Thêm một số nước “thiến” tội phạm tình dục

Thêm một số nước “thiến” tội phạm tình dục
TP - Căm phẫn trước vụ nữ sinh bị hiếp dâm tập thể trên xe buýt, đông đảo người dân Ấn Độ đang đòi áp dụng biện pháp “thiến” hoá học bắt buộc đối với “yêu râu xanh”. Đầu tháng này, Hàn Quốc trở thành nước châu Á đầu tiên cho phép điều trị hoóc-môn đối với tội phạm ấu dâm.

> Hàn Quốc lần đầu “thiến” tội phạm tình dục
> Anh sẽ dùng thuốc với tội phạm tình dục

Ngày 3-1, lần đầu tiên tòa án Hàn Quốc ra lệnh tiêm hoóc-môn ức chế tình dục trong ba năm đối với bị cáo Pyo 31 tuổi, cùng hình phạt 15 năm tù.

Pyo bị buộc tội quan hệ tình dục sáu lần (từ tháng 11-2011 tới 5-2012) với năm thiếu niên quen biết nhờ dịch vụ chat qua điện thoại di động.

Sau nhiều vụ hiếp dâm trẻ em ở nhiều nước, các chính khách khắp thế giới đang có xu hướng muốn áp dụng hình phạt nặng, trong đó có thiến bằng hóa chất, đối với kẻ thủ ác, GS tâm thần pháp lý Don Grubin, Đại học New Castle (Anh), nhận định.

“Thuốc có tác dụng rõ ràng. Nếu nhìn vào đàn ông bị tiêm thì thấy họ giảm mạnh ham muốn tình dục. Nguy cơ tái phạm của họ giảm hẳn”, ông nói.

Nhiều nước áp dụng

Hồi tháng 7-2011, Hàn Quốc thông qua dự luật cho phép điều trị hoóc-môn, tức là dùng hóa chất để thiến đối với người phạm tội ấu dâm trên 19 tuổi và có nguy cơ tái phạm đối với trẻ em dưới 16 tuổi.

Một phụ nữ Ấn Độ mang tấm biển yêu cầu thiến dâm tặc. Ảnh: Times of India
Một phụ nữ Ấn Độ mang tấm biển yêu cầu thiến dâm tặc. Ảnh: Times of India.

Biện pháp này sẽ sớm được áp dụng với người phạm tội tình dục bất kể tuổi tác của nạn nhân. Cùng thời gian với Hàn Quốc, Moldova, Estonia, và Ba Lan thông qua luật cho phép áp dụng biện pháp thiến hóa học bắt buộc đối với tội phạm ấu dâm.

Đầu năm ngoái, khoảng 100 tội phạm ấu dâm đầu tiên ở Anh bị tiêm chất leuprorelin làm giảm ham muốn tình dục. Đây là chương trình đầu tiên của chính phủ Anh nhằm làm giảm nguy cơ tái phạm.

Hiện nay, ít nhất chín bang ở Mỹ, gồm California, Florida, Georgia, Iowa, Louisiana, Montana, Oregon, Texas và Wisconsin, áp dụng biện pháp tiêm hóa chất, phần lớn là MPA (thành phần chủ yếu trong thuốc tránh thai) cho yêu râu xanh.

Thiến hóa chất được coi là giải pháp có thể thay thế án tù chung thân hoặc tử hình, cho phép thả tội phạm tình dục mãn hạn tù mà vẫn giảm hoặc làm mất khả năng tái phạm của họ.

Hình phạt cung hình bằng hóa chất có thể được áp dụng đồng thời với án tù, hoặc tù nhân sẽ được giảm bớt thời gian bóc lịch như ở Ba Lan, New Zealand, Úc, Nga, Argentina, Estonia, Israel, Moldova…

Thiến hóa chất là việc tiêm hoặc cho uống loại thuốc làm giảm ham muốn tình dục, đến mức tù nhân mất khả năng thực hiện hành vi tình dục. Tác dụng này sẽ chấm dứt sau khi ngưng dùng thuốc.

Hóa chất được dùng là những thuốc ức chế cơ thể tiết hoóc-môn sinh dục nam testosterone, như chất cyproterone acetate hoặc thuốc tránh thai Depo-Provera.

Những loại thuốc này được tiêm ba tháng một lần, nên việc theo dõi khá dễ dàng. Thuốc chống loạn thần Benperidol cũng được chỉ định cho việc cung hình.

Thực chất là luật thiến bằng hóa chất chỉ nhằm vào tội phạm là nam giới, dù câu chữ trên văn bản có thể không nói rõ như vậy.

Đầu năm 2011, một chính trị gia ở Romania đề xuất áp dụng luật thiến bằng hóa chất ở nước này. Tuy nhiên, đề xuất không được chấp thuận vì đúng thời gian đó lại xảy ra trường hợp một bà mẹ lạm dụng tình dục con trai sáu tuổi trong ít nhất hai năm.

Vì thế, nhiều người đã chất vấn: Liệu hình phạt này có áp dụng với những trường hợp như bà mẹ này? Khi các bác sĩ trả lời “không” thì đề xuất luật lập tức bị bác bỏ.

Không ít nhược điểm

Một số chuyên gia cho rằng, biện pháp thiến hóa chất có nhiều hạn chế. Với tất cả công nghệ giám định pháp y và phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày ngay thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót, vì thế có nguy cơ một người đàn ông vô tội bị án oan.

Các chuyên gia nói rằng, khi ngưng sử dụng thì người phải tiêm hoặc uống thuốc sẽ trở lại bình thường, nhưng nhiều người vẫn lo ngại loại thuốc thay đổi hoóc-môn không khác mấy so với loại được áp dụng với nhà khoa học người Anh Alan Turing.

Thiến bằng hoá chất có khả năng làm giảm ham muốn tình dục, nhưng có thể sẽ không có tác dụng giảm khả năng tái phạm, vì dâm tặc có thể dùng cách khác để đạt được mục đích nếu tâm lý của họ không thay đổi. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng khá tốn kém, với chi phí trên dưới 2.000 euro (khoảng 50 triệu đồng) mỗi năm.

Thiến bằng hóa chất hiếm xảy ra những tác dụng phụ đe dọa đến tính mạng, nhưng một số người bị tăng lượng mỡ, giảm mật độ xương, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chứng loãng xương.

Ngoài ra, người bị thiến thường có tuyến vú phát triển, lông chân tay rụng dần và lượng cơ bắp giảm.

Một số tổ chức cho rằng, hình phạt thiến hóa chất vi phạm nhân quyền, dù dâm tặc không đáng được cảm thông.

Sau khi Moldova hợp pháp hóa hình phạt này, Tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng: “Bất kỳ tội phạm nào cũng phải bị xử lý theo cách phù hợp với tuyên bố chung về nhân quyền”.

Theo GS Grubin, nên áp dụng biện pháp thiến cùng với liệu pháp điều trị tâm lý. Người dân ở nhiều nước thường đồng tình với việc trừng trị yêu râu xanh, đặc biệt là kẻ hiếp trẻ em, nghiêm khắc hơn bình thường.

Thiến bằng phẫu thuật

Biện pháp thiến bằng phẫu thuật cũng được áp dụng cho tội phạm tình dục ở một số nơi. Năm 2009, Ủy ban Chống tra tấn của Hội đồng châu Âu chỉ trích Czech vì nước này dùng biện pháp thiến phẫu thuật những kẻ hiếp dâm.

Năm 2012, ủy ban này đề nghị Đức ngừng áp dụng biện pháp thiến phẫu thuật không bắt buộc đối với dâm tặc. Việc áp dụng hình phạt này tùy thuộc vào sự lựa chọn của đối tượng, và cũng hiếm khi xảy ra ở Đức.

Bình Giang - Thái An
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG