Nhật lại bắt tàu cá Trung Quốc

Nhật lại bắt tàu cá Trung Quốc
Giới chức Nhật chặn bắt tàu cá Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép giữa lúc 2 nước đang căng thẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

> Nhật lại dùng vòi rồng ‘xua’ tàu Đài Loan
> Tàu Trung Quốc tiếp tục vào Điếu Ngư/Senkaku, thách thức Mỹ - Nhật

Vụ bắt giữ xảy ra chiều 24-1 (giờ địa phương) khi tàu cá Trung Quốc đang trong vùng biển thuộc tỉnh Nagasaki của Nhật.

Tân Hoa xã hôm qua dẫn thông báo từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại tỉnh Fukuoka cho hay thuyền trưởng đã bị đưa lên tàu tuần tra Nhật để thẩm vấn.

Gần 1 tháng trước, thuyền trưởng Trung Quốc Lâm Thế Khâm bị phạt gần 50.000 USD do khai thác san hô trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Theo báo Asahi Shimbun ngày 25-1, trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã đóng 300 tàu cá được trang bị lưới kiểu mới và đang đe dọa ngành đánh bắt của Nhật.

Hiệp hội Tàu cá Nihon Enyo Makiami Gyogyo Kyodo Kumiai ở tỉnh Fukuoka ước tính lượng cá thu mà họ đánh bắt trong giai đoạn tháng 9-11.2011 là 15.000 tấn, giảm 65% so với con số trung bình trong thập niên qua.

Quản lý hiệp hội Makoto Hotai lý giải: “Tôi không thể nghĩ ra lý do nào khác ngoài việc gia tăng đáng kể tàu mới của Trung Quốc”.

Ngoài ra, Đài NHK dẫn thông báo của chính phủ Nhật cho biết trong giai đoạn tháng 4-12.2012, số lần chiến đấu cơ được triển khai để ứng phó máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận Nhật tuyên bố chủ quyền là 160 lần.

Những thông tin trên được đưa ra giữa lúc ông Natsuo Yamaguchi - Chủ tịch đảng New Komeito thuộc liên minh cầm quyền Nhật đang thăm Trung Quốc.

Kyodo News dẫn lời ông Yamaguchi cho hay trong cuộc gặp ngày 25.1, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương và 2 bên có thể giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư “thông qua đàm phán và tham vấn”.

Cũng trong ngày 25.1, báo Taipei Times dẫn lời giới chức Đài Loan cho hay tuy thường va chạm với tàu tuần duyên Nhật gần Senkaku/Điếu Ngư nhưng tàu Đài Loan “không chấp nhận hỗ trợ từ tàu hải giám của Trung Quốc và còn yêu cầu chúng rời khu vực”.

Giới chức lý giải hành động này nhằm tránh tạo “ấn tượng sai lầm” rằng Đài Loan đang hợp tác với đại lục Bắc Kinh trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

Tăng hành động phi pháp ở “TP.Tam Sa”

Theo Nhân Dân nhật báo hôm qua, giới chức Hải Nam sẽ tổ chức hội nghị vào ngày 26-1 về tăng cường phát triển thủy sản của cái gọi là TP.Tam Sa và bảo vệ “chủ quyền” mà nước này tuyên bố ở biển Đông.

“TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương lập ra hồi tháng 7-2012, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó, trang mạng của hải quân Trung Quốc ngày 24-1 đăng tin tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, vốn phụ trách hoạt động tại biển Đông, vừa tiến hành diễn tập nhưng không nói rõ chi tiết.

Theo Văn Khoa
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.