Cảnh sát chống bạo động ở Meiktila không đủ sức kiểm soát tình hình. Ảnh: Soe Zeya Tun. |
Chiều 22/3, nhiều ngôi nhà bốc cháy dữ dội và đám đông theo đạo Phật tức giận vẫn đổ xuống những con phố hoang tàn sau ba ngày xảy ra bạo lực ở thành phố Meiktila cách thành phố thương mại Yangon 540km về phía bắc.
Hận thù tôn giáo dai dẳng ở Myanmar bị kiểm soát chặt dưới thời chính quyền quân sự kéo dài 49 năm đã kết thúc vào tháng 3/2011, nhưng nay lại nổi lên và thách thức chính phủ dân sự của một trong những quốc gia đa dạng sắc tộc nhất ở châu Á, các hãng tin Mỹ đưa tin ngày 22/3.
Bạo lực tại ngôi làng ngoại ô Meiktila bùng nổ sau khi mâu thuẫn giữa một cặp vợ chồng theo đạo Phật và chủ cửa hàng vàng theo đạo Hồi. Người dân địa phương than phiền quá ít cảnh sát được triển khai đến thành phố có khoảng 180.000 dân để trấn áp bạo lực.
Tại Meiktila, các nhóm người theo đạo Phật bắt đầu đốt khu nhà của người Hồi giáo hôm 21/3. U Aung Soe, phóng viên của một tạp chí địa phương, cho biết anh chứng kiến 15 thi thể cháy đen trên đường phố sáng 22/3, và ước tính tổng số người thiệt mạng là hơn 40. Hôm qua, Tổng thống Myanmar Thein Sein ban bố tình trạng khẩn cấp tại bốn thị trấn ở Meiktila.
Cảnh sát bất lực
Aung Soe nói rằng, nhà của những tín đồ Hồi giáo ở ngôi làng ngoại ô Meiktila bị đốt cháy rụi. Lực lượng an ninh có vẻ không đủ sức ngăn tình trạng bạo loạn. Đoạn video vừa được đưa lên mạng ghi lại cảnh tượng hỗn loạn, có vẻ những người phụ nữ và đàn ông Hồi giáo co rúm sợ hãi và chạy trốn.
Hãng tin AP trích lời U Win Htein, Ủy viên Hội đồng thành phố Meiktila, nói rằng, ít nhất 5 ngôi đền đã bị thiêu rụi từ khi bạo lực bùng nổ hôm 20/2, và ít nhất 20 người thiệt mạng.
Nhiều cư dân đang ngăn cản cơ quan chức năng dập lửa trong thành phố. Một số phóng viên cho biết họ cũng bị đe dọa sau khi bị nhóm người cầm kiếm bắt nộp thẻ nhớ máy ảnh. “Ngay cả cảnh sát cũng nói với tôi rằng, họ không thể giải quyết sự việc. Trẻ em cũng trở thành nạn nhân”, phóng viên Wunna Naing nói.
Những bức ảnh chụp tại hiện trường cho thấy cảnh tượng đổ nát, nhiều ngôi nhà bị cháy rụi, những đám khói bao trùm đền thờ và nhiều thi thể cháy đen. Theo Reuters, người Hồi giáo ở làng đã bỏ chạy khỏi thành phố và tập trung tại một sân
vận động.
Nhiều ngôi nhà ở Meiktila bị thiêu rụi ngày 21/3. Ảnh: Soe Zeya Tun. |
Xung đột tôn giáo ảnh hưởng không nhỏ tới chính phủ của Tổng thống Thein Sein thời gian qua, sau thời kỳ dài đất nước nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân sự, theo các nhà phân tích. Myanmar có 90% trong tổng số 60 triệu dân theo Phật giáo, còn lại là tín đồ Thiên chúa giáo, Hồi giáo và người theo thuyết duy linh.
Mọi tôn giáo nên chung sống hòa bình với lòng nhân ái và khoan dung Nhà sư Ashin Nyanissara |
Hơn 150 người, hầu hết là tín đồ Hồi giáo, thiệt mạng từ tháng 6 năm ngoái trong các vụ xung đột giữa người theo Hồi giáo và Phật giáo. Một số nhà sư công khai chống Hồi giáo, bài xích tín đồ Hồi giáo sau khi xảy ra các vụ xung đột tôn giáo.
Hôm 21/3, nhà sư Ashin Nyanissara, một chức sắc tôn giáo nổi tiếng ở Myanmar, kêu gọi người dân Meiktila kiềm chế, nói rằng “mọi tôn giáo nên chung sống hòa bình với lòng nhân ái và khoan dung”, theo China Daily.
Trước khi cuộc xung đột nổ ra ở Meiktila, người ta hy vọng xung đột tôn giáo sẽ được kiểm soát ở khu vực Rakhine. Người theo đạo Hồi và đạo Phật tại Myanmar trước đây đã nhiều lần xung đột, nhưng vụ việc đang xảy ra tại Meiktila khiến nhiều người lo ngại xung đột tôn giáo có thể lan đến nhiều địa phương, đặc biệt là thủ đô.
Liên Hợp Quốc cảnh báo xung đột tôn giáo có thể gây nguy hiểm cho chương trình cải tổ mong manh do chính phủ Myanmar đang triển khai, để thay đổi đất nước sau thời kỳ dài nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân sự.
Bình Giang
Tổng hợp