> Mỹ cân nhắc cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria
> CIA hỗ trợ chuyển vũ khí cho đối lập Syria
Liệu Tổng thống Barack Obama có nên phái quân Mỹ tới Syria để dập tắt chiến sự, tình trạng bạo lực ngày càng tăng và dường như không có hồi kết hay không?
Liệu việc triển khai quân Mỹ tại Syria có làm phức tạp thêm tình hình và biến cuộc xung đột này thành một "bãi lầy quân sự" nữa của quân đội Mỹ, giống như các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, hay không? Trong trường hợp Mỹ can thiệp tại Syria, liệu có bị coi là những kẻ xâm lược?
Một số ý kiến cho rằng Mỹ không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, trong khi mỗi tuần có thêm hàng nghìn người thiệt mạng tại Syria. Những người ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Syria đã chỉ ra những giá trị của Mỹ và nói rằng do là siêu cường duy nhất của thế giới, Mỹ có trách nhiệm đạo đức phải can thiệp để chấm dứt sự tàn sát và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tăng lên từng ngày ở Syria.
Trong hai năm qua, đã có hơn 80.000 người Syria bị thiệt mạng và hơn 4 triệu người trở thành người tị nạn, một con số đáng sợ đối với một quốc gia chỉ có 22 triệu dân.
Những người ủng hộ sự can thiệp của Mỹ cũng nói rằng việc này phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Nếu Mỹ không can thiệp, cuộc xung đột này chắc chắn sẽ lan rộng và nhấn chìm các nước láng giềng của Syria.
Mỗi ngày qua, những người Hồi giáo lại trở nên mạnh hơn, và có nguy cơ Syria trở thành một quốc gia Hồi giáo nếu Mỹ không hành động ngay. Họ cũng nêu ra những quan ngại về việc các lực lượng tham chiến tại Syria sử dụng vũ khí hóa học, nếu các lực lượng Hồi giáo giành chiến thắng, họ sẽ sở hữu toàn bộ hay ít nhất là một phần kho vũ khí hóa học của Syria hiện nay - điều khiến nhiều người trên thế giới lo sợ.
Trên đây đều là những luận cứ rất thuyết phục, tuy nhiên những người phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ cũng có những luận cứ thuyết phục không kém. Những người này cho rằng việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria có thể dẫn đến thảm họa và sẽ biến Syria thành một Iraq hoặc Afghanistan mới - nơi lực lượng Mỹ có thể trở thành mục tiêu của các đối tượng Hồi giáo cực đoan.
Cuộc nội chiến Syria có thể biến thành một cuộc chiến tranh giữa Mỹ với những người Hồi giáo Syria và những đồng minh của cả hai phe. Một trong những vấn đề khó khăn tại Syria là Mỹ khó phân biệt phe nào tốt, phe nào xấu trong cuộc xung đột này.
Theo Giáo sư Joshua Landis thuộc trường Đại học Oklahoma, hiện có khoảng 1.000 nhóm dân quân với quy mô khác nhau, theo những quan điểm chính trị khác nhau đang tham gia cuộc nội chiến tại Syria.
Vậy tại sao Mỹ phải can thiệp quân sự tại Syria? Một số người có thể nêu ra nguyên nhân là dầu mỏ, điều này có thể đúng phần nào, song khác với các quốc gia như Kuwait, Iraq và Libya - những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - sản lượng dầu mỏ của Syria tương đối thấp và Syria chỉ xuất khẩu dầu thô sang châu Âu.
Việc Syria không có nhiều trữ lượng dầu mỏ dường như khiến Mỹ không quan tâm đến cuộc nội chiến tại quốc gia Arập này và tiếp tục phớt lờ những dấu hiệu nguy hiểm từ Syria. Có lẽ chỉ khi vũ khí hóa học được sử dụng trên quy mô lớn ở Syria mới có thể khiến chính quyền Mỹ xem xét lại lập trường của họ.
Theo Vietnam+