Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông

Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông
TP - Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 sẽ thảo luận chi tiết các vấn đề biển Đông như tránh xung đột trên biển, ngoại giao quốc phòng, vai trò của Trung Quốc…, Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, trao đổi với Tiền Phong qua email.

* Vai trò to lớn của Việt Nam

GS Thayer: Hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng gây hấn
> "Trung Quốc phô trương khác thường ở Biển Đông"

Cộng đồng quốc tế cũng như cá nhân ông, những học giả có kinh nghiệm trong nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương, nhìn nhận và dự báo như thế nào về Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 khai mạc ngày 31/5 tại Singapore?

Đối thoại Shangri-La phải nêu lên các vấn đề trọng yếu về an ninh khu vực nếu muốn duy trì vị thế là cơ chế đối thoại số một trong khu vực về các vấn đề an ninh.

Đối thoại Shangri-La sẽ nêu ra 6 chủ đề chủ yếu và quan trọng trong các phiên họp toàn thể. Đó là: cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia và phòng tránh xung đột; hiện đại hóa quân sự và sự minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc trong an ninh toàn cầu; các định chế khu vực và toàn cầu với an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật đầu năm 2013. Ảnh: People’s Daily
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật đầu năm 2013. Ảnh: People’s Daily.

Vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được thảo luận, dù không được chính thức nêu rõ trong chương trình nghị sự. Trong các nhóm thảo luận nhỏ, các đại biểu sẽ đặc biệt quan tâm những vấn đề cụ thể trong 6 chủ đề chính. Đó là tránh va chạm, xung đột trên biển; rút quân khỏi Afghanistan và an ninh khu vực; phòng thủ tên lửa ở châu Á - Thái Bình Dương; các học thuyết và công nghệ quân sự mới; ngoại giao quốc phòng và giải quyết xung đột; thế giới mạng và an ninh châu Á. Tất cả những chủ đề này sẽ được thảo luận chi tiết. Tuy nhiên, Đối thoại Shangri-La chỉ là đối thoại, không có kết luận chính thức.

Theo quan điểm của cá nhân ông, ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng có thể kỳ vọng gì ở Shangri-La 12, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên có bài phát biểu khai mạc với tư cách diễn giả chính?

Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc một cách ấn tượng tại Đối thoại Shangri-La, uy tín của Việt Nam sẽ lên cao, vì Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gánh vác một trách nhiệm nặng nề là trình bày toàn diện về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của Việt Nam.

Việt Nam có thể trông đợi rằng, tất cả vấn đề an ninh mà mình quan tâm sẽ được thảo luận kỹ càng. Việt Nam có thể lĩnh hội các xu hướng an ninh chính và triển vọng của nhiều nước trong những vấn đề trọng yếu. Việt Nam cũng có thể đo lường được diễn biến quan hệ Trung - Mỹ thông qua tuyên bố của các quan chức cấp cao hai nước.

Bộ binh Trung Quốc diễn tập. Ảnh: China Defense
Bộ binh Trung Quốc diễn tập. Ảnh: China Defense.

Nhiều nguồn tin cho rằng, đàm phán ASEAN - Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) không thể diễn ra trong thời gian tới, vì người ta cho rằng việc Trung Quốc đột ngột đề xuất đàm phán chỉ nhằm giảm nhiệt căng thẳng trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN hồi cuối tháng 4 tại Brunei?

Nếu các báo cáo đó là đúng thì Trung Quốc đang chơi trò chiến thuật. Thời điểm thông tin xuất hiện trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN và các cuộc họp liên quan gợi ý rằng, Trung Quốc muốn sự chỉ trích nhằm vào nước này đi chệch hướng.

Bằng cách đề xuất đàm phán, Trung Quốc hy vọng các thành viên ASEAN sẽ yên lặng, không làm ảnh hưởng việc thương lượng. Trung Quốc hy vọng sẽ làm tiêu tan mọi chỉ trích của Mỹ và các cường quốc biển khác. Trung Quốc đang tìm cách đóng một cái nêm để chia tách ASEAN và Mỹ, bằng cách lợi dụng sự khác biệt trong số các thành viên ASEAN.

Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài tiến trình đàm phán về COC. Trước tiên, nước này phản đối hành động của Philippines và cố gắng liên kết tiến trình đàm phán COC với việc Philippines từ bỏ việc kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc.

Cảm ơn ông.

Minh Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.