Trung Quốc ngấm 'quả đắng' cuồng vọng quyền lực
> Tham vọng Trung Quốc hai lần 'đứt gánh' vì Nhật Bản
> LHQ nói về giải quyết tranh chấp biển Đông
Mới đây, tờ The Huffington Post của Mỹ đã có bài viết với tựa đề Khi quyền lực mềm mất của Trung Quốc tác dụng của tác giả John Feffer.
Ảnh: minh họa - Internet |
Phố người Hoa cổ nhất trên thế giới không nằm ở New York, San Francisco hay Yokohama mà nằm ở Manila. Khi nhắc đến “chủ quyền” của mình trên biển Đông thuộc vùng biển tranh chấp với Philippines, chính quyền Bắc Kinh thường đưa ra dẫn chứng này. Cùng với đó, Trung Quốc tuyên bố có đặt ba Học viện Khổng Tử ở Philippines, người dân địa phương có thể đến đó học tiếng Hoa đó và thưởng thức văn hóa Trung Hoa phong phú, đa dạng.
Cùng với đó, nhiều năm nay, quan hệ thương mại Trung Quốc – Philippines luôn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 1996, thậm chí Trung Quốc đại lục còn được lọt vào danh sách 10 nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Philippines. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của quốc gia Đông Nam Á này, kim ngạch thương mại lên tới 30 tỉ USD/năm. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2016, đến lúc đó, rất có thể Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.
Philippines không phải là đối tượng duy nhất trong khu vực để Trung Quốc triển khai chiến lược sức mạnh mềm. Học viện Khổng Tử hiện đã mọc lên như nấm ở khắp châu Á, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Qua đó có thể thấy, có vẻ như sức mạnh mềm của Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn lao ở Philippines và các nước châu Á. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng bề mặt mà thôi. Thủ đoạn để Trung Quốc gia tăng độ ảnh hưởng của mình trong khu vực này không chỉ bó hẹp trong việc triển khai sức mạnh mềm. Mặc dù chưa sử dụng lực lượng quân đội hiện đang có ưu thế áp đảo để bảo vệ chủ trương lãnh thổ với vùng biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã tung ra những ngôn luận rất cứng rắn. Đối với Philippines và các nước Đông Nam Á khác, nguồn ngân sách mà Trung Quốc chi cho quốc phòng đã đủ để khiến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này trở nên gay gắt và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Để xoa dịu các đối tác thương mại và các nước láng giềng, từ trước đến nay Trung Quốc vẫn luôn áp dụng chiến lược thực thi sức mạnh mềm hữu hảo để mở rộng độ ảnh hưởng. Nhưng quốc gia này đã thất bại trong chiến lược này. Ví dụ, Philippines đã quyết định tăng cường kết thân hơn với Mỹ để tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Những tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) cũng là một minh chứng rõ nét. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, tuy nhiên dường như thực tế này không hề giúp cho Tokyo có thái độ mềm dẻo với Bắc Kinh.
Sách lược đồng thời sử dụng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Trung Quốc không mâu thuẫn với nhau. Thực tế cho thấy, cách làm này là bắt chước hướng đi của Mỹ. Tuy nhiên, 10 năm qua, chiến lược này của Trung Quốc đã vấp phải không ít “quả đắng” do sự tham lam và hung hăng thái quá. Mục tiêu sức mạnh mềm của Mỹ không bị sức mạnh cứng phá đám, còn Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại.
Huy Long Theo Hoàn cầu