Giáo hoàng kêu gọi tránh xa cám dỗ thời hiện đại

Giáo hoàng kêu gọi tránh xa cám dỗ thời hiện đại
TP -Tân Giáo hoàng Francis kêu gọi Giáo hội Công giáo kiên định tuân thủ sách Phúc âm, tránh xa những cám dỗ thời hiện đại; nếu quên sứ mệnh thực sự của mình, Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ làm từ thiện.

> Tân Giáo hoàng người Argentina gây bất ngờ
> Những điều chưa biết về tân Giáo hoàng

Đấng chăn chiên của 1,2 tỷ tín đồ Công giáo đã mời trưởng giáo sĩ Do Thái tại Rome Riccardo Di Segni tới dự lễ nhậm chức giáo hoàng tại Vatican ngày 19-3. Giáo hoàng Francis hy vọng sẽ đóng góp vào “tinh thần cộng tác mới” với cộng đồng Do Thái.

Quan hệ giữa tín đồ Công giáo và Do Thái cải thiện đáng kể giai đoạn 1962-1965, sau khi Hội đồng Vatican II ra tuyên bố không thừa nhận ý kiến rằng cộng đồng Do Thái có lỗi trong cái chết của chúa Jesus, đồng thời thúc giục đối thoại giữa mọi tôn giáo.

Cả hai người tiền nhiệm của Đức thánh cha Francis, Giáo hoàng Benedict XVI và John Paul II, đều thăm Hội đạo Do Thái ở Rome. Các tổ chức Do Thái khắp thế giới hoan nghênh việc Hồng y giáo chủ Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng Francis - người duy trì mối quan hệ tốt với cộng đồng Do Thái Argentina khi ông là Tổng giám mục Buenos Aires. Năm 2010, ông Bergoglio xuất bản cuốn sách về đối thoại liên tôn giáo cùng với giáo sĩ Do Thái Argentina Abraham Skorka.

Hôm qua, trong bài thuyết giảng đầu tiên trước đông đảo hồng y giáo chủ, Giáo hoàng Francis kêu gọi Giáo hội Công giáo kiên định tuân thủ sách Phúc âm, tránh xa những cám dỗ thời hiện đại; nếu quên sứ mệnh thực sự của mình, Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ làm từ thiện.

Là giáo hoàng ngoài châu Âu đầu tiên, Đức Thánh cha Francis ngụ ý sẽ đem lại phong cách mới cho Vatican trong nhiệm kỳ của mình, thích sự khiêm nhường, giản dị hơn tham vọng, phô trương.

Được bảo vệ hơn cả tổng thống Mỹ

Hơn 100 vệ binh Thụy Sĩ luôn túc trực bảo vệ Giáo hoàng. Tham gia bảo vệ lãnh đạo Tòa thánh còn có mật vụ, cảnh sát Ý, đội hiến binh Vatican… Theo luật quốc tế, khi công du nước ngoài, Giáo hoàng được các cơ quan an ninh chuyên nghiệp nhất của nước chủ nhà bảo vệ bằng mọi giá.

Trong chuyến thăm của Giáo hoàng Benedict XVI tới Israel năm 2009, hơn 80.000 mật vụ, lính đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, binh sĩ, cùng hàng chục nghìn nhân viên an ninh chìm được Israel huy động trong chiến dịch Áo choàng trắng.

Tổng thống Mỹ luôn được coi là nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, nhưng trong chuyến thăm của Tổng thống George W.Bush tới Israel năm 2008 chỉ có 3.500 nhân viên an ninh và cảnh sát được huy động.

Trong chuyến đi tới Mỹ năm 2008 của Giáo hoàng Benedict XVI, Washington huy động 15.000 cảnh sát và mật vụ, tương đương lực lượng mà Bộ Quốc phòng Mỹ dùng để bảo vệ các kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của hàng trăm nguyên thủ quốc gia khắp thế giới.

Do được bảo vệ bởi các quy định của Liên Hợp Quốc và công ước quốc tế, Giáo hoàng không thể bị xét xử bởi bất kỳ tòa án nào trên thế giới. Nhưng nếu từ nhiệm như Giáo hoàng Benedict XVI thì lãnh đạo Tòa thánh không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Theo sắc luật của Giáo hội, Giáo hoàng có hưởng “quyền lực tối cao, đầy đủ, trực tiếp và phổ quát” đối với linh hồn của giáo dân khắp thế giới.

Giáo hoàng có quyền quyết định cả những vấn đề mang tính cá nhân như kết hôn, phòng tránh thai, nạo phá thai, chết êm ái (hỗ trợ tự tử dành cho người mắc bệnh nan y, đau đớn kéo dài)… Với tư cách lãnh đạo Vatican, Giáo hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia.

Bình Giang
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG