Philippines – Mỹ tập trận, Trung Quốc bất an
> Mỹ - Pakistan ký thỏa thuận quân sự bí mật
> Trung Quốc hứa hạ nhiệt các điểm nóng
TPO - Hôm nay 8-4, tờ Quang Minh nhật báo của Trung Quốc đã có bài bình luận với tựa đề “Tại sao Philippines phải sốt sắng thể hiện tình anh em với Mỹ?” nói về cuộc tập trận “Kề vai sát cánh” giữa Philippines và Mỹ.
Bắt đầu từ ngày 5/4, hai nước bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (vai kề vai) dự kiến kéo dài 2 tuần |
Cuộc tập trận Balikatan (Kề vai sát cánh) mỗi năm tổ chức một lần giữa Mỹ và Philippines đã diễn ra từ ngày 5-4 và kết thúc sau 12 ngày. Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận này và cho rằng, phía Mỹ và Philippines thể hiện thái độ khác nhau xung quanh cuộc tập trận.
Tờ Quang Minh nhật báo cho rằng lời phát biểu của đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas tại lễ khai mạc đã có gắng giấu đi sự nhạy cảm thể hiện trong cuộc tập trận này. Ông Harry Thomas chỉ nhấn mạnh cuộc tập trận này tập trung vào mục đích “cứu nạn” và chỉ ra rằng chính phủ và quân đội Mỹ đã giúp đỡ Philippines như thế nào trong các đợt cứu nạn thiên tai, và ông Harry Thomas tránh không bàn đến các vấn đề nhạy cảm trong các cuộc hợp tác quân sự giữa Philippines và Mỹ, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Quang Minh nhật báo cho rằng lời phát biểu của ông Harry Thomas “không có giá trị”, khiến báo chí Philippines và phương Tây không trích lời của ông trong các bản tin.
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận. Ảnh: INQUIRER. |
Quang Minh nhật báo phân tích rằng, cùng với đó, giọng điệu của Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario lại hoàn toàn khác. Mặc dù bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Tham mưu trưởng lực lượng quân đội nước này lên phát biểu trước nhưng cũng chỉ đưa ra mấy lời chúc mừng mang tính tượng trưng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario lại “huênh hoang” nói về vấn đề hợp tác quân sự giữa Philippines và Mỹ trong hoàn cảnh rất không phù hợp này, rồi ông này còn chỉ trích gián tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ông Albert del Rosario nói, cuộc tập trận năm nay là sự có mặt vào thời khắc quan trọng ở Philippines và cả khu vực: “Với cả khu vực nói chung, những tuyên bố lãnh hải và lãnh thổ quá khích không chỉ tạo ra sự bất an mà còn làm xói mòn sự tôn trọng pháp luật, đẩy cục diện khu vực vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng”.
Tờ Nhật báo Thế giới của Philippines bình luận rằng, những lời phát biểu này mặc dù khá hàm súc, nhưng mọi người có thể dễ dàng nhận ra lời chỉ trích này nhằm vào ai. Trong khi đó, về mối quan hệ giữa cuộc tập trận và cứu nạn, ông Albert del Rosario chỉ lướt sơ qua vài câu rồi qua ngay. Không những vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, ông Albert del Rosario đã thẳng thắn nói rằng, quốc gia mà ông ám chỉ chính là Trung Quốc, và toàn văn bài phỏng vấn của vị bộ trưởng này đã được đăng trên tờ báo lớn Philstar của Philippines.
Quang minh nhật báo phân tích rằng, dĩ nhiên là không có ai tin lời đại sứ Mỹ mỗi năm Mỹ và Philippines bỏ ra nguồn nhân lực và kinh phí khổng lồ để tổ chức tập trận chỉ nhằm mục đích “cứu nạn”. Cứu nạn mà phải điều động đến 12 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 ư? Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc nhiều năm theo dõi cuộc tập trận này thừa nhận rằng, mặc dù số người tham gia tập trận năm nay tăng nhẹ, nhưng những nội dung nhạy cảm diễn ra trong năm ngoái như “mở rộng địa bàn tập trận ra tỉnh đảo Palawan- khu vực tiếp giáp với Biển Đông”, diễn tập “giành lại mỏ dầu”… đã không còn rầm rộ nữa.
Lý giải về sự khác biệt trong luận điệu của quan chức Mỹ và Philippines đối với cuộc tập trận này, ông Nguyễn Tông Trạch – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc cho rằng, từ lâu Phillippines luôn lợi dụng chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á để thúc đẩy chiến lược của mình. Do là đồng minh của Mỹ, có thể Philippines cho rằng quốc hội Mỹ ủng hộ nước này trong các vấn đề, bao gồm vấn đề bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham). Chính vì vậy, dĩ nhiên là Philippines sẽ không bỏ qua cơ hội tập trận chung hiếm có này để cực lực thể hiện cho bên ngoài thấy mối quan hệ “anh em” gần gũi giữa Mỹ và Philippines.
Quang Minh nhật báo phân tích: Trong khi đó tình hình của Mỹ lại hơi khác. Trong quá trình phát triển mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, Mỹ cần “sự căng thẳng nằm trong tầm vi kiểm soát”, nếu cục diện đã đạt đến mức tới hạn, Mỹ sẽ bấm nút và không để cho bất kỳ quốc gia nào o ép mình. Năm 2012, khi Trung Quốc và Phillippines vừa xảy ra những tranh chấp xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), rõ ràng là Mỹ không muốn để cục diện rơi vào tình trạng mất kiểm soát mà ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Đặc biệt là trong bối cảnh cục diện trên bán đảo Triều Tiên đang hết sức căng thẳng như hiện nay, Mỹ không hề muốn châm ngòi cho những tranh cãi mới trong thời điểm này mà cần hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề quan trọng này của khu vực. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, việc Philippines và Mỹ có sự nhìn nhận khác nhau về cuộc tập trận “Kề vai sát cánh” là điều không hề khó lý giải.
Huy Long
Theo Quang Minh nhật báo