Nga sẽ đưa quân tham chiến Afghanistan lần hai?

Nga sẽ đưa quân tham chiến Afghanistan lần hai?
TPO-Một số chuyên gia cho rằng Nga phải sẵn sàng cho một chiến dịch Afghanistan lần thứ 2. Nếu chiếm được chính quyền ở Afghanistan, Taliban có thể tràn sang không gian hậu Xô Viết.

> Ông Obama và câu hỏi lớn Syria

> Nga tuyên bố có lợi ích quốc gia ở Syria 

TPO-Một số chuyên gia cho rằng Nga phải sẵn sàng cho một chiến dịch Afghanistan lần thứ 2. Nếu chiếm được chính quyền ở Afghanistan, Taliban có thể tràn sang không gian hậu Xô Viết.

Theo tuyên bố của Hoa Kỳ, quân đội Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm 2014. NATO đã mất 13 năm trường chỉ để nhận thức được một điều: Tại đây họ là những người xa lạ. Dường như không thể chinh phục và lôi kéo đất nước này vào quỹ đạo của mình. Một dân tộc tự tôn và yêu chuộng tự do không muốn tiếp nhận những giá trị xa lạ. Vậy điều gì sẽ xảy ra với Afghanistan sau năm 2014?

Nga sẽ đưa quân tham chiến Afghanistan lần hai? ảnh 1
 

Không ai có thể chinh phục

Chưa có ai chinh phục được Afghanistan. Người dân nước này vào thế kỷ XIX đã không cam chịu sự đô hộ của thực dân Anh. Liên Xô trên thực tế đã chiến đấu 10 năm tại đây, sau đó đã buộc phải rời bỏ đất nước này. Chính phủ thân Mỹ của ông Hamid Karzai cũng không có được sự ủng hộ rộng rãi. Bất chấp khoản viện trợ nhiều triệu đô la của phương Tây, nước này vẫn không thoát được đói nghèo và trấn áp được sự chống đối vũ trang của Taliban.

Người Mỹ giờ đây cũng đã hiểu, việc tiếp tục chiến dịch quân sự chỉ là điều vô nghĩa và quyết định rút hết quân đội của mình khỏi đất nước này vào năm 2014. Nếu đánh giá một cách công bằng thì Taliban hiện nay đang kiểm soát gần 70% lãnh thổ Afghanistan là người chiến thắng trong cuộc chiến tranh với quân đội NATO và Mỹ.

Nhưng hiện nay vấn đề duy nhất làm cho tất cả các nhà nghiên cứu và chuyên gia lo lắng, đó là điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? 

Về đại cục có thể nói chiến dịch tại Afghanistan của quân đội Mỹ đã thất bại. Cần nhớ trước nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, chính sách đối ngoại của ông Obama được xây dựng dựa trên việc phê phán những hành động của tổng thống George Bush con tại Iraq. Ông khẳng định việc chuyển chiến trường chính từ Afghanistan sang Iraq là một sai lầm lớn, bởi vì đã dẫn tới phung phí một cách vô nghĩa các nguồn lực của Mỹ và sự tan rã của liên minh. Hơn nữa, các phần tử Taliban ban đầu bị choáng váng trước sức tiến công của liên minh quốc tế đã hồi tỉnh rất nhanh chóng.

Trở thành tổng thống, ông Obama tập trung toàn lực vào Afghanistan. Trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới ông cần phải chứng minh đã đạt được những kết quả đáng kể ở nước này. Nhưng thành công chủ yếu có thể nêu ra chỉ là chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden. Vụ giết chết trùm khủng bố quốc tế không thể thay đổi một cách căn bản tình hình tại Afghanistan. Chính vì thế tuyên bố rút quân trước cuối năm 2014, về thực chất đã trở thành khẩu hiệu trước bầu cử nhiệm kỳ 2 của ông Obama.

Ông Obma đặt nhiều hy vọng vào Afghanistan, vì vậy không thể để xảy ra thất bại nặng nề tại đó. Nhưng tổng thống Mỹ không thể giũ bỏ thực tế ở Afghanistan. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã so sánh Afghanistan với Việt Nam.

Ông Obama cần phải để lại ở Afghanistan một bộ phận lực lượng nhất định, ít ra là đủ khả năng kiểm soát tình hình và tạo cho người Afghanistan khoảng thời gian cần thiết để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình. Hiện nay Mỹ đang cố gắng xúc tiến điều này. Ông Obama bắt buộc phải lựa chọn chiến lược như thế, nếu không thì tên ông sẽ mãi mãi gắn liền với một thảm họa toàn cầu về chính sách đối ngoại, giống như người ta gắn tên Bush con với cuộc chiến tranh ở Iraq, và Lyndon Johnson với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lò lửa mới chờ Afghanistan

Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu có chung một nhận định, sau khi lực lượng chủ yếu của quân đội Mỹ rút đi, cuộc xung đột sẽ trở nên quyết liệt hơn. Hy vọng tình hình sẽ dần dần tự ổn định và cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch, nhờ một sự kỳ diệu nào đó, bầu ra được một chính phủ ôn hòa và có năng lực là rất mong manh. Ngay bây giờ nhiều người đã dự đoán sẽ diễn ra một giai đoạn mới trong cuộc xung đột Afghanistan, mặc dù thật khó xác định cường độ của nó lúc này.

An ninh tại Afghanistan sẽ chuyển sang đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội nước này. Nhưng khả năng chiến đấu của quân đội Afghanistan vô cùng kém cỏi, tinh thần cũng chẳng khá hơn. Cách đây không lâu tướng Zamir Azimi, đại diện Bộ quốc phòng Afghanistan đã chính thức tuyên bố rằng số nạn nhân trong quân đội đã “gia tăng một cách bi đát” sau khi những lực lượng chủ yếu rút đi. Ngoài ra, nạn tham nhũng cũng đang làm suy yếu nền tảng quân sự của chính quyền, trước đây đã từng đối đầu hiệu quả với Taliban trong vai trò Liên minh phương Bắc gồm các tộc người thiểu số (Uzbek, Tadjik…), buộc những phần tử Taliban và các nhóm cực đoan phải rút lên phía Bắc Afghanistan.

Giới chuyên gia chính trị, quân sự Nga đã đưa ra 4 kịch bản phát triển Afghanistan trong tương lai để xem xét: sự phối hợp quốc tế có hiệu quả, suy thoái, “cuộc chơi lớn mới” trở nên quyết liệt và sự xé nát của Trung Á. Cần lưu ý rằng chỉ có kịch bản đầu tiên dự báo tình hình sẽ được cải thiện chút ít nhờ thống nhất các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Các kịch bản còn lại đều dự báo tình hình sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ do những nguyên nhân khác nhau: Các mối đe dọa từ chính Afghanistan, những khó khăn của các quốc gia Trung Á, sự cạnh tranh giữa 3 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, giữa Pakistan và Ấn Độ.

Trong khi đó, Ấn Độ đã tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ nhà nước Hồi giáo sau khi NATO rút quân. Mới đây Tổng thống Pranab Mukherjee đã tuyên bố về điều này. Vị chính khách Ấn Độ cho rằng Afghanistan phải thuộc về người dân của nước này. Ông cũng nhận định Afghanistan có nhiều cơ hội trở thành trung tâm giao thương của khu vực, nhưng điều này đang gây nghi ngờ.

Nga chuẩn bị chiến tranh ở Afghanistan

Một số chuyên gia nghiên cứu cho rằng Nga phải sẵn sàng cho một chiến dịch Afghanistan lần thứ 2. Chiếm được chính quyền ở Afghanistan, Taliban có thể tràn sang không gian hậu Xô Viết. Liên bang Nga là lãnh tụ trong liên minh quân sự CSTO, có thể một lần nữa lại buộc phải tham chiến. Tình huống này đang gây ra sự lo ngại sâu sắc cho các nhà quân sự và chính khách Nga. Tương lai của Afghanistan và của cả các quốc gia có chung đường biên giới hiện nay đang được tích cực bàn thảo tại các cuộc gặp gỡ khác nhau giữa những người đại diện các nước cộng hòa Trung Á và Nga.

Ban lãnh đạo Nga không loại trừ những cuộc xung đột chính trị- quân sự trên hướng Afghanistan sau khi quân đội NATO triệt thoái. Ngay từ bây giờ đã có quyết định bắt đầu thành lập một cụm không quân mạnh ở gần các đường ranh giới của quốc gia luôn không yên bình này. Tướng Nikolai Bordyuzha- Tổng thư ký CSTO đã tuyên bố đây sẽ là một cụm liên quân. Theo ông, các máy bay cường kích Su-25 và tiêm kích Su-27 sẽ được bố trí tại căn cứ không quân Kant của Nga ở Kyrgyzstan để đối phó tình hình bất trắc.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu đưa ra kịch bản dự kiến như sau: Ngay khi quân đội Mỹ rút hết khỏi Afghanistan, áp lực của các nhóm Hồi giáo đối với ông Hamid Karzai sẽ tăng lên nhanh chóng. Để không bị Taliban treo cổ như một vị tổng thống xấu số trước đây, ông Karrzai vừa bị phương Tây bỏ rơi có thể sẽ đề nghị nước Nga giúp đỡ. Khi đó những chiếc máy bay chiến đấu của ông Bordyuzha sẽ trở nên đắc dụng. Nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc nước Nga lại một lần nữa can dự vào cuộc chiến Afghanistan.

Cần phải thấy rằng, những sự kiện gần đây chứng tỏ trào lưu cấp tiến tại các nước cộng hòa Trung Á đang mạnh lên. Các phe nhóm Hồi giáo tại Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan đang mọc lên như nấm sau mưa. Một số phe nhóm đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột, cụ thể là ở Syria và Afghanistan. Ngay cả ở Kazakhstan, nơi được coi là phi tôn giáo, trong 2 năm gần đây cũng đã xảy ra hơn chục vụ khủng bố.

Ông Alexander Khramchikhin-Trưởng phòng phân tích, Viện nghiên cứu phân tích chính trị và quân sự không loại trừ khả năng sau khi các lực lượng NATO rút đi, nước Nga sẽ buộc phải chiến đấu thay cho họ tại Afghanistan. Và không những tại nước này mà còn phải đương đầu cả với Taliban và các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Trung Á. Theo lời ông Khramchikhin, có thể chính điều này mới là mục tiêu chủ yếu của chính sách mà Mỹ thực thi tại Afghanistan: Lôi kéo nước Nga vào một cuộc chiến tranh dai dẳng, hao người tốn của và tạo ra sự hỗn loạn khiến Nga suy yếu.

Đỗ Ngọc Inh
Theo Pravda.ru, Nga

Theo Dịch
MỚI - NÓNG