Mỹ - Nhật bàn tác chiến giữ Senkaku, TQ mất ăn mất ngủ
> TQ mua 4 tàu ngầm, 24 máy bay Nga?
> 10 công ty kiếm nhiều tiền nhất thế giới từ chiến tranh
TPO - Trước kế hoạch tác chiến chung của Mỹ và Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), Bắc Kinh tỏ ra khá căng thẳng.
Binh lính Mỹ, Nhật tập trận đổ bộ . |
Dưới đây là bài viết đăng trên Hoàn Cầu ngày 26/3 xung quanh vấn đề này:
Mới đây, báo chí Nhật Bản đưa tin, chính phủ hai nước Nhật Bản và Mỹ sẽ đưa ra một kế hoạch tác chiến chung xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), nếu tàu chiến của hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng lãnh hải Điếu Ngư (Senkaku) thì kế hoạch này sẽ được coi là kim chỉ nam cho mọi hành động chung của Mỹ và Nhật Bản.
Hoàn Cầu cho rằng, đồng minh quân sự Nhật Bản – Mỹ đã duy trì được hơn nửa thế kỷ. Giữa thập kỷ 90 thế kỷ XX, do Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, để giữ vững vị thế chủ chốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngăn ngừa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp cận với nhau và trở thành trụ cột của khu vực Đông Á giống như hai nước Pháp, Đức đóng vai trò chủ đạo ở châu Âu, các nhà chiến lược của Mỹ đã đề ra chính sách châu Á lấy việc “lôi kéo Nhật Bản” làm nhiệm vụ trung tâm, năm 1996, Nhật Bản và Mỹ tiến hành cái gọi là “tái định nghĩa quan hệ đồng minh”, tăng cường thúc đẩy quan hệ đồng minh quân sự của hai nước.
Ngay từ tháng 5-2006, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được những thỏa thuận chung trong việc đề ra “kế hoạch tác chiến chung”, “cùng sử dụng tình báo tác chiến”, “mở rộng huấn luyện chung” và “cùng sử dụng căn cứ quân sự”. Điều này đồng nghĩa với việc cái gọi là “tác chiến chung” đã được hình thành từ 7 năm về trước. Kế hoạch tác chiến chung lần này của Mỹ và Nhật Bản có mục tiêu rất cụ thể là nhằm vào những tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkuko).
Hoàn Cầu phân tích, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ có mấy cái “nhất” sau:
Nhật Bản là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, có học nhả Nhật Bản nói rằng Nhật Bản là “trạm xăng dầu lớn nhất của Nhà Trắng ở nước ngoài”, Tsurumi, Sasebo là căn cứ dự trữ nhiên liệu lớn thứ hai và thứ ba của quân đội Mỹ.
Nhật Bản là kho vũ khí lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, lục quân Mỹ có 3 kho vũ khí ở tỉnh Hiroshima, ở tỉnh Nagasaki cũng có kho vũ khí của hải quân và lục quân Mỹ, đây là kho vũ khí trên đất liền lớn nhất của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhật Bản là trạm giám sát tình báo lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, hai trạm giám sát tình báo ở hai tỉnh Aomori và Okinawa được kết nối trực tiếp với Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ (NSA). NSA có 38.000 nhân viên, 140 trạm giám sát tình báo phân bổ khắp thế giới.
Lực lượng tự vệ Nhật Bản là đối tác huấn luyện quan trọng nhất của Mỹ ở nước ngoài, quy mô của các cuộc tập trận do quân đội Mỹ và lực lượng tự vệ Nhật Bản ngày càng lớn, mật độ tổ chức ngày càng dày đặc hơn, phương thức tập trận ngày càng đa dạng.
Nhật Bản là nước nhập khẩu vũ khí tiên tiến lớn nhất của Mỹ, đồng thời là nước cung cấp công nghệ quân sự, dân dụng quan trọng nhất của Mỹ. Để cùng Mỹ nghiên cứu và chế tạo hệ thống phòng chống tên lửa, Nhật Bản cũng có nghĩa vụ cung cấp công nghệ quân sự và dân dụng có giá trị cho Mỹ.
Nhật Bản là quốc gia gánh vác nhiều chi phí nhất cho Mỹ trong số 27 nước mà Mỹ xây dựng căn cứ quân sự. Trong đó, mỗi năm Anh gánh 200 triệu USD cho căn cứ quân sự của Mỹ, Đức 160 triệu USD, Hàn Quốc 80 triệu USD, trong khi Nhật Bản lên tới 440 triệu USD.
Hoàn Cầu đã trích lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và chỉ ra rằng: “Mỹ sẽ căn cứ vào việc Nhật Bản bỏ ra bao nhiêu tiền để quyết định sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ với quy mô như thế nào đối với Nhật Bản”. Hoàn Cầu cho rằng Mỹ càng thổi phồng mối đe dọa mà Nhật Bản đang phải đối mặt thì càng o ép được Nhật Bản dựa trên danh nghĩa bảo vệ an ninh giúp Nhật Bản.
Cuối cùng, Hoàn Cầu kết luận kế hoạch phòng ngự chung của Mỹ và Nhật Bản do Mỹ xây dựng sẽ một lần nữa đưa lực lượng tự vệ vào tầm kiểm soát của Mỹ, khiến lực lượng này trở thành đội biệt động đắc lực của Mỹ trong chiến lược quân sự toàn cầu. Thực chất của cái gọi là tác chiến chung là Mỹ lợi dụng vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku) để chi phối Nhật Bản đồng thời lấy đó để “dọa dẫm” Trung Quốc. Và Hoàn cầu nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không dao động trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, không run rẩy trước lời đe dọa này. Mặc dù ủng hộ chính sách không liên minh, nhưng Trung Quốc không nên đơn thương độc mã đối phó với chiến lược tác chiến chung của Mỹ và Nhật Bản, để bảo vệ thắng lợi của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, Trung Quốc hoàn toàn có thể cùng đấu tranh với các nước giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Huy Long
Theo Hoàn Cầu