> Trung Quốc tố Nhật ‘châm lửa’ căng thẳng Điếu Ngư/Senkaku
> Giải mã vụ tiêm kích Nhật bắn máy bay Liên Xô gần Senkaku
Trong Thế chiến thứ 2 cách nay khoảng 70 năm, Tokyo phát động hàng loạt cuộc tấn công trên khắp khu vực Đông Á. Sau khi xâm lược Trung Quốc, Nhật Bản còn bất ngờ công phá căn cứ quân sự Trân Châu Cảng của Mỹ.
Nhiều nước Đông Nam Á cũng không thoát khỏi “vó ngựa” của quân đội đế quốc Nhật Bản. Tất cả nhằm thực hiện học thuyết “Đại Đông Á” mà Tokyo theo đuổi để thâu tóm một khu vực rộng lớn.
Học thuyết “Đại Đông Á” mới
Thế nhưng, sau 70 năm, bối cảnh Đông Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương thay đổi rất nhiều. Giữa bối cảnh mới, Tokyo đang phát động một học thuyết “Đại Đông Á” mới. Tuy nhiên, khác với lần trước, “Đại Đông Á” giờ đây của Nhật Bản là mở rộng liên minh với các nước trong khu vực.
Điều này được khẳng định trong bài viết của tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được đăng vào ngày 27-12 trên chuyên trang phân tích chính trị kinh tế Project Syndicate. Trong đó, Shinzo Abe nêu rõ: “Tôi đã phát biểu tại Ấn Độ về sự cần thiết đối với việc nước này và Nhật Bản cùng nhau gánh vác trách nhiệm nhiều hơn để đảm bảo an ninh hàng hải xuyên suốt từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương”.
Thủ tướng Abe không chỉ muốn liên kết với Ấn Độ mà còn với Úc. Ngoài ra, đối với Mỹ, ông khẳng định: “Đối với Nhật Bản, không có gì quan trọng hơn việc tái đầu tư cho liên minh với Mỹ”.
Dựa vào những liên minh như thế, Shinzo Abe vạch ra một chiến lược liên minh như sau: “Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cùng bang Hawaii của Mỹ tạo thành một “liên minh kim cương” để bảo vệ cho cộng đồng hàng hải trải dài từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Tôi chuẩn bị đầu tư với mức tối đa cho khả năng của Nhật trong “liên minh kim cương” này”.
Ngoài ra, tân Thủ tướng Nhật còn nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ với các nước Anh, Pháp cùng các nước Đông Nam Á. Ông viết: “Tôi cũng sẽ mời Anh và Pháp trở lại tham gia tăng cường an ninh cho châu Á […].
Anh vẫn còn tìm thấy giá trị trong Thỏa thuận quốc phòng 5 nước với Malaysia, Singapore, Úc và New Zealand. Tôi muốn Nhật Bản tham gia nhóm này để góp mặt hội đàm hằng năm với các thành viên, tham gia những cuộc tập trận chung ở quy mô nhỏ. Trong khi đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Pháp đóng tại Tahiti (đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp và nằm ở Nam Thái Bình Dương - NV) dù hoạt động với ngân sách nhỏ nhưng có thể tạo sức mạnh lớn”.
Ông Abe cũng vừa khẳng định sẽ tăng cường an ninh hàng hải với khu vực Đông Nam Á dựa theo quy tắc của luật pháp. Hãng tin Jiji Press dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu khi thăm Indonesia vào ngày 18.1 cam kết Tokyo trong quan hệ đối tác với ASEAN sẽ nỗ lực đảm bảo quản lý các đại dương bằng luật lệ chứ chẳng phải bằng vũ lực.
Ngoài ra, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Abe tuyên bố rằng Nhật Bản và ASEAN sẽ hoan nghênh sự tham gia của Mỹ vào nỗ lực trên.
Nỗ lực liên minh
Thực tế, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh các liên minh trên biển từ trước khi đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe trở lại nắm quyền thay đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vào tháng 12-2012.
Về vấn đề này, tờ The New York Times cuối tháng 11-2012 đăng bài nhận định mang tựa Japan Is Flexing Its Military Muscle to Counter a Rising China (tạm dịch là: Nhật Bản đang khẳng định sức mạnh quân sự để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc).
Trong đó, bài viết đề cập việc Tokyo ra sức tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước. Năm 2012, Nhật Bản thông qua khoản ngân sách 2 triệu USD để huấn luyện cho binh sĩ Campuchia và Đông Timor.
Đây là lần đầu tiên Tokyo viện trợ quân sự kể từ sau Thế chiến 2. Ngoài ra, tờ The Philippine Star hồi tháng 12-2012 dẫn lời Chỉ huy lực lượng tuần duyên Philippines Rodolfo Isorena tuyên bố Tokyo chắc chắn sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra mới được trang bị súng máy 12,7 mm cho Manila từ năm 2014-2017.
Cũng trong tháng 11-2012, tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 4, Phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki của Nhật Bản, đã trình bày tham luận đề cập việc Tokyo tăng cường liên minh an ninh hàng hải.
Theo đó, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy 2 hợp tác đa phương hẹp là Nhật - Mỹ - Úc và Nhật - Mỹ - Ấn Độ lần lượt đóng vai trò như trục bắc - nam và trục đông - tây để đảm bảo an ninh hàng hải.
Ông Kaneda cũng dẫn ra nhiều sự kiện quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh hợp tác của Nhật với Ấn Độ. Trong đó, thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Ấn vào tháng 8.2007 khẳng định: “Ấn Độ mạnh là lợi ích của Nhật Bản, và Nhật Bản mạnh là lợi ích của Ấn Độ”.
Đến tháng 10-2008, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thăm Nhật Bản và hai bên ký kết bản Tuyên bố chung về hợp tác an ninh Nhật - Ấn. Bản tuyên bố này xác định rõ hợp tác sẽ được triển khai bởi cơ quan quốc phòng bằng nhiều hoạt động.
Ví dụ như hội nghị thượng đỉnh quốc phòng, đối thoại chính sách quốc phòng, đối thoại quân đội, trao đổi hậu cần và tập trận chung. Sau đó, vào tháng 12-2011, Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là ông Yoshihiko Noda thăm Ấn Độ và hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa Tokyo và New Delhi.
Mới đây nhất, vào ngày 9-6-2012, hai nước lần đầu tiên tổ chức tập trận hải quân song phương mang tên JIMEX 12 tại vịnh Sagami, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Trước đó, Nhật Bản và Ấn Độ từng nhiều lần tập trận chung nhưng có sự góp mặt của các nước khác, đặc biệt là Mỹ.
Ngoài ra, báo The Daily Pioneer hồi tháng 9.2012 đưa tin Tokyo vừa quyết định chào bán một số phương tiện tác chiến điện tử, thiết bị công nghệ cao và tàu tuần tra cho New Delhi.
Mặt khác, Nhật Bản còn đề xuất thành lập công ty liên doanh giữa hai bên về lĩnh vực quốc phòng. Tương tự, Nhật Bản cũng liên tục đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng với Úc.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Nhật Bản sẽ không dừng lại ở những nỗ lực trên. Chính phủ của Shinzo Abe trong thời gian tới chắc chắn sẽ thực hiện nhiều động thái mới nhằm đáp ứng học thuyết Đại Đông Á mới.
Theo Ngô Minh Trí
Thanh Niên