> Tình báo Nga sử dụng súng ngắn của Áo
Không có tiền lệ
Rạng sáng 2/12, một người đàn ông 59 tuổi nổ súng trong căn hộ của mình ở thủ đô Reykjavik. Gần hai chục cảnh sát tay không tới hiện trường, sơ tán người dân trong khu chung cư, cố gắng liên lạc với tay súng, nhưng ông này tiếp tục bắn.
Cảnh sát không vũ trang sau đó được đội đặc nhiệm hỗ trợ. Họ bắn lựu đạn cay qua cửa sổ căn hộ để khống chế đối tượng. Khi xông vào căn hộ, hai thành viên đội đặc nhiệm bị chủ nhà dùng súng săn bắn bị thương.
Một người dính đạn ở mặt, một người bị thương ở tay. Cảnh sát nổ súng. Đối tượng được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong ngay sau đó.
Nguyên nhân đầu tiên về việc Iceland ít tội phạm bạo lực là do không có sự khác biệt giữa ba tầng lớp trên, dưới và trung lưu. Vì thế, mâu thuẫn, căng thẳng giữa các tầng lớp là không tồn tại, điều hiếm xảy ra ở các nước khác Sinh viên luật người Mỹ Andrew Clark, người nghiên cứu vấn đề tội phạm ở Iceland |
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Iceland, ông Haraldur Johannessen, nói với báo giới: “Cảnh sát lấy làm tiếc về vụ việc này và xin gửi lời chia buồn tới gia đình người đàn ông”. Vụ việc này “không có tiền lệ”, ông Johannessen khẳng định.
Đội đặc nhiệm đang được tư vấn tâm lý. Cảnh sát Iceland không được trang bị vũ khí, trừ các thành viên của một lực lượng đặc biệt gọi là “Đội Viking”. Đội đặc nhiệm này “thất nghiệp” suốt, hiếm khi được huy động.
Iceland có tới 90.000 khẩu súng được đăng ký trên tổng số dân 322.000 người. Dù súng nhiều, nhưng Iceland thuộc nhóm nước có tỷ lệ phạm tội thấp nhất thế giới, theo tổ chức chuyên theo dõi tình hình phạm tội bạo lực toàn cầu GunPolicy.org. Tội ác ở Iceland thường không liên quan súng đạn.
Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), tỷ lệ phạm tội giết người ở Iceland chưa bao giờ vượt quá 1,8/100.000 dân trong bất kỳ năm nào thuộc giai đoạn 1999-2009. Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng ở Mỹ dao động từ 5,0 đến 5,8. Năm 2009, chỉ có một người bị sát hại ở Iceland, trong khi con số tương ứng ở Mỹ là 15.241.
Ngoài ra, tội phạm, tệ nạn ma túy ở Iceland cũng không nhiều. Theo báo cáo năm 2012 của UNODC, trong số người dân Iceland trong độ tuổi từ 15 đến 64, tỷ lệ sử dụng cocaine là 0,9%, ecstasy 0,5% và amphetamine 0,7%.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Iceland đứng thứ 15 trên thế giới xét về sở hữu hợp pháp súng đạn tính theo đầu người. Tuy nhiên, việc đăng ký sử dụng súng không dễ dàng, người nộp đơn phải trải qua nhiều bước nghiêm ngặt như khám sức khỏe toàn diện, làm bài thi viết về các nội dung liên quan…
Theo các nhà phân tích, Iceland có truyền thống về giải quyết các vấn đề tội phạm trước khi chúng phát sinh, hoặc chặn đứng từ giai đoạn trứng nước. Hiện nay, cảnh sát đang tăng cường xử lý vấn đề tội phạm có tổ chức.
Các nghị sĩ đang cân nhắc một số đạo luật nhằm hỗ trợ việc triệt phá các băng đảng tội phạm. Khi tệ nạn ma túy bắt đầu nổi lên ở Iceland, quốc hội nước này thành lập một tòa án riêng về ma túy. Đó là vào năm 1973. Trong 10 năm sau đó, gần 90% vụ việc được tòa án này giải quyết với phán quyết cuối cùng là phạt tiền.
Sinh viên luật người Mỹ Andrew Clark, sau khi phỏng vấn nhiều quan chức chính phủ, giáo sư, luật sư, nhà báo và thường dân Iceland cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là không có sự khác biệt giữa ba tầng lớp trên, dưới và trung lưu.
Vì thế, mâu thuẫn, căng thẳng giữa các tầng lớp là không tồn tại, điều hiếm xảy ra ở các nước khác. Một khảo sát của một nghiên cứu sinh trường Đại học Missouri (Mỹ) cho thấy, chỉ có 1,1% người Iceland được hỏi tự coi mình thuộc tầng lớp trên và 1,5% nhận mình thuộc tầng lớp dưới.
“Trong ba lần tới Althing, Quốc hội Iceland, một lần tôi gặp ông Bjorgvin Sigurdsson, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Xã hội. Trong mắt ông ấy, cũng như nhiều người Iceland mà tôi từng tiếp xúc, bình đẳng là lý do lớn nhất khiến nước này có tỷ lệ phạm tội thấp”, anh Clark kể.
“Ở đây, bạn sẽ thấy con cái những nhà tài phiệt học cùng trường với trẻ em đến từ những gia đình thuộc tầng lớp khác”, vì hệ thống giáo dục và phúc lợi Iceland khuyến khích văn hóa quân bình chủ nghĩa, ông Sigurdsson nói.
Thái An
Theo BBC, Guardian, CBS News