Ông Kim Jong Un đang 'cưỡi lên lưng cọp'
> Triều Tiên: “vũ khí hạt nhân là sinh mệnh quốc gia”
> Triều Tiên liệu có mở cuộc tấn công để giữ thể diện?
TPO - Stratfor nhận định ông Kim Jong Un đang ở thế buộc phải leo lên lưng cọp để xóa cái yếu của một nhà lãnh đạo chưa hề qua trận mạc, ít kinh nghiệm, có quyền bính kế thừa từ gia tộc.
Vụ thử hạt nhân lần thứ ba và những động thái chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh của Triều Tiên làm dấy lên tranh cãi về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Triều Tiên coi phát triển hạt nhân là một trong những chương trình trụ cột của đất nước. Ảnh minh họa - Inernet |
Tuy nhiên, giải pháp được xem là toàn diện và cuối cùng vẫn là Mỹ, Hàn Quốc cùng với Trung Quốc tìm ra những biện pháp đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và đi tới những hành động cụ thể để giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo này. Hàn Quốc tỏ thái độ cương quyết đáp trả mọi hành động tấn công từ Triều Tiên.
Các quan chức cao nhất của nước Mỹ, gồm Tổng thống Obama, Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel, Thứ trưởng Quốc phòng Ash- ton Carter, Thứ trưởng Ngân khố David Cohen.. đồng loạt cam kết sẽ mở rộng năng lực đánh chặn của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hàn Quốc – bao gồm triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay ném bom tàng hình B-2, chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 và tàu ngầm tấn công hạt nhân ES Cheyenne. Đi liền theo đó là nhiều tỷ USD hỗ trợ tài chính.
Những thông điệp này không chỉ để trấn an đồng minh Hàn Quốc mà còn là tín hiệu Washington gửi tới Bắc Kinh. Mặc dù vậy, người Mỹ vẫn thận trọng quan sát liệu Trung Quốc có xem khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên như một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Trung-Mỹ hay không.
Nhà phân tích Snyder (Nghiên cứu viên cao cấp về Hàn Quốc, Giám đốc Chương trình Chính sách Hoa Kỳ-Hàn Quốc) cũng lưu ý quyền lực thực sự (binh quyền và chính quyền) của Kim Jong Un chưa hề được thử thách. Tất cả mới chỉ là những phát ngôn và hành động tạo hình ảnh. Ngày qua ngày, Triều Tiên liên tiếp đưa ra vô số lời bạo miệng đe dọa về các vụ tấn công hủy diệt và tàn phá Hàn Quốc và Mỹ. Thỉnh thoảng, danh sách này còn bổ sung cả Nhật.
Kỹ thuật ngoại giao cao thủ nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như chỉ có vậy. Bây giờ, có thêm sự chú ý - thực ra có thể dẫn tới bờ vực tiêu vong trước đối thủ – là chiêu dọa sử dụng bom/tên lửa hạt nhân. Có hay không chưa rõ, sức công phá chưa rõ, nhưng rõ nhất là cộng đồng quốc tế mặc nhiên công nhận Triều Tiên và nhà lãnh đạo trẻ tuổi này là hiếu chiến có vũ khí hủy diệt. Điều này liệu có tốt cho tương lai Triều Tiên chăng?!
Trước tiên là sự trừng phạt gia tăng, gần như đồng thuận, kể cả từ phía đồng minh Trung Quốc và Nga. Triều Tiên chạm phải một mâu thuẫn mà người Triều Tiên cho dù bị bưng bít thông tin cũng nhận ra ngay: Vừa cần Hàn Quốc là kẻ thù để tiếp tục “đoàn kết”, lại vừa cần Hàn Quốc là người cung cấp lương thực để tiếp tục tồn tại. Tương tự thế với Mỹ và Nhật.
Như vậy, Stratfor nhận định ông Kim Jong Un coi như buộc phải leo lên lưng hổ để xóa cái yếu của một nhà lãnh đạo trẻ chưa hề qua trận mạc, ít kinh nghiệm, chỉ có quyền bính kế thừa từ gia tộc. Vừa bước lên đỉnh cao đã vấp phải mâu thuẫn với họ hàng và giới quyền lực cựu trào. Leo lên lưng hổ rồi lại cần tiếp tục như thể thừa sức điều khiển hổ. Dấn vào chiến tranh, Triều Tiên sẽ nát vụn và thể chế đất nước sẽ sụp đổ. Nhưng leo xuống lưng hổ là nhà lãnh đạo trẻ sẽ buộc phải thừa nhận cá nhân không đủ uy thế và binh quyền để kiểm soát một nước Triều Tiên nghèo khó, đang chồng chất khó khăn. Khi đó, rất có thể cọp sẽ ăn thịt người vừa cưỡi nó.
Việc Triều Tiên thiếu lương thực và thường gây sức ép với thế giới bằng vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực không xa lạ. Người dân Triều Tiên thường xuyên thiếu ăn và ưu tiên lương thực chỉ dành cho quân nhân.
Lần này, lời tuyên bố chiến tranh của Triều Tiên nhiều khả năng phản ánh khó khăn lương thực đã trở nên nguy cấp. Từ cuối tháng 1-2013, báo chí quốc tế đã loan tin về nạn đói lại hoành hành tại Triều Tiên.
Stratfor nhận định Triều Tiên đang cố gắng gia tăng áp lực để Mỹ và Hàn Quốc sớm xúc tiến đàm phán. Trong khi đó, Washington và Seoul lại tỏ thái độ cứng rắn với mỗi tín hiệu leo thang từ Bình Nhưỡng.
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên thực sự chuẩn bị cho chiến tranh khi biên giới Kaesong vẫn được để ngỏ. Chính sách “đe dọa đòi phần thưởng” của Bình Nhưỡng có vẻ ngày càng mất tác dụng.
DHVP