Tín hiệu cải cách kinh tế từ Triều Tiên

Tín hiệu cải cách kinh tế từ Triều Tiên
Có nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh tụ trẻ Kim Jong-un đang muốn điều hành đất nước theo cách thức hiệu quả hơn.

> Quân đội Triều Tiên nhảy múa mừng Nguyên soái Kim Jong Un

Phong cách mới

Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây thường đưa những tin và hình ảnh như ông Kim Jong-un đến thăm các lễ hội, xuất hiện cùng một phụ nữ trẻ đẹp, phát biểu trước công chúng, và vỗ tay tại một buổi hòa nhạc có hình ảnh các nhân vật hoạt hình phương Tây – những điều trái ngược với hình ảnh bí hiểm và khắc khổ của người cha.

Thậm chí, ngay cả phụ nữ Triều Tiên dường như cũng có thêm nhiều quyền tự do hơn, với việc được phép mặc quần dài và đi giày cao gót ngoài phố.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng, ông Kim Jong-un khẳng định Đảng Lao động Triều Tiên đã “quyết tâm mạnh mẽ” nâng cao cuộc sống của người dân để “họ không phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng nữa”.

Lập nhóm kinh tế trong Đảng

Ông Kim Jong-un và người chú rể Jang Song-thaek (trái) bên cạnh xe chở quan tài cố lãnh đạo Kim Jong-il
Ông Kim Jong-un và người chú rể Jang Song-thaek (trái) bên cạnh xe chở quan tài cố lãnh đạo Kim Jong-il.
 

Nguồn tin báo chí Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong-un đã chỉ định một số nhà kinh tế tương đối trẻ vào các vị trí chủ chốt trong Đảng Lao động Triều Tiên. Các quan chức chính phủ đang tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Học tập mô hình Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã cho thành lập một “nhóm phụ trách cải cách kinh tế” bên trong Đảng Lao động Triều Tiên, chuyên trách về nông nghiệp và kinh tế.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục chính quyền Triều Tiên thực hiện các cải cách kinh tế vì lo ngại sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn đổ vào Trung Quốc, đồng thời sẽ làm Bắc Kinh mất đi một vùng đệm chiến lược, ngăn cách Trung Quốc với Hàn Quốc, nơi có hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú.

Bên cạnh đó, một nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã tiết lộ với hãng thông tấn Reuters việc Bình Nhưỡng đã lập một bộ phận đặc biệt – “văn phòng chính trị” nhằm giành quyền kiểm soát nền kinh tế của quân đội Triều Tiên. “Trong quá khứ, chính phủ không có quyền hành gì đối với kinh tế. Quân đội nắm toàn quyền kiểm soát nền kinh tế. Nhưng, điều này sẽ thay đổi”, nguồn tin cho hay.

Giáo sư John Delury thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc) nhận định có thể ông Kim Jong-un đang muốn cải tổ kinh tế và chính trị đất nước theo từng bước nhỏ. Tuy nhiên, “đó chưa hẳn là thay đổi chính sách, mà có vẻ mới là sự thay đổi về thái độ và nhận thức” - giáo sư Delury đánh giá – “nhưng có thể sẽ là khởi đầu cho một điều gì đó lớn lao hơn”.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định Bình Nhưỡng đang muốn cải cách, và hầu như chắc chắn Triều Tiên sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại, bởi những tín hiệu từ Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền còn đầy trái ngược nhau.

Đưa quân đội trở về vị trí bình thường

Lãnh tụ Jong-un đang cố gắng giảm bớt quyền lực của giới quân đội (ảnh: internet)
Lãnh tụ Jong-un đang cố gắng giảm bớt quyền lực của giới quân đội. ảnh: internet.
 

Những cuộc thay tướng do ông Kim Jong-un tiến hành vừa qua đang làm giảm quyền lực của quân đội và dọn đường cho các thí điểm cải cách kinh tế và nông nghiệp.

Được đào tạo ở phương Tây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có vẻ cởi mở hơn trong các cải cách kinh tế theo định hướng nhà nước tại Triều Tiên so với cha ông. Cheong Seong-chang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Sejong, đánh giá, sau 7 tháng củng cố quyền lực, ông Kim Jong-un giờ đây đã ở vị trí tốt hơn để “đưa ra những cải cách kinh tế và mở cửa”.

Việc bãi miễn chức vụ Tổng Tham mưu trưởng quân đội của ông Ri Yong-ho và các đồng minh của ông ta cho phép Kim Jong-un và người chú rể Jang Song Thaek, nhân vật được coi là nắm thực quyền ở hậu trường, tiến hành các biện pháp cứu nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Jang Song-thaek phụ trách cơ quan cảnh sát và tình báo, là phó chủ tịch thứ nhất của Hội đồng quân sự Triều Tiên quyền lực, chủ trương cải cách theo kiểu kinh tế thị trường.

Nỗ lực cải cách kinh tế của ông được cho là nguyên nhân khiến ông bị “đày” ra nước ngoài trong một thời gian (sau đó mới được phục hồi và giao vai trò hàng đầu trong việc phò tá ông Kim Jong-un khi ông này được chuẩn bị để kế nhiệm người cha.)

Còn ông Ri Yong-ho vốn là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chính sách “Songun – Quân đội trên hết” của cố lãnh tụ Kim Jong-il. Thế nhưng, có một vấn đề là ông chống lại chủ trương chính phủ thay thế quân đội giành quyền kiểm soát nền kinh tế.

Nhà phân tích Kim Keun-sik, Đại học Kyungnam của Hàn Quốc, cho rằng “ông Kim Jong-un đang nỗ lực đưa quân đội trở lại vị trí bình thường”.

Vẫn theo nguồn tin của Reuters, Kim Jong-un và Jang Song-thaek thực hiện một chiến dịch thanh lọc nhưng không thanh trừng. Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 20 nhân vật cấp cao Triều Tiên đã bị cách chức kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

Theo Trung Hiếu
VOV online

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG