> Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?
> Nga ưu tiên phát triển lực lượng hạt nhân chiếc lược
Hiện nay, Mỹ đang xây dựng hàng loạt căn cứ hải quân, không quân ở 2 chuỗi đảo chiến lược, nắm giữ toàn bộ các vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và không chế tất cả các cụm đảo, vùng biển, eo biển và các luồng đường huyết mạch, biến chúng trở thành những đầu cầu chiến lược để Mỹ xây mộng bá chủ châu Á - Thái Bình Dương.
“Chuỗi đảo” là một bộ phận trong lý luận chiến lược địa lý hình thành trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Khái niệm “chuỗi đảo” được cựu ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đưa ra lần đầu tiên vào năm 1951. Đầu tiên, nó được Mỹ sử dụng trong chiến lược đối phó với Liên Xô, đặc biệt là ngăn chặn tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương của họ.
Chuỗi đảo thứ nhất được chia làm 3 bộ phận nối liền nhau, bắt đầu từ phía bắc với quần đảo Aleutian, quần đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, mắt xích ở giữa chính là đảo Đài Loan, nối tiếp xuống phía nam là quần đảo Philippines, quần đảo Indonesia.
Còn chuỗi đảo thứ 2 chạy từ bắc đến nam, bắt đầu ở phía bắc bởi đảo Honshu của Nhật Bản, quần đảo Ogasawara, quần đảo Iwo Jima, quần đảo Mariana và cuói cùng là quần đảo Palau. Trong chuỗi đảo này có một mắt xích rất quan trọng, đó chính là đảo Guam - một căn cứ quân sự rất quan trọng của Mỹ.
Phía sau 2 chuỗi đảo này còn có cụm căn cứ quân sự rất lớn đóng tại đảo Hawaii - 1 trong 2 tiểu bang nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (cùng với Alaska). Đây là trung tâm đầu não của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và cũng đại bản doanh của lực lượng dự bị chiến lược Mỹ. Căn cứ hải quân nổi tiếng Trân Châu Cảng là căn cứ hải quân lớn nhất, có vị trí địa lý quan trọng nhất và cũng là nơi đặt trụ sở của hạm đội Thái Bình Dương.
Căn cứ Smith trên đảo Hawaii chính là nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ chỉ huy lực lượng hải quân đánh bộ. Bộ chỉ huy lục quân Thái Bình Dương đóng tại Fort Shafter, còn Bộ chỉ huy không quân Thái Bình Dương đóng ở căn cứ không quân Hickam. Ngoài ra, đảo Midway và đảo Johnston cũng có các sân bay và căn cứ hải quân quan trọng.
Bản đồ thể hiện chuỗi đảo thứ nhất và thứ 2 của Mỹ. |
Hiện nay, tổng số quân Mỹ đóng tại châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 150.000 quân, trong đó lục quân là 50.000, bao gồm 1 tập đoàn quân và 2 sư đoàn; không quân có khoảng 39.000 người, biên chế thành 4 liên đội (25 chi đội) với 370 máy bay các loại; hải quân và hải quân đánh bộ có 60.000 quân, được biên chế 1 tàu sân bay hạt nhân, 19 chiến hạm và 390 máy bay.
Khi bàn đến vấn đề vì sao phải xuyên phá qua chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ 2, chuyên gia Lương Phượng nói, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ yêu cầu phát triển của Trung Quốc. Hiện nay mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc 90% là thông qua con đường vận tải biển. Tuyến đường phía Nam chủ yếu là nhập khẩu quặng sắt từ Australia và các tuyến đường phía tây chủ yếu nhập khẩu dầu chất lượng cao từ Trung Đông.
Để đảm bảo thông suốt 2 tuyến đường đó, Trung Quốc phải đột phá qua chuỗi đảo thứ nhất, khai thông tuyến đường qua eo biển Malacca và Ấn Độ Dương. Đây chính là một yêu cầu tối quan trọng đặt ra cho quân đội Trung Quốc, bảo đảm cho đất nước duy trì đà phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Hải quân Mỹ đang lắp đặt tên lửa hành trình Tomahawk trên tàu ngầm. |
Nguyên nhân thứ 2 mà ông Lương Phương đề cập đến là xuất phát từ yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và chiều sâu phòng ngự trên biển. Cải cách, mở cửa đã hình thành chuỗi trung tâm kinh tế duyên hải rất mạnh của Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến, Chiết Giang, Thượng Hải…, chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, xét về góc độ quân sự thì các khu trung tâm kinh tế ven biển rất yếu ớt trước sự tấn công của các đối thủ. Ví dụ như vũ khí dẫn đường tấn công chính xác tầm xa của quân đội Mỹ có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có phạm vi tấn công bao trùm 60% diện tích địa cầu, hoặc tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm lớp Virginia có tầm bắn xa tới 2500km. Đây chính là mũi kiếm sắc bén của Mỹ ẩn nấp sau 2 chuỗi đảo, rình rập tấn công Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là người Mỹ chẳng cần tiến vào phạm vi của chuỗi đảo thứ nhất mà chỉ cần đứng ngoài ranh giới của chuỗi đảo này, từ hải phận quốc tế trực tiếp tấn công khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc, thậm chí là tận sâu trong Đại Lục. Điều này có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong DF-21D - sát thủ tàu sân bay của Trung Quốc. |
Ông Lương Phương cho biết, hiện nay Trung Quốc mới chỉ mon men trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, điều này là không đủ đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia. Hải quân Trung Quốc cần xuyên phá quá chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra biển xa và rất xa để bảo vệ lợi ích quốc gia, đây cũng chính là đã đẩy các mối đe dọa ra xa lãnh thổ Trung Quốc.
Chính vì vậy, mở rộng chiều sâu phòng ngự trên biển, phát triển các phương tiện tác chiến cỡ lớn và các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa là vô cùng quan trọng để chống lại sự uy hiếp từ các chuỗi đảo của đối phương. Thời gian qua, việc Trung Quốc phát triển tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay… chính là nhằm mở rộng chiều sâu phòng ngự trên biển, đẩy các mối đe dọa ra xa lãnh thổ.
Theo Nguyễn Ngọc
anninhthudo.vn