Triệu tập tài xế trả tiền lẻ: Phải có quyết định khởi tố vụ án

Tài xế trả tiền quan trạm thu phí trên quốc lộ 5. Ảnh: Như Ý.
Tài xế trả tiền quan trạm thu phí trên quốc lộ 5. Ảnh: Như Ý.
TPO - Công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên triệu tập tài xế dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm thu phí là có dấu hiệu không đúng quy định của pháp luật, nếu chưa có quyết định khởi tố vụ án - luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc) - khẳng định.

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí trên quốc lộ 5 thuộc địa bàn huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều tài xế đã bị triệu tập sau khi dùng tiền lẻ để chi trả qua trạm thu phí.

Để rộng đường dư luận, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc về vấn đề trên.

- Luật sư cho biết, Công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên “triệu tập” tài xế dùng tiền lẻ để trả cho trạm thu phí, có đúng quy định của pháp luật? Theo quy định của pháp luật, giấy triệu tập được sử dụng trong những trường hợp nào?

- Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ án đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng trước tiên việc người dân dùng tiền lẻ qua trạm không có gì sai, nếu đòi xem xét khởi tố người dân tội này chứng tỏ công an không hiểu vấn đề.

"Còn việc gây rối chúng ta phải xem động cơ là gì, tôi cho rằng động cơ kêu gọi chống lại sự bất công không cấu thành tội hình sự, còn động cơ kêu gọi phản đối nhằm mục đích gây mất ổn định thì mới cấu thành tội phạm. Anh không thể hình sự hóa một hành vi không phạm luật..." - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với những người thuộc diện sau:

Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát (theo khoản 3 Điều 49).

Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (theo khoản 3 Điều 50).

Bị hại: Là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (theo khoản 4 Điều 51).

Nguyên đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 52).

 Bị đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 53).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (theo khoản 2 Điều 54).

Người làm chứng: người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án (theo khoản 4 Điều 55).

Do đó, việc cơ quan công an phát hành giấy triệu tập đối với tài xế  khi chưa có quyết định khởi tố vụ án là không đúng với quy định của pháp luật.

- Theo luật sư, trường hợp nào công an sẽ sử dụng giấy mời, đối tượng được mời sẽ phải sẽ ứng xử thế nào với giấy mời được phát hành từ cơ quan công an?

- Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan nhà nước khác mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.

Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người nhận được giấy mời nên đến làm việc để biết rõ mình có liên quan như thế nào đến vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bản thân.

Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Giá phí qua trạm BOT hiện là 40.000 đồng mỗi lượt.

Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể thu phí trên Quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra, song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.

MỚI - NÓNG