Theo đó, có tới 10/11 nhóm hàng hoá chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%. Từ tháng 9, đồng loạt 53 tỉnh thành trên cả nước tăng học phí theo Nghị định của Chính phủ, khiến nhóm này đóng góp 0,42% vào mức tăng chung. Nhóm giao thông tăng cao thứ 2 với 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu khiến giá giao thông tăng lên.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh như hợp đồng xuất khẩu 150.000 tấn gạo cho Philippines; thời tiết mưa nhiều khiến giá rau xanh tăng, nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón, giày dép cho năm học mới khiến chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Thống kê giá-Tổng cục Thống kê, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng đầu năm là 3,14%, vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu của Chính phủ. Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hình thức kiềm chế lạm phát, nhất là các mặt hàng có sự quản lý của nhà nước.
Bà Ngọc lấy ví dụ trong tháng 8, Tổng cục Thống kê tư vấn cho Bộ Y tế chỉ điều hành giá dịch vụ y tế ở 16 tỉnh thành, các tỉnh khác điều chỉnh theo lộ trình để phù hợp với việc tăng học phí và nhiều mặt hàng tiêu dùng trong tháng 9.
“Các điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ ngành rất chủ động , quyết liệt trong kiềm chế lạm phát. Nhà nước định hướng điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình, dần tiệm cận giá thị trường”, bà Ngọc cho biết.