Lên án bom chùm, Mỹ vẫn bán cho Ảrập Xêút

Lên án bom chùm, Mỹ vẫn bán cho Ảrập Xêút
TP - Bom chùm bị cấm bởi 83 quốc gia, nhưng điều đó không ngăn cản được quân đội Mỹ đang bán số bom chùm trị giá 640 triệu USD cho Ảrập Xêút, dù mối quan hệ giữa hai nước không hoàn toàn tốt đẹp, tạp chí Mỹ Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) đăng bài hôm 24/8.

> Mỹ bán hàng trăm quả bom chùm cho Hàn Quốc
> Gaddafi bị cáo buộc sử dụng bom chùm

Máy bay Fighting Falcon của Mỹ thả bom chùm. Ảnh nhỏ: Cậu bé Mohamed Samer Elhaz Mouss 12 tuổi (năm 2006) bị thương bởi bom chùm Israel thả xuống Li-băng. Ảnh: US Air Force - Getty Images
Máy bay Fighting Falcon của Mỹ thả bom chùm. Ảnh nhỏ: Cậu bé Mohamed Samer Elhaz Mouss 12 tuổi (năm 2006) bị thương bởi bom chùm Israel thả xuống Li-băng. Ảnh: US Air Force - Getty Images.

Bom chùm khi nổ bắn ra hàng chục, thậm chí hàng trăm mảnh để gây sát thương trên một diện tích rộng. Loại vũ khí này thường được dùng để tiêu diệt một nhóm người, phá hủy các phương tiện vỏ mỏng, kích hoạt mìn hoặc khí độc.

Một số loại bom chùm do Liên Xô sản xuất được thiết kế để thiêu hủy các tòa nhà rồi phát nổ sau một lúc nằm trên mặt đất, do đó có thể giết hại bất kỳ ai đến gần để dập lửa.

Việc Mỹ đang bán cho quốc gia Trung Đông 1.300 quả bom chùm (trong khi vẫn chỉ trích bất kỳ ai sử dụng loại vũ khí gây sát thương không phân biệt đối tượng này) vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Liên minh Chống bom chùm - một tổ chức quốc tế đấu tranh để chấm dứt sử dụng bom chùm.

“Thông báo giao dịch này xuất hiện vào thời gian Ảrập Xêút và Mỹ cùng với cộng đồng quốc tế lên án hành động dùng bom chùm ở Syria”, bà Sarah Blakemore, Giám đốc Liên minh Chống bom chùm, nói về thương vụ giữa Mỹ và Ảrập Xêút.

Giao dịch béo bở

Đến nay, 112 nước đã ký công ước quốc tế cấm bom chùm, và 83 quốc gia đã thông qua. Trong số những nước chưa tham gia có Trung Quốc, Nga, Syria và Mỹ - quốc gia đang bán hàng nghìn quả bom chùm (do tập đoàn công nghiệp Textron sản xuất) cho Ảrập Xêút trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Lên án bom chùm, Mỹ vẫn bán cho Ảrập Xêút ảnh 2

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, họ “chia sẻ mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về những tác động nhân đạo của mọi loại đạn dược, trong đó có bom chùm”, nhưng quốc gia này chưa ký công ước.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “việc loại bỏ kho bom chùm của Mỹ sẽ đẩy cuộc sống của binh lính và các đối tác đồng minh vào nguy hiểm”. Đó là bởi vì “bom chùm gây ra tổn thất phụ ít hơn so với các loại vũ khí đơn nhất, như các loại bom hay pháo lớn hơn”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Bom chùm bị lên án vì loại vũ khí này không chỉ giúp tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường, mà còn có thể giết chết rất nhiều dân thường. Những quả bom nhỏ bắn ra từ bom chùm có thể không phát nổ ngay mà tồn tại trên mặt đất cho đến khi ai đó, thường là trẻ em, động vào rồi mới nổ tung.

Trên thực tế, Mỹ vẫn áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí chùm có thể để lại hơn 1% số bom nhỏ không nổ trên mặt đất có khả năng gây sát thương nhiều năm sau khi chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, loại bom CBU-105D/B mà Mỹ bán cho Ảrập Xêút không nằm trong danh mục cấm vì loại bom này để lại chưa đến 1% không phát nổ ngay.

“Mỹ nên công nhận hiệp ước cấm xuất khẩu bom chùm và đánh giá lại các tiêu chí xuất khẩu để bom chùm không được chuyển nhượng nữa”, bà Blakemore nói. Tuy nhiên, không nên trông chờ điều đó sẽ sớm xảy ra.

Bán bom chùm chỉ là một trong nhiều thỏa thuận bán vũ khí của Mỹ với Ảrập Xêút, bao gồm hàng chục máy bay chiến đấu F-15SA Strike Eagle, trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng H-60 Blackhawk, trực thăng AH-6 Little Bird, cùng nhiều radar, tên lửa chống hạm, bom dẫn đường, tên lửa chống radar, tên lửa đất đối không, thậm chí cả hệ thống phòng thủ mạng cho các máy bay Strike Eagle mới toanh.

Những hợp đồng này mang lại hàng chục tỷ đô-la cho các nhà thầu quân sự Mỹ. Và ngay cả khi chính phủ Ảrập Xêút và Mỹ gần đây bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có việc trợ giúp tài chính cho chính quyền quân sự Ai Cập, các hợp đồng cỡ bự này vẫn diễn ra suôn sẻ. Nếu Ảrập Xêút muốn bom chùm, Mỹ sẽ cung cấp, bất chấp thế giới nghĩ gì, bài báo của Foreign Policy kết luận.

TRÚC QUỲNH
Theo Foreign Policy

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG