'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi

'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi
TPO – Hãng thông tấn AP vừa có bài viết về bức ảnh “em bé Nalpalm” tròn 40 tuổi. Cảm xúc của tác giả và nhân vật chính của bức ảnh được đề cập trong bài viết này.

> Nhiếp ảnh gia Nick Út trao đổi nghiệp vụ với phóng viên Tiền Phong 

Bức ảnh “em bé Nalpalm” do tác giả, phóng viên ảnh Nick Út chụp vào ngày 8-6-1972
Bức ảnh “em bé Nalpalm” do tác giả, phóng viên ảnh Nick Út chụp vào ngày 8-6-1972.

Trong bức ảnh, bé gái chín tuổi trong tư thế trần truồng, vừa chạy vừa thét lên: “Nóng, nóng quá”. Em chạy ra khỏi ngôi làng đang bốc cháy mà sau lưng là cảnh binh lính cầm súng trên tay.

Một giây, đó là thời gian để phóng viên ảnh Huỳnh Công Út (Nick Út) - làm việc cho AP - bấm máy. Cô bé trong bức tranh sẽ mãi là nạn nhân vô danh của thời chiến nếu như không có bức ảnh “em bé Nalpalm”.

Nhân vật chính trong bức ảnh nay đã 49 tuổi. Bốn thập kỷ trôi qua nhưng những kỷ ức về giây phút mưa bom bão đạn ấy mãi đọng lại trong tâm trí cô.

Ngày của bom Nalpalm

Ngày 8-6-1972 trở thành dấu mốc đáng nhớ của phóng viên ảnh Nick Út và nhân vật chính của bức ảnh – cô bé Phan Thị Kim Phúc.

Làng Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh hôm đó chìm trong làn khói của bom Nalpalm. Phúc nghe thấy tiếng một binh lính hét lên: “Chúng ta phải chạy khỏi nơi này thôi”.

Sau tiếng hét ấy, em đã chạy.

Em nhìn thấy những cột khói màu vàng cuồn cuộn ở quanh đền Cao Đài, nơi mà Phúc cùng mẹ và anh trai ẩn trú trong ba ngày qua.

Phúc chạy trong tư thế trần truồng, theo sau anh trai của mình.

Rồi Phúc nghe thấy cả những tiếng ồn trên không. Em nhìn lên bầu trời và rồi chiếc máy bay của quân đội Mỹ như đang lao tới em.

“Bùm! Bùm!”

Những tiếng nổ khiến mặt đất bỗng nhiên rung chuyển.

Ít giây sau đó, ngọn lửa bốc lên. Lửa bốc bất ngờ cháy táp vào cánh tay trái Phúc.

Sức nóng của bom Nalpalm cũng khiến quần áo cô bé cháy hết và làn da em bị bỏng nặng. Phúc đau lắm, cả bên ngoài da và trong bắp tay nữa.

“Mình sẽ trở nên xấu xí, mọi người sẽ nhìn mình bằng ánh mắt khác” – bà Phúc bây giờ đã 49 tuổi, nhớ lại giây phút ấy.

Phúc thực sự hoảng loạn và tiếp tục chạy theo anh trai trên quốc lộ. Cô bé không hề biết các nhà báo nước ngoài đang có mặt ở đó. Lúc sau, em ngất lịm.

Nick Út và “em bé Nalpalm”

Người nhanh tay bấm máy hình ảnh Phúc đang chạy – phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP - đã bế em vào một bệnh viện nhỏ của địa phương. Bác sĩ bảo, Phúc bị bỏng quá nặng, không thể cứu được. Nhưng sau đó, Nick Út nhận được sự giúp đỡ và đảm bảo sẽ điều trị cho cô bé.

“Tôi đã khóc khi nhìn thấy em chạy như vậy. Nếu tôi không giúp cô bé, nếu cô bé có mệnh hệ gì thì tôi sẽ không thể sống nổi” – Nick Út nhớ lại.

Nick Út sau đó trở về trụ sở ở Sài Gòn và rửa bức ảnh chụp bé Phúc. Chính tác giả và các phóng viên khác trong trụ sở lo ngại rằng, bức ảnh này khó mà sử dụng bởi đó là ảnh khỏa thân.

Lúc đấy, cựu phóng viên ảnh Horst Faas đã xem xét bức ảnh và cho rằng, nó có thể phá vỡ những quy tắc. Ông nhận định, đây là bức ảnh có giá trị đặc biệt và lịch sử chứng minh điều đó đã đúng.

Hai ngày sau khi bức ảnh được công bố trên thế giới, nhiều nhà báo khác đã tìm hiểu và biết được cô bé trong bức ảnh vẫn còn sống.

'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 2
Cô bé Kim Phúc gặp ông Nick Út năm 1973. Ảnh: AP.

Tại hiện trường, một phóng viên của ITV, Anh, đã dội nước để chữa bỏng cho Phúc. Sau đó, phóng viên này đã đấu tranh để chuyển cô bé tới một bệnh viện lớn tại Sài Gòn.

“Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện nhưng không nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra và mình đang ở đâu. Tôi vừa đau đớn, vừa sợ hãi. Các y tá đã điều trị và chăm sóc tôi” – Bà Phúc kể lại.

Phúc bị bỏng tới 30% cơ thể. Cứ 8 giờ sáng, các y tá lại cắt bỏ vùng da chết do bỏng cho bệnh nhân nhỏ tuổi. Có lúc, em đã ngất đi vì đau...

Phúc trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cấy ghép da. Sau 13 tháng nằm viện, Phúc được trở về. Phúc được xem lại bức ảnh do Nick Út chụp. Chính bức ảnh đó đã giúp Nick Út giành giải thưởng Pulitzer.

Bức ảnh vì hòa bình

Đến năm 1982, Phúc được sang Tây Đức để điều trị những di chứng của bom Nalpalm. “Em bé Nalpalm” ngày nào sau đó được cử sang Cu Ba học.

Tại đây, Phúc gặp người bạn đời Bùi Huy Toàn. Bản thân cô không nghĩ rằng có ai đó sẽ yêu cô vì những vết sẹo trên lưng và cánh tay trái. Hai người đã đến với nhau và kết hôn vào năm 1992.

Về sau, vợ chồng Phúc đã chuyển tới Canada và có hai người con.

'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 3
Bà Kim Phúc giờ đã 49 tuổi và có gia đình hạnh phúc.

Một cuốn sách và bộ phim tài liệu về “em bé Nalpalm” của Việt Nam đã được thực hiện sau đó. Bà Kim Phúc còn được mời làm Đại sức Thiện chí của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ những nạn nhân của cuộc chiến tranh. Trong thời gian đó, bà và ông Nick Út nhiều lần hội ngộ. Tháng 6 năm 2000, bà và ông Nick Út đã được gặp mặt nữ hoàng Anh Elizabeth II.

“Được giúp đỡ Phúc cũng là niềm vui của tôi. Tôi coi cô ấy như con gái” – Ông Nick Út cho biết.

Giờ đây, cô bé trong bức ảnh “em bé Nalpalm” đã 49 tuổi và có mái ấm gia đình hạnh phúc.

“Hầu như mọi người đều biết đến bức ảnh nhưng không mấy ai biết về cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi có thể chấp nhận bức ảnh của mình như một món quà. Bức ảnh sát cánh bên tôi vì mục đích hòa bình” – bà Phúc chia sẻ.

'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 4
Bà Kim Phúc đã kết hôn với ông Bùi Huy Toàn vào năm 1992. Ảnh: AP.
'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 5
Nhân vật Kim Phúc và tác giả bức ảnh gặp nhau năm 1989.
'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 6
Bà Kim Phúc chơi cùng con trai Thomas Huy Hoàng, 3 tuổi ở Toronto, Canada. Ảnh chụp ngày 25-5-1997. Ảnh: AP.
'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi ảnh 7
Ông Nick Út cùng Kim Phúc gặp mặt nữ hoàng Anh Elizabeth II vào ngày 27-6-2000. Ảnh: AP.

Nguyễn Thủy
Theo AP

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh hưởng thần kinh, đột quỵ, ung thư vì ô nhiễm không khí
TPO - Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.