> Họp khẩn với doanh nghiệp có lao động làm việc tại Libya
Binh lính Libya và những người biểu tình thân chính phủ. Ảnh: AP. |
Hôm 22-2, trước tin đồn Tổng thống Libya, Đại tá Moammar Gadhafi đã chạy trốn khỏi Libya, ông Gadhafi lên truyền hình nhà nước khẳng định ông vẫn còn ở Libya, quyết không từ chức trước sức ép của phe biểu tình đối lập và thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chế độ hiện nay.
Ông gọi những người biểu tình đối lập là chuột, những tên lính đánh thuê cho nước ngoài đáng phải nhận tội chết. Đại tá Gadhafi cho biết ông sẽ cho lục soát từng nhà một để làm trong sạch Libya cho đến khi lực lượng biểu tình đối lập đầu hàng.
Ông Gadhafi kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường biểu tình chống lại những người biểu tình đối lập. Hãng tin AP (Mỹ) đưa tin hôm 23-2 khoảng 150 người đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đại tá Gadhafi, kéo đến quảng trường trung tâm giương quốc kỳ và ảnh của nhà lãnh đạo Gadhafi, hô khẩu hiệu ủng hộ chính phủ. Nhà chức trách Libya phản đối các nước ngoài can thiệp công việc nội bộ của Libya, phóng đại sự việc, làm rối thêm tình hình ở thủ đô Tripoli.
Bộ trưởng Nội vụ Libya, ông Abdel Fattah Younes al Abidi, được truyền hình Al Jazeera đưa tin và hình ảnh đang đọc tuyên bố từ chức. Trong tuyên bố từ chức đọc tại bàn làm việc ở văn phòng của mình, Bộ trưởng Abidi kêu gọi lực lượng vũ trang Libya không đàn áp nhân dân mà hãy ủng hộ những yêu sách hợp pháp của họ.
Trước đó, Youssef Sawani, một trợ lý cao cấp và thân cận với Saif - con trai của Đại tá Gadhafi - đã từ chức để phản đối bạo lực ở Tripoli.
Trong khi đụng độ đẫm máu đang diễn ra giữa lực lượng thân chính phủ với những người biểu tình đòi lật đổ chế độ Gadhafi, các nước có quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với Libya tìm cách sơ tán công dân của họ ra khỏi nước châu Phi này.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là nhà lãnh đạo đầu tiên tuyên bố trừng phạt Libya bằng cách ngừng mọi quan hệ về kinh tế, tài chính, thương mại với chính quyền Gadhafi cho đến khi có thông báo mới. Tổng thống Sarkozy thúc giục các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng áp dụng lệnh trừng phạt đối với chính quyền Libya hiện nay.
Chủ tịch EU, ông Herman Van Rompuy, nói rằng Libya đã phạm phải tội ác khủng khiếp không thể chấp nhận được và không thể tồn tại mà không phải chịu hậu quả. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố lên án việc sử dụng vũ lực ở Tripoli và đòi những ai liên quan đến việc đàn áp dân thường bằng vũ lực sẽ phải chịu trách nhiệm.
Peru hôm 23-2 công bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya để phản đối việc chính quyền Gadhafi đàn áp lực lượng biểu tình đối lập. Mỹ thúc giục các cường quốc thế giới có chung lập trường đối với Libya và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Washington sẽ có những bước đi thích hợp, đúng lúc đối với tình hình ở Libya.
Do tình hình bất ổn chính trị ở Libya, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, giá dầu thô trên thị trường bị đẩy lên mức cao kỷ lục. Dầu thô Brent tại thị trường thế giới ngày 23-2 tăng giá lên 107,08 USD/thùng.
Đ.P
Theo AP, Reuters, BBC