> Chiêu hối lộ quan chức của GSK Trung Quốc
> Hãng dược Trung Quốc hối lộ quan chức chính phủ
Khám chữa bệnh ở Bệnh viện Xian Jingxi (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images. |
Dù tham nhũng trong ngành y tế Trung Quốc không phải là điều mới, nhưng quy mô và mức độ phức tạp ở Chương Châu khiến nhiều người choáng váng. Người ta cho rằng, đây chỉ là một ví dụ của sự thối nát từ bên trong hệ thống y tế.
Nhận hối lộ
Đến nay, 57 đại diện của các bệnh viện ở Chương Châu bị bắt, 1.088 cán bộ quản lý tại các bệnh viện này đã trả lại tổng số 20,49 triệu tệ (3,34 triệu USD) tiền nhận hối lộ.
Vụ bê bối gần đây liên quan tập đoàn dược phẩm quốc tế GlaxoSmithKline (GSK) cũng khiến dư luận Trung Quốc rúng động. Nhưng đây không phải lần đầu tiên ngành y tế nước này bị điều tra tham nhũng.
Năm 2010, tất cả 9 quản lý dược phẩm tại 9 bệnh viện công ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông bị buộc tội nhận hối lộ nhiều đến mức bị kết án chung thân. Vụ việc khiến chính quyền địa phương thực hiện hàng loạt biện pháp để ngăn tình trạng này tái diễn, nhưng trên phạm vi cả nước, vấn đề vẫn còn nhức nhối.
Chính quyền Bắc Kinh vừa thành lập tổ điều tra hỗn hợp để điều tra hãng dược Pháp Sanofi bị tố cáo đưa hối lộ. Nhân viên Sanofi bị cáo buộc đưa tổng cộng hơn 274.000 USD cho 503 bác sĩ ở 79 bệnh viện ở 4 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu hồi cuối năm 2007 dưới chiêu bài “tài trợ nghiên cứu”. |
Zhang Wei, bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện lớn ở Chương Châu 20 năm qua, nói rằng, nhiều bác sĩ làm việc vất vả, nhưng chỉ được trả lương 2.000 tệ (khoảng 6 triệu đồng) mỗi tháng.
“Sự thật thì tình trạng tham nhũng diễn ra giống như trong báo cáo. Dù tôi không đồng ý với một số bác sĩ, những người cho rằng việc nhận hối lộ vì lương thấp là có thể chấp nhận được, nhưng tôi nghĩ cần có thay đổi để cân bằng khoảng cách này. Đúng là không phải tất cả bác sĩ đều có đạo đức nghề nghiệp tốt”, ông nhận xét.
Theo bác sĩ Zhang, việc kê đơn phải dựa trên sự an toàn, hiệu quả và giá thuốc càng thấp càng tốt. Nhưng tư tưởng kiếm lợi khiến nhiều bác sĩ không tuân theo quy tắc này.
Một cách để bác sĩ kiếm tiền là thông qua việc kê đơn thuốc; càng kê nhiều thuốc cho bệnh nhân thì họ càng kiếm được nhiều tiền. Mô hình này luôn bị các chuyên gia cho là cách để “bù đắp chi phí của bệnh viện thông qua thu nhập từ thuốc”, và đây chính là con đường của tham nhũng.
Chuỗi lợi ích
Theo ông Cai Xiangdong, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Sở Y tế Chương Châu, khi một số quản lý bệnh viện bị phát hiện có hành vi tham nhũng, họ khai rằng, tất cả bệnh viện trong thành phố đều dính dáng nhận hối lộ.
Trong hệ thống y tế hiện nay của Trung Quốc, các loại thuốc mới đều phải trải qua ít nhất 4 bước trước khi đến tay người bệnh. Và mỗi bước đó đều tạo cơ hội cho bác sĩ kiếm tiền bất chính.
Trước tiên, mọi loại thuốc bán ở mỗi địa phương đều phải được đưa vào danh mục thuốc được phép bán trước khi xin phép chính quyền địa phương chấp thuận. Sau đó, các bệnh viện có thể lựa chọn loại thuốc trong danh mục, và cuối cùng bác sĩ kê đơn cho từng bệnh nhân.
Các công ty dược phẩm dùng rất nhiều tiền để lo lót từng bước đó để bảo đảm rằng thuốc của họ có thể tiếp cận người bệnh dễ dàng, cho dù phải cạnh tranh khốc liệt.
Theo thú nhận của một số công ty phân phối thuốc, hơn một nửa giá thuốc là chi phí “quan hệ công chúng”. Trong số đó, 15% được chi cho các cơ quan nhà nước quản lý thuốc, 25% cho bệnh viện và bác sĩ, và chỉ có 10% vào túi của các công ty phân phối thuốc.
Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật từ chối tiết lộ tên của các công ty dược dính dáng các vụ hối lộ mới bị phanh phui; nhiều người dân tin rằng, những vụ bê bối lộ diện gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ông Cai cho biết, cơ quan kiểm tra thực hiện biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên 10 bác sĩ của mỗi bệnh viện về tình trạng kê đơn thuốc, liều lượng kê và giá thuốc để làm rõ đơn thuốc của họ có hợp lý hay không.
GS Li Ling, thành viên Hội đồng Tư vấn Cải cách Y tế Quốc gia, cho rằng, hệ thống giá thuốc hiện nay cần phải thay đổi. “Giá thuốc do chính quyền quyết định dựa trên chi phí mà nhà sản xuất báo cáo và 15% lợi nhuận hợp lý. Nhưng nhiều hãng dược có cách để qua mặt. Họ cho thêm rất nhiều chi phí “quan hệ công chúng”, mặt khác không ai đủ hiểu biết để biết hết chi phí sản xuất thực sự của họ là bao nhiêu”, GS Ling nói.
TRÚC QUỲNH
Theo Global Times, People’s Daily, Xinhua