Quyền năng truyền thông xã hội ở Trung Quốc

Quyền năng truyền thông xã hội ở Trung Quốc
TP - Theo nhiều học giả, blog đang tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội, chính trị ở Trung Quốc, giúp đảng và chính phủ nước này ngày càng minh bạch và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân.

> Trung Quốc có thể mua Facebook
> Cuộc chiến giữa ba 'ông lớn'

Bản đồ mạng lưới mạng xã hội của Trung Quốc Đồ họa: Zero Degrees
Bản đồ mạng lưới mạng xã hội của Trung Quốc Đồ họa: Zero Degrees.

Ngày nay, các cơ quan báo chí ở Trung Quốc cũng cần chiến lược truyền thông xã hội. Thậm chí Tân Hoa xã cũng đăng tải bản tin lên các tiểu blog Trung Quốc kiểu như Twitter. Trên các tiểu blog tên là Weibo, hơn 300 triệu người sử dụng đang chia sẻ với nhau chi tiết về đời sống hằng ngày, chuyện phiếm và tin tức.

Báo chính thống, công an cũng dùng blog

Các công ty cung cấp dịch vụ Weibo được yêu cầu kiểm duyệt và giám sát người sử dụng, chặn những bài viết có nội dung nhạy cảm chính trị.

Tuy nhiên, nhiều thành viên mạng xã hội vẫn có thể qua mặt hệ thống kiểm duyệt bằng cách dùng cách nói ám chỉ và mật hiệu để truyền cho nhau những tin tức rò rỉ hoặc mẩu tin từ báo chí nước ngoài về trường hợp sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood mà nghi phạm là bà Cốc Khai Lai - vợ của ông Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Giữa tháng 4, báo chí chính thống Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, Trung Quốc nhật báo… chính thức đăng tải nhiều thông tin liên quan bộ ba Bạc - Cốc -Heywood trước đó xuất hiện trên mạng xã hội.

Sau một thời dài báo chí chính thống im lặng về vụ việc, Tân Hoa xã đưa lên blog một bản tin chính thức tuyên bố ông Bạc đã bị mất chức trong đảng và đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc”.

Tuy nhiên, bài đăng trên blog kiểu Twitter (gọi là tweet) của Tân Hoa xã lại bị chính Sina Weibo, dịch vụ blog phổ biến nhất ở Trung Quốc, kiểm duyệt. Trước đó, hệ thống kiểm duyệt tự động được thiết kế để phát hiện từ khóa “Bạc Hy Lai” để lọc nội dung các tweet.

Không phải đến bây giờ mà ngay từ vài năm trước, nhiều cơ quan và quan chức nhà nước của Trung Quốc đã mở hơn 40.000 tài khoản tiểu blog nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch hơn và tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh hơn. Hơn 60% tài khoản Weibo của cơ quan và quan chức chính phủ thuộc về các sở công an. Trong số 20 tài khoản Weibo hàng đầu, 15 thuộc về các sở công an.

Một báo cáo của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) công bố cuối năm 2011 cho thấy, trong số 100 tiểu blog hàng đầu của các cơ quan chính phủ, 75 blog là của các sở công an.

Blog của Công an Quảng Đông có hơn 1,9 triệu người theo dõi trực tuyến (follower), blog của Công an thành phố Triệu Khánh - trên 1 triệu follower, Công an Bắc Kinh - 1,8 triệu follower…

Wang Xianshi, Phó Bí thư Thành ủy Quảng Đông, nói: “Việc thành lập và duy trì blog Weibo cũng khiến các sở công an gặp khó khăn. Nhưng đó là cách tốt để cải thiện công tác liên quan quần chúng và phòng chống tội phạm”.

Zhang Yiwu, giáo sư truyền thông công tác tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Weibo là một nền tảng tốt để cảnh sát giao tiếp với công chúng, đem lại cơ hội tránh hiểu lầm”. Blogger Trung Quốc Michael Anti mô tả Weibo là “chiến trường” dư luận.

Lãnh đạo cấp cao quan tâm người dân hơn

Hầu như tuần nào cũng có các câu chuyện trên báo hoặc blog viết về những chủ đề trên mạng mà ngay cả báo chí chính thống cũng coi là “nóng”. Đó là những câu chuyện về người dân ở một làng hoặc thị trấn nào đó sử dụng Weibo để tố cáo hành động sai trái của chính quyền địa phương hoặc vùng miền.

Những câu chuyện này thu hút sự chú ý của chính quyền trung ương, để rồi sau đó họ sẽ ra tay giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, lãnh đạo cấp cao dường như quan tâm tới người dân thường nhiều hơn quan chức địa phương, theo ý kiến của nhiều học giả công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Công dân mạng có thể sử dụng blog để đấu tranh chống quan tham. Trên mạng, các cá nhân có thể cung cấp chứng cứ chống lại một quan chức cụ thể, mà vì thế vị quan chức này cuối cùng phải từ chức. Đôi khi, luật và một số quy định còn được thay đổi, chính sách được đổi mới khi chịu áp lực từ các phong trào của cư dân mạng.

Nhiều cuộc đấu tranh quyền lực và bê bối giờ không còn chỉ được giữ trong một số giới hay nhóm người nhất định. Trong vụ Bạc - Cốc - Heywood, truyền thông xã hội “đang tạo ra mức độ minh bạch về cách giải quyết của chính phủ tới mức chưa từng có”, Jeremy Goldkorn, doanh nhân truyền thông sống tại Trung Quốc từ thập kỷ 90, nhận xét.

Weibo tạo ra một chu trình mà trong đó công chúng ngày càng được khuyến khích sử dụng truyền thông xã hội để báo cáo về các vụ lạm dụng quyền lực của quan chức.

Thẳng tay với tin đồn online

Tuy nhiên, không ít blogger lợi dụng sức mạnh báo chí công dân nhằm tổ chức biểu tình, hay đơn giản là tập trung chỉ trích chính quyền. Để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc phải mạnh tay xử lý những phần tử quá khích.

Kể từ giữa tháng 3, giới chức Trung Quốc dỡ bỏ hơn 210.000 bài viết trên mạng và đóng cửa 42 website, ông Liu Zhengrong, quan chức Văn phòng Nhà nước về thông tin trên Internet, thông báo hôm 13-4. Thông tin sai sự thật, tin đồn nhảm lan truyền trên mạng, đặc biệt là qua các tiểu blog, ảnh hưởng trật tự xã hội và đời sống người dân, ông Liu nói.

Trước đợt truy quét trực tuyến này, sáu người bị bắt vì tung tin đồn nhảm “xe quân sự đang tiến vào Bắc Kinh” (ngụ ý có đảo chính) và 16 website bị đóng cửa vì phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Những người tạo ra hoặc phát tán tin đồn liên quan khủng bố, giao dịch chứng khoán hoặc thông tin ảnh hưởng an ninh quốc gia và danh tiếng của doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.

Trung Quốc đang yêu cầu blogger đăng ký tên thật Ảnh: Wired
Trung Quốc đang yêu cầu blogger đăng ký tên thật Ảnh: Wired.

Hạn chế mặt trái và tương lai phát triển

Hiệp hội Internet Trung Quốc kêu gọi các công ty Internet và website tăng cường quản lý, ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn trực tuyến. Ba công ty Internet hàng đầu của Trung Quốc là Sina, Baidu và Tencent mới đây tuyên bố sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường nhân lực giám sát thông tin online, đặc biệt là các tiểu blog.

Chính phủ Trung Quốc đang thúc giục các nhà cung cấp dịch vụ Weibo áp dụng hệ thống đăng ký tên thật vào giữa năm nay, nghĩa là ít nhất trên lý thuyết, người dùng Weibo sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc che giấu thông tin cá nhân đối với chính quyền.

“Nếu điều này thực sự được áp dụng thì sẽ nhắc nhở mọi người rằng chính phủ đang theo dõi và họ nên cẩn trọng với những gì mình nói”, Bill Bishop, nhà đầu tư Internet ở Bắc Kinh, nhận xét.

Theo nhiều nhà phân tích, nghịch lý của Internet ở Trung Quốc là dù tất cả biện pháp của chính phủ được áp dụng thì Weibo vẫn là một nơi vô cùng sinh động mà tại đó hầu hết người dùng Internet cảm thấy tự do hơn bao giờ hết trong tranh luận và thảo luận các vấn đề xã hội.

Hàng triệu người dùng Internet Trung Quốc tham gia thường xuyên vào các cuộc tranh luận chính sách công bởi họ cảm thấy ít nhất trong vài trường hợp, sức mạnh của dư luận có thể tạo nên khác biệt thực sự.

Các nhà phân tích cho rằng, về lâu dài, những xu hướng này có thể khiến mọi người lạc quan về vai trò của Internet đối với tương lai chính trị của Trung Quốc.

Theo họ, Internet sẽ lại đóng vai trò to lớn trong việc thể hiện mối quan tâm của công chúng và thúc đẩy giới lãnh đạo chấp nhận sự phê bình, khoan dung hơn với chỉ trích, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hướng tới xã hội dân sự.

Nhiều cơ quan và quan chức nhà nước của Trung Quốc đã mở hơn 40.000 tài khoản tiểu blog nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch hơn và tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh hơn.

Hơn 60% tài khoản Weibo của cơ quan và quan chức chính phủ thuộc về các sở công an. Trong số 20 tài khoản Weibo hàng đầu, 15 thuộc về các sở công an.

Gia Tùng
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG