Những 'anh nuôi' trên tàu ra Trường Sa

Những 'anh nuôi' trên tàu ra Trường Sa
TP - Không phải ai cũng dám nhận trọng trách phục vụ cả đoàn tàu chở hàng trăm người ra thăm Trường Sa trong dịp biển động cuối năm. Họ là những đầu bếp “chiến trường” được mọi người quý mến gọi là “anh nuôi”.

> Những 'anh nuôi' của đoàn tàu HQ-571

 Các chiến sĩ trong đội phục vụ đoàn tàu HQ-571 đi Trường Sa. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Các chiến sĩ trong đội phục vụ đoàn tàu HQ-571 đi Trường Sa. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Chiều 21/12, ba chiếc tàu chở hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thân nhân và phóng viên báo đài lần lượt rời cảng Cam Ranh xuất phát theo ba hướng Bắc - Trung - Nam ra thăm huyện đảo Trường Sa.

Giây phút chia tay bịn rịn, lưu luyến dần qua đi theo các đoàn tàu rẽ sóng vượt biển Đông. Chuyến đi này của đoàn gặp không ít khó khăn khi biển động dữ dội, sóng vỗ ào ạt. Từng đợt sóng trùng trùng điệp điệp nối đuôi nhau, cao như núi ập vào khiến tàu HQ-571 chở chúng tôi lắc lư không ngớt. Nhiều người nôn ọe. Không chỉ cánh phóng viên chúng tôi mà cả những chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ, lần đầu ra đảo cũng say sóng ngất ngưởng.

Trong lúc mọi người đang vạ vật vì say sóng, chợt tiếng loa của chỉ huy tàu thông báo đã đến giờ ăn tối, mời mọi người di chuyển đến khu nhà bếp dùng bữa. Do điều kiện không gian trên tàu có hạn nên chỉ các cán bộ và phóng viên được ngồi ăn ở khu nhà bếp, còn các chiến sĩ trẻ phải cử người đi lấy thức ăn về phòng.

Công tác phục vụ ăn uống trên tàu đòi hỏi trước hết ở tinh thần, trách nhiệm cao. Có 10 chiến sĩ trực tiếp chế biến thức ăn, nấu nướng hằng ngày.

Tại khu nhà ăn, thức ăn và cơm được bày sẵn trên các khay nhôm. Cứ mỗi lần có khách vào là các “anh nuôi” lại khéo léo bê ra. Tuy nhiên, thật phí công các đầu bếp vất vả cả buổi chiều khi chỉ có khoảng 1/3 số người trên tàu đến ăn, hầu hết mọi người đều say sóng, không nuốt nổi cơm. Có hành khách cố bước được tới nhà ăn, nhưng vừa ngồi được một lúc, nhìn cảnh sóng ập bên ngoài qua cửa kính, dòng người ra vào, lại bị chóng mặt, buồn nôn, đành phải quay về giường nằm.

Sóng biển tiếp tục ập vào khiến con tàu lắc lư. Có lúc, cả khay cơm và thức ăn ở trên bàn đổ ào xuống đất vì tàu bất ngờ bị nghiêng. Về sau, mọi người có kinh nghiệm hơn, vừa ăn vừa giữ chặt khay nên không bị đổ.

Thiếu tá Phạm Hồng Sơn, Đội trưởng đội phục vụ tàu HQ-571 cho biết: “Công tác phục vụ ăn uống trên tàu đòi hỏi trước hết ở tinh thần, trách nhiệm cao. Có 10 chiến sĩ trực tiếp chế biến thức ăn, nấu nướng hằng ngày. Sóng to gió lớn, không gian chật chội, lại chỉ có 1 bếp điện lớn để chế biến các món ăn. Có khi đang nấu, sóng to quá khiến xoong nồi chao đảo, cơm không thể chín. Hoặc cơm canh nấu xong rồi, đến khi bưng ra cho khách ăn không may bị đổ, phải nấu lại”.

Mười chiến sĩ trực tiếp nấu ăn cũng không phải là lính hậu cần. Họ công tác ở các lĩnh vực, đơn vị khác nhau, điều cốt yếu là họ biết nấu ăn, sức khoẻ tốt và nhất là không say sóng. Anh Sơn đang là Đại đội trưởng Đại đội Vận tải, phòng Hậu cần, Lữ đoàn 146 đã hơn 20 năm. Năm 2013, anh Sơn đã phục vụ 7 đoàn tàu chở cán bộ ra thăm Trường Sa, cũng như đưa các chiến sĩ ra đảo nhận nhiệm vụ.

Đơn vị ở trong đất liền, làm ngành máy tàu nhưng được điều động đi phục vụ đoàn, thiếu úy Hoàng Như Thảo (SN 1972, quê ở Đô Lương, Nghệ An) xác định: Đây là chuyến đi ra Trường Sa dài ngày đầu tiên. Có thể 20 ngày hoặc hơn, phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn hằng ngày trong điều kiện biển động nhưng tất cả anh em đều tuân thủ nghiêm ngặt. Ngày đầu tiên, nhiều chiến sĩ trẻ trong đội phục vụ cũng bị say sóng, chủ yếu một mình anh Thảo nấu nướng.

Theo anh Thảo, dù không chuyên nghiệp nhưng các đồng đội đã chỉ bảo nhau, học cách chế biến thức ăn, nhất là việc di chuyển đưa thức ăn, không may vấp ngã, chao đảo có thể khiến công sức của anh em đổ bể. Sau hai ngày say sóng, mọi người trên tàu hầu hết đều đã ăn được cơm khiến các chiến sĩ trong đội phục vụ phấn khởi hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.