Trung Quốc - Chủ nợ Mỹ có sướng?

Trung Quốc - Chủ nợ Mỹ có sướng?
TP - Mỹ là siêu cường thế giới nhưng lại là con nợ lớn của Trung Quốc. Có thể tư duy theo cách, chủ nợ của siêu cường cũng phải là siêu cường hoặc siêu siêu cường mới hợp lẽ. Vậy vì sao khi Mỹ sắp rơi vào tình trạng vỡ nợ, Trung Quốc lại lo lắng?

> Trung Quốc chi 2,5 tỷ USD mừng sinh nhật Mao Trạch Đông
> TQ đả 'hổ', diệt 'ruồi' sau chuyển giao quyền lực

Khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, một số học giả Trung Quốc đã phát khùng trước viễn cảnh giấc mơ siêu cường của nước này sẽ sớm bị Mỹ bóp nghẹt. Có người thậm chí đề xuất dùng đòn kinh tế để khiến Mỹ phải “biết điều”. Lập luận của họ dựa trên cơ sở Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với gần 1.300 tỷ USD trái phiếu trong tay.

Làm sao không hoan hỉ khi Mỹ là siêu cường thế giới nhưng lại là con nợ lớn của Trung Quốc. Hoặc cũng có thể tư duy theo cách, chủ nợ của siêu cường cũng phải là siêu cường hoặc là siêu siêu cường mới hợp lẽ.

Vậy hà cớ gì khi Mỹ sắp rơi vào tình trạng vỡ nợ, Trung Quốc lại lo lắng, bất an đến thế? Trung Quốc liên tục lên tiếng thúc giục Mỹ sớm chấm dứt khủng hoảng, đòi Mỹ phải hành xử có trách nhiệm với các quốc gia chủ nợ. Đồng thời, kêu gọi xây dựng một đồng tiền dự trữ quốc tế khác nhằm “phi Mỹ hóa” nền kinh tế thế giới.

Có nhiều lý do khiến Trung Quốc hậm hực, nhưng cũng không thể làm gì hơn ngoài việc ngậm bồ hòn làm ngọt. Tại sao Trung Quốc không thể hiện quyền uy của chủ nợ buộc Mỹ phải nghe theo mình trong nhiều vấn đề bất đồng, hay đơn giản là cứ rút phắt tiền về cho con nợ biết tay một phen? Trước hết, Trung Quốc đủ tỉnh táo để hiểu rằng chuyện đóng cửa chính phủ Mỹ hay Mỹ vỡ nợ chỉ là một màn bi hài kịch nhuốm đầy màu sắc chính trị.

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đấu đá nhau quyết liệt vì đều có những toan tính riêng, bị chi phối bởi lợi ích đảng phái. Nhưng dù cuộc chiến sát ván mức nào, Mỹ cũng khó lòng vỡ nợ.

Tiềm lực tài chính, thực lực sản xuất, nguồn thu nhập, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ vẫn như trước, không hề suy giảm. Chẳng qua, trong nhà chưa thống nhất được với nhau về cách thức giải quyết chuyện nội bộ trước một thời hạn cụ thể mà thôi. Bảo Mỹ không có khả năng thanh toán nợ rõ là sai lầm, không hiểu gì về Mỹ.

Thứ nữa, có con nợ nào mà bao nhiêu quốc gia cứ tự nguyện được làm chủ nợ như Mỹ? Không phải thiên hạ đần đến mức cứ nhắm mắt bỏ tiền ra mua mớ giấy lộn của Chú Sam, bất cần biết lợi hại ra sao. Cũng chẳng phải tự nhiên mà đồng đô la trở thành đồng tiền dự trữ ngoại hối an toàn nhất thế giới.

Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay chính Trung Quốc đều thèm muốn đồng tiền của mình có được sức mạnh của đồng đô la hay trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng đành chịu. Đứng đằng sau đồng đô la là cả sự hùng hậu của quốc gia số một thế giới về kinh tế, quân sự, xuất khẩu văn hóa… Song để đạt được vị thế ấy, Mỹ đã mất hàng thế kỷ với vô số tiền và máu.

Trung Quốc có thể làm gì khi điều hành những thiết chế tài chính hùng mạnh nhất thế giới gần như luôn tuân theo một công thức mặc định: Đứng đầu Ngân hàng Thế giới phải là người Mỹ, đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế luôn là công dân Tây Âu? Mọi kế hoạch cải cách hai định chế này theo hướng phá bỏ công thức trên đều bị Mỹ thẳng thừng phủ quyết.

Liệu có nước nào dám vứt bỏ đồng đô la để mua nhân dân tệ, yên Nhật hay euro cất trữ như tài sản đảm bảo? Chủ nợ có vui nổi khi con nợ nắm trong tay quyền in thêm tiền, có thể tùy ý đánh sụt giá trị tài sản người khác đang nắm giữ bằng cách phá giá đồng tiền hoặc chủ ý gây ra khủng hoảng lúc này lúc khác?

Hơn nữa, con nợ Mỹ bỗng dưng có được một nguồn vốn giá rẻ, đem đầu tư vào các thị trường khác sinh lời cao hơn, lại khôn ngoan biến chủ nợ thành xưởng gia công hàng hóa giá rẻ cho mình.

Cuối cùng, chớ nên quên vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Nhật Bản khi đó là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Người Nhật ồ ạt đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ, lùng mua lượng lớn tài sản trên đất Mỹ.

Đến nỗi ngay cả hai biểu tượng Mỹ là tòa nhà Rockefeller và hãng phim Colombia Pictures cũng rơi vào tay Nhật Bản. Thâm hụt thương mại ngày một lớn có lợi cho Nhật Bản, các cuộc chiến thương mại giữa hai bên diễn ra liên miên, nước Mỹ hoảng hồn suốt ngày nói về “mối nguy Nhật Bản” hệt như nói về Trung Quốc hiện nay.

Ai cũng dự đoán Nhật Bản sắp vượt Mỹ và trên nhiều diễn đàn, người Nhật cũng đòi có vai trò lớn hơn… Kết cục, Mỹ đã phát động một cuộc chiến kinh tế khốc liệt đẩy Nhật Bản rơi vào suy trầm kinh tế. Bài học ấy, chủ nợ Trung Quốc rất cần suy ngẫm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG