Nam Mỹ hợp lực tìm cách chống Mỹ theo dõi

Nam Mỹ hợp lực tìm cách chống Mỹ theo dõi
TP - Các quốc gia Nam Mỹ đang hợp tác cùng nhau để tạo ra hệ thống thông tin liên lạc riêng, nhằm ngăn chặn Mỹ hoạt động gián điệp điện tử trong khu vực, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino thông báo hôm qua.

> Mỹ thanh minh việc theo dõi đồng minh
> Mỹ thừa nhận theo dõi người nước ngoài qua mạng

Quang cảnh trụ sở NSA tại bang Maryland. Ảnh: Paul Richard
Quang cảnh trụ sở NSA tại bang Maryland. Ảnh: Paul Richard.

Ông Patino cho biết ý tưởng này là lập nên một nền tảng có khả năng giảm thiểu nguy cơ bị theo dõi, và đang được Liên minh các quốc gia Nam Mỹ gồm 12 thành viên xem xét.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chỉ trích “mạng lưới do thám điện tử toàn cầu”, ngụ ý chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã nghe lén các lần trao đổi của bà, đột nhập mạng lưới của công ty dầu khí Petrobras và theo dõi người dân Brazil qua Facebook và Google.

“Quyền được an toàn của công dân một nước không thể được thực hiện bằng cách vi phạm nhân quyền cơ bản của công dân nước khác”, bà Rousseff nói, nhưng không nêu tên Mỹ hay NSA. “LHQ phải đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực quản lý hành vi của các quốc gia liên quan những công nghệ này”, bà Rousseff nói.

Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ vừa đề xuất chấm dứt việc NSA thu thập dữ liệu điện thoại của người dân Mỹ, đồng thời đưa ra biện pháp kiểm soát các chương trình nghe lén điện tử của chính phủ.

Biện pháp này sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ để kiểm soát các chương trình giám sát trên diện rộng của chính phủ vốn bị chỉ trích ở cả trong và ngoài nước, từ khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ gần đây.

Đề xuất mới kết hợp cải tổ cách thức giám sát, trong đó cấm thu thập lượng lớn dữ liệu của người dân, đồng thời cho phép người dân Mỹ bị ảnh hưởng của chương trình này có quyền kiện ra tòa để đòi bồi thường cho những thiệt hại họ phải hứng chịu. Các công ty cũng được quyền công bố thông tin về chương trình hợp tác giữa họ với chính phủ để thu thập dữ liệu của người sử dụng.

Nhiều nghị sĩ Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng, chương trình giám sát là công cụ thiết yếu để phát hiện các vụ tấn công khủng bố, nhưng ngày càng nhiều chính trị gia ủng hộ việc thay đổi tình trạng này.

Tài liệu Mỹ vừa được giải mật cho thấy chính NSA đã theo dõi người anh hùng được coi là biểu tượng của quyền công dân Martin Luther King, võ sĩ hạng nặng Muhammad Ali và một số chính trị gia lên án chiến tranh Việt Nam.

Chương trình theo dõi kéo dài 6 năm có biệt danh “Minaret” đã bị lộ từ những năm 1970, nhưng những đối tượng của chương trình này vẫn được giữ bí mật cho đến tận bây giờ.

Theo tập tài liệu được công bố hôm qua, NSA đã theo dõi ông King và đồng nghiệp Whitney Young, ngôi sao đấm bốc Ali, các phóng viên của The New York Times và The Washington Post, Thượng nghị sĩ Frank Church, Thượng nghị sĩ Howard Baker…

Gia Tùng
New York Times, Washington Post, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG