Triều Tiên có thể ế tên lửa

Triều Tiên có thể ế tên lửa
TP - Dù vừa phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian thành công, nhưng CHDCND Triều Tiên khó bán tên lửa, vì lệnh trừng phạt quốc tế cản trở và khách hàng truyền thống quay lưng, theo các nhà phân tích.

> Vệ tinh của CHDCND Triều Tiên không hoạt động?
> Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa thành công

Nhà lãnh đạo quá cố của Triều Tiên, ông Kim Jong-Il, đã “đạo diễn” chương trình vệ tinh và hạt nhân của nước này.

Trước khi qua đời ngày 17-12-2011, ông Kim nắm quyền 17 năm với chính sách “tiên quân” (quân sự trước tiên). Một phần của chính sách này là ngành kinh doanh vũ khí, bao gồm tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Theo các nhà quan sát, khách hàng chủ yếu là những nước đang phát triển, như Myanmar, Iran, Syria, một số quốc gia vùng Vịnh và châu Phi.

Nhu cầu giảm

Tuy nhiên, sức ép ngoại giao phương Tây và lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên từ khi nước này thử hạt nhân năm 2006 khiến thị trường truyền thống của Triều Tiên thu hẹp.

Triều Tiên cũng đang dần mất mối làm ăn với Myanmar - nước cam kết giảm giao dịch quân sự với Bình Nhưỡng để đổi lấy mối quan hệ tốt hơn với phương Tây. Ngoài ra, nhu cầu đối với loại vũ khí kiểu Liên Xô những năm 60 và 70 giảm do chúng có chất lượng không cao, ứng dụng hạn chế trên chiến trường hiện đại.

Chuyên gia kiểm soát vũ khí Joshua Pollack nói rằng, Triều Tiên chiếm hơn 40% trong tổng số gần 1.200 tên lửa đạn đạo cung cấp cho những nước đang phát triển trong giai đoạn 1987-2009, phần lớn từ giữa thập kỷ 90 trở về trước.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, số lượng khách hàng của Bình Nhưỡng giảm vì Mỹ liên tục gây sức ép đối với những nước mua công nghệ và vật liệu chiến tranh của Triều Tiên, ông Pollack nói.

Vệ tinh Kwangmyongsong-3 không hoạt động?

Ông Jonathan McDowell, Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ), ngày 17-12 nói rằng, không ghi nhận được tín hiệu nào phát đi từ vệ tinh Kwangmyongsong-3 mà Triều Tiên đưa vào quỹ đạo hôm 12-12. Theo ông, vệ tinh này có thể ở trên quỹ đạo vài năm. Tuần trước, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời một nhà khoa học nói rằng, vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyongsong-3 đang phát đi những bài hát ngợi ca cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

Bất chấp lệnh trừng phạt và sự can thiệp của Mỹ cùng các đối tác, Triều Tiên vẫn có khả năng hợp tác tên lửa với Iran và Syria, theo nhiều nhà phân tích. Dù vậy, thị trường Syria có thể đang thu hẹp đáng kể vì giới lãnh đạo nước này đang phải vật lộn với nội chiến để tồn tại.

Hiện nay, Iran đã vượt qua Triều Tiên về sự phát triển tên lửa. Iran đã phóng thành công vệ tinh và ngoài việc mô phỏng thiết kế của Triều Tiên, nước này đang tự sản xuất tên lửa tầm trung tinh vi hơn, có độ khả dụng quân sự cao hơn, Greg Thielmann, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Washington (Mỹ), nói.

Triều Tiên từng là nhà cung cấp hệ thống tên lửa hàng đầu cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Trung Đông. Khách hàng lớn đầu tiên của Triều Tiên là Iran, thời kỳ chiến tranh lâu dài với Iraq.

Hai nước ký thỏa thuận phát triển tên lửa năm 1985 và Triều Tiên bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa tầm ngắn Scud, sử dụng thiết kế của Liên Xô và sự trợ giúp về bí quyết của Trung Quốc. Sau đó, Triều Tiên phát triển tên lửa tầm trung với tầm bắn hơn 1.000 km.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, từ những năm 80, Triều Tiên có thể kiếm được hàng trăm triệu đô-la từ việc bán ít nhất vài trăm quả tên lửa tầm ngắn và tầm trung cho Ai Cập, Iran, Libya, Pakistan, Syria, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Yemen.

Lấy lại uy tín

Việc phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 ngày 12-12 cho thấy khả năng kỹ thuật của Triều Tiên- đưa vệ tinh vào quỹ đạo, sử dụng công nghệ tương tự bắn tên lửa tầm xa.

Tên lửa Unha-3 có 3 tầng, tầm bắn khoảng 8.000-10.000 km, được phóng thành công sau nhiều lần thất bại kể từ năm 1998.

“Việc phóng tên lửa xua tan nghi ngờ về năng lực tên lửa của Triều Tiên và lấy lại uy tín của nước này đối với các khách hàng”, Baek Seung-joo, chuyên gia về Triều Tiên công tác tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định. Tuy nhiên, rất ít chính phủ quan tâm loại tên lửa tầm xa mà Triều Tiên phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thiện được.

Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục bán tên lửa tầm ngắn và tầm trung cùng một số loại súng đạn kiểu Liên Xô cho khách hàng ở châu Phi, thậm chí cho một số nhóm Hồi giáo như Hezbollah, Hamas…

Tuy nhiên, việc bán vũ khí của Triều Tiên bị siết chặt kể từ khi nước này thử hạt nhân lần cuối cùng vào năm 2009.

Sau vụ phóng tên lửa vừa rồi, Mỹ có khả năng tìm kiếm những lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, dù việc làm này có thể bị Trung Quốc phản đối.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke ngày 17-12 nói rằng, Mỹ và Trung Quốc bị chia rẽ trong việc chọn cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên John Everard, người từng làm điều phối viên của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc chuyên báo cáo về việc thực hiện lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nói rằng, việc các nước phát hiện, thu giữ các lô hàng vũ khí xuất khẩu của Bình Nhưỡng góp phần đánh vào tài chính và uy tín của nước này.

Tháng trước, các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc thông báo, 445 thanh graphite có nguồn gốc Triều Tiên (có thể được dùng để sản xuất tên lửa đạn đạo) bị thu giữ hồi tháng 5 trên một tàu hàng ở cảng Busan của Hàn Quốc, trên đường tới Syria.

Theo một báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng 6, nguyên liệu có thể dùng để kích hoạt tên lửa Scud bị thu giữ hồi tháng 10-2007 trên một con tàu trên đường tới Syria.

Hồi tháng 12-2009, Thái Lan chặn một chuyến bay thuê bao từ Bình Nhưỡng chở 35 tấn vũ khí, gồm có tên lửa đất đối không. Giới chức Thái Lan nói rằng, lô hàng này đang trên đường tới Iran.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Triều Tiên đang tìm kiếm người mua vũ khí giá rẻ của mình ở châu Phi. Những năm gần đây, một số lô hàng trên đường tới Cộng hòa Congo, Burundi, Eritrea… bị phát hiện, thu giữ.

Gia Tùng
Theo AP, Newser, Strait Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.