> Al-Qaeda trỗi dậy, hay màn kịch vụng về của người Mỹ?
> Snowden và ván cờ của 'đại kỳ thủ' Putin
Khi các nhà lãnh đạo G20 tụ hội tại Saint Peterbourg vào tháng tới, chắc chắn người ta sẽ tập trung chú ý vào các hành vi của tổng thống Nga Putin - nguyên thủ nước chủ nhà và tổng thống Mỹ Barack Obama - người vừa từ chối tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin.
Nhưng người ta cũng sẽ theo dõi tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ứng xử với nhau như thế nào.
Chính quyền Obama thất vọng vì rõ ràng họ đã buộc phải giảm cấp độ những mối quan hệ Mỹ đang phát triển với nước nga của ông Putin. Nhưng các hành xử như thế của Mỹ có thể dẫn tới những kết quả không mong muốn là Nga và Trung Quốc càng xích lại gần nhau, và điều này sẽ tác động rất xấu tới những lợi ích của Mỹ.
“Hiện nay các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc trao đổi với nhau bằng những cuộc gọi thường xuyên hơn với Mỹ”- Ông Dimitri Simes - Chủ tịch trung tâm lợi ích quốc gia Washington nhận xét. Các quan chức Mỹ khẳng định nguyên nhân duy nhất dẫn tới việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đã được ấn định vào tháng 9 tại Moscow là do quyết định của phía Nga cho phép cựu nhân viên CIA Edward Snowden tỵ nạn.
Người Mỹ lo ngại cuộc gặp mà trong chương trình nghị sự hầu như chưa có chủ đề cụ thể, không khéo sẽ biến thành hoạt động quảng bá thêm hình ảnh cho ông Putin. Hồi tháng 4/2013, Tom Donilon khi đó đang là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thăm Moscow và chuyển cho ông Putin một bức thư riêng của ông Obama, trong đó có nêu những vấn đề mà hai bên có thể hợp tác giải quyết.
Ông Obama lựa chọn việc tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình. Chính giới Mỹ cũng nhận định hợp tác với Nga là con đường duy nhất có thể kết thúc cuộc nội chiến ở Syria.
Quyết định của Nhà Trắng hủy bỏ cuộc gặp tại Moscow đồng nghĩa với việc công nhận rốt cuộc quan hệ Nga-Mỹ đã không thể đạt được tiến bộ. Nếu trong thời gian nhiệm kỳ thứ nhất của ông Obama hai nước đã ngỏ ý tạo điều kiện cho nhau: Nga hỗ trợ Mỹ ở Afghanistan còn Mỹ ủng hộ Nga gia nhập WTO thì giờ đây đã không còn những cơ hội tương tự. Nhà Trắng không thể để Tổng thống tới Moscow mà thiếu một chương trình nghị sự có ý nghĩa.
Lực lượng trong nước cũng gây áp lực đối với ông Obama, khi đòi hỏi phải có lập trường cứng rắn trong mối quan hệ với ông Putin. Sau khi ông Putin trở lại cương vị Tổng thống, nước Nga bắt đầu hành xử với Mỹ rắn hơn. Các chính khách ở cả 2 nước vẫn chưa quên ký ức căng thẳng của thời chiến tranh lạnh. Hơn nữa, giữa Nga và Mỹ không có những mối quan hệ kinh tế bền chặt để buộc phải kiềm chế như Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay Mỹ phải tăng cường “để mắt” tới những mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc. Trong quá khứ, giữa hai quốc gia này đã từng có sự bất hòa và ganh đua gay gắt, năm 1969 thậm chí giữa hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn ngủi. Nhưng hiện nay Nga-Trung đã xuất hiện sự gần gũi về lợi ích, cả hai đều phản đối phương Tây can thiệp vào công việc của các quốc gia khác.
Những điều kiện địa chính trị mới phát sinh cũng thúc đẩy Nga-Trung xích lại gần nhau. Chiến lược “Trở lại châu Á” của Mỹ đã buộc Trung Quốc củng cố các mối liên kết với Moscow, còn việc giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở châu Âu và cuộc “cách mạng năng lượng mới” của Mỹ buộc nước Nga phải hướng sang thị trường năng lượng châu Á. Ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga, ông Putin đã thực hiện chuyến thăm nước ngoài đấu tiên tới Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình cũng dành chuyến công du xuất ngoại đầu tiên của ông trên cương vị nguyên thủ quốc gia để thăm Moscow.
Theo nhận định của giới phân tích, nếu Nga và Trung Quốc củng cố các mối quan hệ song phương để tăng cường ảnh hưởng của mình tới Washington, thì sự trở lại chính sách ngoại giao 3 bên theo mô thức thập niên 1970 là hoàn toàn có thể. Đây sẽ không phải là một liên minh chính thức nhưng Nga-Trung ngồi chung trên một con thuyền và họ cần phải xích lại bên nhau để đương đầu với Mỹ.
Đối với nước Nga cách tiếp cận vấn đề như thế có vẻ dễ hiểu và hợp lý. Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” Fedor Lukianov nhận định: “Trong tương lai tình huống khó khăn nhất của Nga là vấn đề phải sống như thế nào trong một thế giới, mà ở đó Trung Quốc và Mỹ mạnh hơn và có vai trò lớn hơn Nga, nhưng nước Nga vẫn phải đứng giữa hai quốc gia này”.
Ông phân tích: “Dĩ nhiên, nước Nga hiện nay buộc phải quay sang Trung Quốc. Trong trường hợp các mối quan hệ với Mỹ xấu đi nghiêm trọng, Nga không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn”.
Những cột mốc quan hệ Nga-Mỹ
Tháng 1/2009, ông Barac Obama giữ cương vị Tổng thống Mỹ và tuyên bố có ý định tái khởi động các mối quan hệ với nước Nga. Vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng cho Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov một chiếc hộp màu đỏ với dòng chữ bằng 2 ngôn ngữ Nga và Anh. Theo dự định, dòng chữ phải có nghĩa trong tiếng Nga là “Tái khởi động”, nhưng không hiểu sao trên chiếc hộp thay vì dòng chữ với ý nghĩa trên lại là từ “Quá tải”.
Tháng 4/ 2009: Ông Obama và Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitri Medvedev tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đã quyết định hợp tác về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tháng 12/2009: nước Nga cho phép các lực lượng Mỹ và NATO vận chuyển hàng hóa tới Afghanistan quá cảnh lãnh thổ của mình.
Tháng 4/2010: Hai bên ký kết Hiệp ước mới về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược, dự kiến cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân.
Tháng 11/2011: Ông Medvedev cảnh cáo nếu Mỹ không chú ý tới những ý kiến phản đối của Nga đối với “lá chắn tên lửa” của NATO, điều này sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm hỏng những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ giữa Washington và Moscow.
Tháng 12/2011: Thủ tướng Nga Vladimir Putin cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong việc xúi giục phe đối lập tổ chức những hành động phản kháng tại Moscow.
Tháng 12/2012: Mỹ từ chối cấp thị thực cho các quan chức Nga bị cho rằng có liên can đến vụ án luật sư tố giác Sergei Magnitski bị chết tại phòng điều tra cách ly. Trong tháng đó, ông Putin mới tái đắc cử Tổng thống Nga cấm người Mỹ nhận trẻ mồ côi Nga làm con nuôi.
Tháng 8/2013: Cựu nhân viên CIA Eduard Snowden, 'kẻ tội đồ' của nước Mỹ mắc kẹt mấy tuần tại sân bay Sheremetievo Moscow được phép tỵ nạn tạm thời tại nước Nga. Ông Obama hủy bỏ các cuộc hội đàm với tổng thống Nga Putin.
Đỗ Ngọc Inh
Theo The Financial Times