà đã có Liverpool thì không thể có M.U, hoặc khi hào quang thuộc về M.U ắt Liverpool phải chìm trong bóng tối.
Đấy thật ra đã là sự kình địch từ hơn trăm năm về trước. Khi kênh đào Manchester dài 58km được khánh thành vào cuối thế kỷ 19, tàu bè đưa thẳng hàng hóa từ biển vào thành phố Manchester sâu trong đất liền, mà không phải qua cảng Liverpool như trước nữa. Thế là hiềm khích bắt đầu xuất hiện. Đấy cũng là lúc môn bóng đá phát triển mạnh mẽ. Giới nghiên cứu cho rằng, bóng đá là môn thể thao của cộng đồng, nên nó cực kỳ phát triển ở các thành phố cảng hoặc thành phố công nghiệp. Các thủ đô cổ kính thì thích hợp hơn với nhà hát, sàn diễn thời trang hoặc viện bảo tàng.
Đấy là lý do vì sao hễ nói đến bóng đá Anh, trước tiên cứ phải nói đến Manchester và Liverpool. Thủ đô London đành hài lòng với một đẳng cấp thấp hơn, trong môn thể thao tuyệt vời này. Người ta vẫn gọi những cuộc chạm trán M.U - Liverpool là “derby nước Anh”. London hiện có đến 13 CLB chuyên nghiệp, tức có thể hình thành đến... 78 cặp derby lớn bé. Nhưng ngoài cặp derby Bắc London (Arsenal - Tottenham), gần như... chẳng còn gì đáng nói.
Định mệnh Liverpool và M.U không thể thành công cùng lúc xem ra vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Dưới sự dẫn dắt của HLV Jose Mourinho và đang trên đà hưng phấn với chuỗi 9 trận toàn thắng (tính chung mọi giải), M.U đang đứng trước cột mốc “bây giờ hoặc không bao giờ” của mùa bóng này. Họ phải thắng Liverpool để không chỉ khôi phục uy danh mà còn tìm lại hy vọng thiết thực trong cuộc đua giành suất dự Champions League mùa tới.
Trớ trêu ở chỗ, nếu M.U đạt được mục tiêu thì chiến thắng cực kỳ quan trọng của họ lại gần như đồng nghĩa với dấu chấm hết cho hy vọng của Liverpool trong việc đeo bám đội đầu bảng Chelsea. Hiếm khi Liverpool có hy vọng đăng quang ở Premier League cao như mùa này. Và hy vọng ấy, nếu có thể thắp lại, thì dứt khoát phải có một điều kiện lớn: thắng M.U ngay tại Old Trafford ở vòng này.
Một bên chỉ là “hy vọng đeo bám Chelsea”, bên kia còn khiêm tốn hơn: “mong vào Top 4”, thế mà vẫn không đủ chỗ cho cả hai!