Cuộc gặp cấp ngoại trưởng Nhật-Trung rất gay gắt

Cuộc gặp cấp ngoại trưởng Nhật-Trung rất gay gắt
TP - Hãng tin Nhật Bản Kyodo News dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói rằng cuộc gặp của ông với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 26-9 diễn ra trong không khí rất căng thẳng và gay gắt.

> Ngoại trưởng Trung- Nhật tranh luận về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: 2space.net
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: 2space.net.

Bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York sáng 26-9, ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp song phương kéo dài một giờ về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cuộc gặp này diễn ra theo đề nghị của Ngoại trưởng Gemba, cũng là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước từ khi bùng lên tranh chấp đối với quần đảo này.

Ngoại trưởng Gemba muốn phía Trung Quốc hiểu rằng việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư là nhằm quản lý chúng một cách hòa bình và bền vững.

Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông gồm năm hòn đảo nhỏ không có người ở, hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Tân Hoa xã cho biết, tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Dương Khiết Trì nhắc lại lập trường trước sau như một của Trung Quốc đối với Điếu Ngư/Senkaku.

Ông Dương coi việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo là sự vi phạm thô bạo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông Dương cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước là do phía Nhật Bản gây ra, do vậy Nhật Bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hành động của mình.

Ông Dương nói phía Nhật Bản phải đối mặt thực tế, đừng ảo tưởng và cần có bước đi cụ thể để sửa chữa sai lầm và chấm dứt mọi hành động làm tổn hại Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Gemba thúc giục Trung Quốc kiềm chế.

Cuộc tranh chấp biển đảo giữa hai cường quốc châu Á lần này được cho là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, dẫn đến một làn sóng bài Nhật lan rộng khắp các thành phố lớn Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cảnh báo rằng, quan hệ kinh tế Trung-Nhật sẽ bị ảnh hưởng.

Trên thực tế nhiều công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động vì người biểu tình Trung Quốc đập phá một số công ty, cửa hàng của người Nhật, gây nhiều thiệt hại về của.

Hôm 26-9, tập đoàn Toyota Motor xác nhận việc đã cắt giảm sản xuất xe hơi ở Trung Quốc vì đơn đặt hàng giảm mạnh.

Cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Senkaku/Điếu Ngư dẫn đến việc Trung Quốc hủy lễ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Sự đối đầu Trung-Nhật trong tranh chấp chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư diễn ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nhật Bản đang có vấn đề nội bộ chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong nước.

Theo các nhà phân tích, vì mục đích chính trị trong nước mà cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều không thể nhượng bộ hay giảm căng thẳng.

Đ.P
Theo BBC, Kyodo, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.