Lá thư tình nhờ người viết hộ

Lá thư tình nhờ người viết hộ
TP - Xa cách, có lúc bặt tin mấy năm trời, nhưng cô giáo Bùi Mỹ Lệ (Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) và Thiếu tá nhà giàn DK1/15 Hoàng Minh Khoa vẫn viết lên câu chuyện tình lãng mạn.

> Chuyện tình mai mối của thượng tá 'phòng không'
> Xa nhau để ngày mai hạnh phúc

Chị Lệ mở tập thư cũ cùng những tấm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang của chồng rồi đưa cho chúng tôi một lá thư. Chị nói: “Đây là lá thư anh Khoa gửi về từ nhà giàn năm 1995, nhưng không phải chữ của anh ấy”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị giải thích: “Giọng văn thì của anh Khoa còn chữ thì của người khác”.

Câu chuyện “Lá thư viết hộ” được chị Lệ kể lại. Năm 1995, anh Khoa cùng đồng đội đón Tết ở nhà giàn DK1/2 (Tư Chính 4). Những ngày gần Tết, bão lớn, tàu của Lữ đoàn 171 mang quà ra không thể cập vào nhà giàn được. Sóng mỗi lúc một dữ dội, tàu HQ 636 phải nhổ neo quay sang nhà giàn 1B tránh bão.

 “Anh Khoa lãng mạn lắm. Ngày 8/3 năm nào, anh cũng tặng quà, có khi là cái kẹp tóc, có khi chỉ là cái khăn nhỏ, hoặc cái cặp dạy học. Giản đơn thế thôi, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm”.  

Cô giáo Bùi Mỹ Lệ

Không nhận được quà Tết, không nhận được thư vợ gửi từ đất liền, nỗi nhớ của chàng lính trẻ Hoàng Minh Khoa càng dâng lên. Để gửi gắm tâm tư của mình, Khoa gọi điện sang nhà giàn 1B nhờ đồng đội viết thư hộ. Qua máy thông tin I-com sóng cực ngắn, từ đầu dây bên nhà giàn Tư Chính 4, Khoa đọc đến đâu, đồng đội ở nhà giàn 1B ghi đến đó.

Thư viết: “Em thân yêu, lá thư này anh phải nhờ chú Huấn viết hộ, vì sóng to, gió lớn, tàu không vào nhà giàn được. Ngày 8/3 năm nay, anh chẳng có gì ngoài tình yêu thủy chung của lính nhà giàn. Anh gửi em nhiều nụ hôn cùng sóng biển khơi”.

Là thư đến tay chị tròn 40 ngày. Chị Lệ bảo: “Anh Khoa lãng mạn lắm. Ngày 8/3 năm nào, anh cũng tặng quà, có khi là cái kẹp tóc, có khi chỉ là cái khăn nhỏ, hoặc cái cặp dạy học. Giản đơn thế thôi, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm”.

Tiếng sét ái tình

Cuối năm 1989, cô giáo trẻ Mỹ Lệ về quê ăn Tết với gia đình, tình cờ gặp Thiếu tá Hoàng Minh Khoa (lúc ấy anh Khoa đang công tác ở Tỉnh Đội Thanh Hóa). Hai người gặp tiếng sét ái tình ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ.

Một tuần ngắn ngủi gặp gỡ và yêu thương nhanh chóng trôi qua, Mỹ Lệ trở lại Phan Rang dạy học. Tình yêu của họ chủ yếu được gửi gắm qua những cánh thư. Thời gian trôi đi, Khoa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn Lệ là cô giáo dạy giỏi nơi miền đất nắng gió.

Đùng một cái, Khoa nhận lệnh chuyển đơn vị đi nhà giàn canh biển. Không một lời giã biệt, không một lá thư, tình yêu của họ “đứt quãng” từ ấy. “Sau này anh ấy mới giải thích, anh công tác ở đảo xa, không biết bao giờ trở lại đất liền, sợ rồi sẽ làm tôi khổ nên anh mới lặng lẽ như thế. Nhưng trái tim tôi đã trao cho anh rồi, tôi chẳng thể mở lòng với ai khác nữa”, chị Lệ nói.

Sau hơn 5 năm lăn lộn với sóng gió, hè 1995, anh Khoa được về đất liền. Anh vượt hơn 400 cây số lên Phan Rang tìm Lệ. Hai người gặp lại nhau trong nỗi mừng tủi sau 5 năm bặt tin. “Lúc đó, trông anh già và đen hơn. Thương anh, tôi đồng ý nối lại tình cảm mà không một lời trách móc, hờn dỗi”, chị Lệ tâm sự.

Hè năm 1996, hai người tổ chức đám cưới. Sau ngày cưới, Lệ theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống, tạm gác lại nghề “gõ đầu trẻ”. Căn phòng tập thể 14 mét vuông chỉ đủ kê cái giường ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 là tổ ấm của họ.

Anh Khoa đi nhà giàn, còn chị Lệ ở nhà làm đủ việc kiếm sống. Chị Lệ chia sẻ: “Ngày mới cưới khó khăn lắm. Một mình, nhiều khi khó khăn chẳng biết sẻ chia cùng ai”. Nhưng với tình yêu của anh Khoa, chị Lệ vượt qua tất cả. Hạnh phúc nở hoa khi chị lần lượt sinh cho anh hai đứa con. Chị cũng đã trở lại nghề dạy học.

Hiện anh Khoa là Chính trị viên tại nhà giàn DK1/15, còn chị Lệ là giáo viên tiểu học trường Nguyễn Thị Minh Khai phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG