Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Không thể bất chấp vấn đề môi trường để làm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
TP -  “Phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao tính minh bạch. Phải ổn định để phát triển lâu dài, không thể bất chấp vấn đề môi trường để làm kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sáng 11/3 tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, do Bộ KH&ĐT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức. Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, trường đại học, các tỉnh Tây Nguyên và vùng lân cận, hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế…

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sâu về 10 vấn đề. Thủ tướng nói rằng, Tây Nguyên đã phát triển hơn trước về nhiều mặt, nhưng vẫn còn không ít bất cập, đặc biệt là việc để mất rừng, mất nguồn nước, mất nhiều cơ hội phát triển để nâng cao mức sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo phải tiếp tục trồng rừng, không được phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp, mà phải thâm canh nâng cao năng suất, đầu tư sâu sau chế biến để có chuỗi giá trị tốt hơn. “Tôi đồng ý chủ chủ trương phát triển năng lượng tái tạo trên những phần đất không phát triển được cây gì khác. Phải xã hội hóa mạnh mẽ phát triển hạ tầng. Phải liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm của nhau”, Thủ tướng nói.

 “Có người nhận xét Tây Nguyên như bữa tiệc tàn canh, không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư mới đến. Tuy nhiên, nhận xét đó chưa nhìn được hết toàn cảnh và tiềm năng Tây Nguyên. Tây Nguyên hiện vẫn còn như một cô gái đẹp đang ngủ quên”, Thủ tướng ví von.

Thủ tướng nhận định, Tây Nguyên sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm, làm giàu bằng việc phát triển chế biến sâu hàng hóa nông, lâm nghiệp, dược phẩm. Tây Nguyên có 2 triệu hécta đất bazan màu mỡ, nhiều nông sản chủ lực như cà phê, hạt tiêu, cao su…, nhưng phần lớn các mặt hàng này vẫn xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. 

Tây Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, kho tàng văn hóa phi vật thể với không gian cồng chiêng, ẩm thực phong phú, trang phục độc đáo, nhưng du lịch toàn vùng vẫn chưa phát triển ngoài Lâm Đồng. Vấn đề di dân còn mang tính tự nhiên, thiếu cơ sở khoa học, nhiều doanh nghiệp không gắn bó với cộng đồng...

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chủ động tiếp nhận các nguồn dân cư nơi khác về để phát triển bền vững. Về du lịch và nông nghiệp, Tây Nguyên cần hình thành những nhóm liên kết nhiều nhà để mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Tây Nguyên cũng không thể là vùng trũng về giáo dục của cả nước mà phải đặc biệt quan tâm dân trí. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ về việc phải bảo vệ rừng cho nóc nhà Đông Dương. Phải xử nghiêm mọi tổ chức, cá nhân phá rừng tự nhiên, vì phá rừng là tội ác.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiềm năng điện gió, điện mặt trời trên Tây Nguyên rất lớn; Bộ đang trình Thủ tướng đề nghị điều chỉnh cơ chế đầu tư và giá điện gió cho phù hợp hơn. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá tình hình dư nợ trên Tây Nguyên là tích cực, tuy nhiên, nguồn vốn huy động được trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu, nên cam kết sẽ chuyển nhiều hơn nguồn tín dụng hỗ trợ cho các dự án khả thi trên Tây Nguyên. 

Ngoài tổng dư nợ tín dụng hiện tại trên Tây Nguyên là ở 222 nghìn tỷ đồng, tại hội nghị lần này, các ngân hàng tiếp tục ký cam kết cấp hạn mức tín dụng với 36 dự án, chủ yếu liên quan thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch… 

MỚI - NÓNG