'Bẻ gãy' tập kích đường không ở Biển Đông
> 'Mãnh hổ' Kilo ra uy ở Biển Đông thế nào?
> 'Lá chắn thép' nào trấn giữ Biển Đông? (kỳ II)
Ngày 11/3 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tình hình Biển Đông, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cần xem xét thành lập các doanh nghiệp trong lĩnh vực Biển – Đảo để cùng với ngư dân vươn xa bảo vệ biển, làm chỗ dựa cho ngư dân. Cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Tăng cường cơ sở vật chất cho quốc phòng-an ninh, nâng cao tiềm lực quân sự của đất nước bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, gắn với dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tàu hộ vệ tên lửa Anh Type 23 -frigate HMS Iron Duke phóng tên lửa chống tàu Harpoon. |
Trong thập niên vừa qua, quốc phòng – an ninh và chủ quyền biển đảo là luôn là chủ đề nóng bỏng của nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Hải quân đã có những phát triển vượt bậc cả về mặt số lượng và chất lượng, sự kiện tàu ngầm dự án 636M mang tên Hà Nội đã hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước và đến cuối năm nay sẽ biên chế vào lực lượng vũ trang QĐNDVN đang là tiêu điểm của năm nay.
Vấn đề xung đột vũ trang trên biển không phải là mới, mà đang hiện hữu trong cuộc chạy đua vũ trang diễn ra mạnh mẽ trên vùng nước biển Đông, sẽ khó dự đoán trước được khả năng xảy ra xung đột vũ trang của các hạm đội các nước trên vùng nước dày đặc các chiến hạm này.
Xung đột vũ trang trên biển trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn mang tính bất ngờ, nhanh chóng và có cường độ rất cao. Mục đích của cuộc chiến tranh cơ bản là chiếm quyền thống trị biển, thực hiện tham vọng có toàn quyền đặt yêu cầu đối với các quốc gia liên quan đến những vùng nước đang tranh chấp chủ quyền cho một điều kiện có lợi. Để đạt được điều này, đối phương sẽ sử dụng một lực lượng quân sự rất lớn, tiến hành một cuộc tấn công tổng lực trên mọi môi trường tác chiến với mục đích nhanh chóng tiêu diệt, phá hủy mọi phương tiện chiến đấu của lực lượng hải quân đối phương trên biển trong một thời gian rất ngắn – phương Tây định nghĩa mô hình này là “compress time war”.
Cuộc chiến tranh hiện đại trên biển sẽ mang tính tổng hợp của nhiều kế hoạch tác chiến biến đổi nhanh, diễn ra trong cả 3 môi trường tác chiến chủ yếu là: trên không phận biển, trên mặt nước và dưới mặt nước, với sự tham gia đặc biệt quan trọng của các khí tài trinh sát và điều hành tác chiến từ vũ trụ và nằm dưới sự chỉ huy thống nhất của một sở chỉ huy chiến dịch cấp nhà nước – dù xung đột xảy ra nhanh chóng và có thể bắt đầu từ va chạm hành chính – tàu tuần tra cảnh sát biển với tầu kiểm soát hành chính đối phương. Các lực lượng tham chiến của đối phương sẽ đồng loạt tiến hành các đòn tấn công tổng hợp từ trên không bằng các máy bay tiêm kích mang tên lửa, các chiến hạm nổi đa nhiệm và các tàu ngầm mang ngư lôi – tên lửa. Đòn tấn công có thể diễn ra từ 1 đến 2 đợt công kích, nhằm vào tất cả các mục tiêu chiến thuật của đối phương (các chiến hạm nổi, các tàu ngầm) với mật độ hỏa lực rất cao, một mục tiêu bất kỳ có thể được công kích bởi nhiều phương tiện và nhiều loại vũ khí khác nhau.
Chiến hạm tuần dương tên lửa USS Gettysburg (CG 64) bắn tên lửa chống hạm Harpoon, phía trước là các hầm phóng tên lửa Tomahawk. |
Với sự phát triển mạnh mẽ của các trang thiết bị, khí tài trinh sát điện tử và các phương tiện tấn công, chiến trường trở lên trong suốt, mọi phương tiện tác chiến đều được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, bao gồm cả tàu ngầm và các sân bay chiến thuật, đòn tấn công ồ ạt chủ yếu sẽ là tên lửa hành trình chống hạm và có thể tăng cường thêm tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung mang đầu đạn thông thường. Các loại vũ khí này sẽ tạo thành một hệ thống hỏa lực công kích nhiều hướng, nhiều độ cao khác nhau, từ trên độ cao hàng nghìn m đến độ cao công kích sát mặt nước biển ( từ 5 – 10 m). Với các tên lửa hiện đại như của Phương Tây như Exocet, Harpoon , Tomahawk, AGM – 88 SLAM đều có tầm bắn từ 120 km hoặc lớn hơn (tên lửa Harpoon 3 phiên bản trên không, trên biển và dưới biển AGM-84, RGM-84, UGM-84 đều có tầm bắn từ 140 đến 220 km, trên máy bay được lắp 2 tên lửa, trên các chiến hạm lớp hộ vệ tên lửa lắp 2 bệ 4 ống phóng đạn, tổng số là 8 tên lửa sẵn sàng chiến đấu), đối phương hoàn toàn có khả năng công kích với số lượng lớn vào những mục tiêu, dù là đang cơ động hoặc neo đậu với độ chính xác cao.
Máy bay Hải quân Hoàng gia Anh Tornado mang 2 tên lửa chống tàu SeaEagle có tầm bắn 112 km. |
Để tiến hành một đòn công kích mang tính tổng lực như vậy, đối phương sẽ thành lập cụm không quân hải quân công kích chủ lực CVBG bao gồm 1 kỳ hạm (tàu sân bay, tuần dương hoặc khu trục hạm tên lửa lớp hiện đại; 4- 6 khu trục hạm khác nhau, các tàu hộ vệ tên lửa 8 – 10 frigates; từ 1 – 2 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình và khoảng 20 – 30 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có quá nửa số máy bay đều có thể mang được 2 tên lửa chống tàu Exocet, AGM - 84 Harpoon, AGM – 88 SLAM, Sea Eagle hoặc 1 tên lửa lớp BGM – 109 Tomahawk.
Như vậy nếu tính bình quân mỗi khu trục hạm tương đương Arleigh Burke có thể phóng loạt đạn đầu tiên, số lượng tên lửa chống hạm sẽ nằm trong khoảng từ 16 – 48 tên lửa liên tiếp từ 8 ống phóng tên lửa hành trình chống tàu, các tàu hộ vệ tên lửa có thể phóng loạt liên tiếp với số lượng 32 – 64 tên lửa, mỗi tàu ngầm nguyên tử có thể phòng từ 2 tên lửa hành trình và mỗi máy bay tiêm kích tên lửa loại F-14 Tomcat có thể phóng 1 tên lửa. Số lượng đầu đạn công kích các mục tiêu trên biển của một cụm tàu CVBG lên đến từ 88 đến 150 đầu đạn các loại) với tầm bắn từ 80 km đến 300 km, tốc độ từ 0,6M – 1,2 M, nếu lấy tầm phóng tên lửa Otomat (Mk1,Mk2,Mk3) hoặc Harpoon (NATO) làm tiêu chuẩn (120 km tên lửa bay thấp) thì, hầu như tất cả các tên lửa được trang bị trên các loại tàu và chiến hạm đều có thể có được tính năng chiến thuật này.
Tên lửa Exocet phóng từ tàu hộ vệ tên lửa của Pháp. |
Từ khái toán đã nêu, cho thấy, để phòng ngự trên biển chống lại một cụm CVGB công kích trên mặt biển, nếu chỉ tính riêng tên lửa hành trình là điều vô cùng khó khăn. Các chiến hạm như dự án 11661E, 1241.8 hoặc ngay cả tàu ngầm dự án 636M trong điều kiện theo dõi sát sao của đối phương và các phương tiện chống ngầm hiện đại, khả năng sống còn trong 1 cuộc xung đột vũ trang giới hạn trên biển rất ít, nếu tính 3 phương tiện tấn công quản lý 1 phương tiện phòng thủ.
Số lượng đầu đạn công kích mục tiêu sẽ là khoảng 3 – 6 tên lửa các loại hoặc lớn hơn, với hệ thống phòng không có trên một frigate (hệ thống tên lửa tầm gần Osa, hệ thống phòng không hỗn hợp Palma-SU CIWS, 2 Ụ súng AK 630) khả năng phòng ngự gặp rất nhiều khó khăn (do tên lửa có tốc độ đến M, khả năng công kích trong khoảng cách đến 10 km, và súng máy phòng không tầm ngắn hơn nhiều - 4km, tầm thấp nhất tiêu diệt mục tiêu của tên lửa là 2m so với mặt nước biển.
Tên lửa chống tàu siêu âm ASURA (ANF) của Hải quân Đức và Pháp, có vận tốc đến 2 M . |
Năng lực tác chiến và sự sống còn của hải đội, hạm đội phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng phòng không và tác chiến điện tử trên biển. Do thực tế các tên lửa hành trình tầm xa và tầm trung đều có khí tài chống nhiễu rất cao, nên khả năng bảo toàn lực lượng hoàn toàn phụ thuộc vào lực lượng phòng không trên biển của các hạm đội. Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Nga, lực lượng phòng không trên biển cũng tương tự như cơ cấu tổ chức và đội hình chiến đấu thực tế trên đất liền, phải được gắn kết chặt chẽ trong một tổng thể thống nhất các phương tiện và lực lượng phòng không, bao gồm lực lượng trinh sát và cảnh báo sớm, lực lượng phòng không tầm xa, lực lượng phòng không tầm gần và phòng không của thành phần chiến đấu (chiến hạm). Do mức độ trang thiết bị phòng không phụ thuộc nhiều vào lượng giãn nước, mục đích yêu cầu nhiệm vụ của từng chiến hạm và phương thức tiến hành tác chiến trên biển cũng như vùng nước mà chiến hạm tác chiến, các phương tiện phòng không phải tạo ra được một lưới lửa phòng không dày đặc, đặc biệt là phòng không tầm gần nhằm bảo vệ được những chiến hạm có năng lực phòng không nhỏ hơn (xuồng phóng tên lửa, phóng ngư lôi, pháo hạm).
Kinh nghiệm cuộc chiến tranh đường không những năm 1968 – 1972 trên chiến trường miền Bắc cho thấy, lưới lửa phòng không dày đặc nhiều tầng nhiều lớp (tên lửa S-75 Dvina khống chế trên tầng cao, các loại pháo cao xạ các cỡ nòng từ 100 mm đến 12,7 mm kết hợp với lực lượng không quân nhỏ MiG 17, MiG 21 đã đập tan mọi cuộc không kích của Không quân Mỹ, mặc dù mỗi lẫn triển khai chiến dịch không kích miền Bắc, từ những địa điểm mục tiêu cụ thể, như cầu Hàm Rồng, lượt không kích của máy bay Mỹ có thể lên đến nhiều chục lần, nhưng tổn thất máy bay thực sự rất lớn (hơn 100 máy bay chiến đấu bị bắn rơi trên vùng trời Hàm Rồng, có 4 chiếc bị hạ bởi không quân) chỉ mãi đến năm 1972 mới bị đánh trúng bằng bom laser.
Nguyên soái Liên Xô G.K. Giucov đã nói: “ Sẽ là thảm họa đối với đất nước nào không có khả năng bảo vệ được bầu trời của mình trong chiến tranh…..” và điều đó đã được minh chứng cụ thể bằng các cuộc không kích của Mỹ vào Cosovo, Iraq… Cũng theo các chuyên gia phòng không Nga, việc phòng không một hải đoàn là biến hải đoàn đó trở thành một lực lượng phòng không hải quân cơ động mạnh, mà nòng cốt là 1 - 2 khu trục hạm hoặc tàu hộ vệ phòng không tên lửa, được trang bị hệ thống phòng không mạnh tầm xa đến 180 km. Khả năng theo dõi nhiều mục tiêu và có tầm xa trinh sát của radar chủ động đến 300 km.
Chiến hạm phòng không trên thực tế sẽ là kỳ hạm của liên đoàn, kết nối trao đổi thông tin trực tiếp với hệ thống trinh sát, kiểm soát và cảnh báo sớm của khu vực phòng thủ cấp quốc gia và cấp vùng hải quân đồng thời điều hành tác chiến các hạm tầu trong hải đội. Các lực lượng phòng không tầm trung và tầm gần là các hạm tầu lớp hộ vệ tên lửa, các khinh hạm mang tên lửa phòng không và phòng không của các chiến hạm nằm trong đội hình đơn vị.
Hạm đội sẽ được phòng ngự theo mô hình chiếc ô và lá chắn “umbrella – shield”, trong đó ô được hiểu là lực lượng phòng không tầm xa, có nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt các tên lửa hành trình tầm xa, các cụm máy bay mang tên lửa đối hạm. Các lá chắn phòng không là những lớp phòng không của các nhóm hạm tàu như phòng không tầm trung – 40 km trở lại, phòng không tầm gần từ 15 km trở lại. và lực lượng phòng không chủ động của các hạm tàu. Toàn bộ các phương tiện phòng không nằm trong một hệ thống phòng ngự thống nhất, được chỉ huy đồng bộ bởi kỳ hạm phòng không, các chiến hạm gắn kết với nhau bởi hệ thống trao đổi thông tin dạng mạng Net.
Từ những phân tích trên cho thấy: Phòng ngự chống tấn công đường không của hạm đội là trận địa phòng ngự cơ động theo nhiệm vụ mà hạm đội được giao. Được gọi tắt là Phòng không hạm đội. để thực hiện chiến lược phòng ngự hạm đội. Cần tổ chức Cụm chiến hạm phòng không cơ động.
Phòng không Hạm đội là một thành phần nằm trong hệ thống phòng không quốc gia, gắn kết chặt chẽ với phòng không bờ biển và phòng không hải đảo, trong đó Cụm chiến hạm phòng không cơ động là lực lượng cơ động, trong các tình huống khác nhau sử dụng lực lượng theo các mục đích khác nhau: phòng ngự bờ biển, phòng ngự trên biển và phòng ngự đảo, quần đảo.
Cụm chiến hạm phòng không cơ động là đơn vị biên chế chiến thuật, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, điều kiện thời bình hay thời chiến để tổ chức biên chế. Hạt nhân của phòng không hạm đội là các tàu khu trục hoặc hộ vệ phòng không hạng nhẹ có lượng giãn nước đên 2000 tấn hoặc khu trục hạm hạng nhẹ được trang bị tên lửa các tầm phòng không (chú trọng tầm xa), hình thành 1 chiếc ô che chắn khu vực phòng không (umbrella phòng không) có bán kính từ 120 km đến 180 km.
Lực lượng phòng không quan trọng tiếp theo là lực lượng phòng không tầm trung, có thể được trang bị những hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, các tên lửa này hình thành các lá chắn tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái các độ cao, xuyên qua chiếc ô phòng không tầm xa. Lực lượng này được tổ chức, biên chế theo hướng có khả năng tấn công của đối phương nhiều nhất. Nếu trên biển sẽ là hướng xuất phát đòn tấn công của các CVBG, nếu phòng ngự hải đảo thì đó là hướng đối phương có khả năng tập kết đổ bộ, phía sau là hệ thống phòng không hải đảo. Phòng ngự bờ biển là hướng khu vực địch có thể tập kết lực lượng và là hướng tấn công chính của tên lửa hành trình.
Hệ thống phòng ngự tầm gần, đó là các hệ thống tên lửa có tầm bắn hiệu quả của tất cả các chiến hạm trong đội hình về hướng tấn công chính, có nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ khu vực phòng thủ, tiêu diệt tất cả các mục tiêu lọt qua hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung.
Hệ thống phòng ngự hạm tàu: Là một phần của hệ thống phòng ngự tầm gần, có thể bao gồm tên lửa và súng tự động phòng không tốc độ cao. Phòng thủ mang tính chất thụ động và không được cảnh báo trước.
Trong mọi trường hợp khác nhau, hệ thống phòng ngự tầm xa và tầm trung được duy trì theo đội hình tác chiến quy định, trong phòng ngự tầm gần và cận tàu, để tránh tối đa khả năng trúng đạn, các tàu được phép cơ động trong bán kích tác chiến đến 2 km nhằm mục đích thoát hiểm trong trường hợp tên lửa chống tàu đối phương đến quá gần. Xác suất tiêu diệt mục tiêu không cao đồng thời cũng là tuyến phòng không cuối cùng. Khả năng cơ động nhanh tránh tên lửa thường kết hợp với hỏa lực phòng không của tên lửa tầm gần hoặc súng tự động.
Căn cứ vào thực tiễn hiện tại cho thấy, lực lượng Hải quân trong những năm gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ theo định hướng chính quy – hiện đại. Trên cơ sở những phương tiện tác chiến tương đối hiện đại, đã biên chế bổ xung những phương tiện hiện đại, có khả năng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, làm nòng cốt cho xây dựng lực lượng.
Để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ vùng nước, vùng trời của tổ quốc. Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh chống Mỹ cho thấy, phòng không, đặc biệt là phòng không bờ biển, phòng không biển và và phòng không hải đảo đóng vai trò quyết định trong đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột khu vực và giải quyết những tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.
Hơn lúc nào hết, biển bờ hải đảo Việt Nam cần hiện diện một lực lượng phòng không mạnh. Trong điều kiện hiện nay, phương án tiết kiệm và tối ưu nhất là xây dựng các Cụm phòng không hạm đội. Cụm phòng không hạm đội có thể được hiểu như Lực lượng phòng ngự cơ động trên biển, có nhiệm vụ cơ động bảo vệ bất cứ khu vực nào có ẩn chứa nguy cơ xung đột vũ trang.
Như đã nêu trên, Cụm chiến hạm phòng không cơ động cơ động có nòng cốt là hạm tầu đa nhiệm phòng không – kỳ hạm, các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, các tầu tên lửa lớp Molnya, tàu chống ngầm, tàu ngầm và các xuồng phóng lôi tốc độ cao. Vũ khí, khí tài tác chiến cần được biên chế theo định hướng phòng ngự tầm xa, tầm trung, tầm gần và cận gần.
Trong tác chiến bảo vệ bờ biển, Cụm chiến hạm phòng không cơ động có khả năng được trang bị các tên lửa chống tên lửa tầm trung và tầm gần, phối hợp với hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển và tên lửa phòng không tầm xa, có nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt các tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu ven biển và trên vùng nước ven bờ. Đồng thời chặn đứng mọi âm mưu đổ bộ bờ biển.
Chiến đấu trên biển, cụm chiến hạm do có tính cơ động cao (các tàu hầu hết có lượng giãn nước dưới 4.000 tấn) có hỏa lực phòng không mạnh, hoàn toàn có thể vô hiệu hóa và bẻ gẫy mọi đòn tấn công bất ngờ bằng bom điều khiển và tên lửa hành trình của đối phương. Trong điều kiện có lợi, tạo điều kiện cho không quân hải quân và tàu ngầm giành thắng lợi trong đòn phản kích mạnh mẽ bằng các tên lửa diệt hạm của cụm phòng ngự hải quân.
Tác chiến bảo vệ hải đảo bao gồm có tác chiến phòng không và chống đổ bộ đường biển, khi tập kích đường không không đạt hiệu quả, khả năng đổ bộ đường biển của đối phương sẽ rất thấp do lực lượng phòng không bảo vệ đảo vẫn rất mạnh. Cụm phòng ngự hải quân sẽ kết hợp với lực lượng phòng không trên đảo bẻ gãy mọi đợt không kích của đối phương từ tầm xa - tầm trung, và phòng không hải đảo sẽ tiêu diệt nốt các phương tiện lọt qua trận địa phòng ngự. Do đó, đối phương hoàn toàn không có khả năng tập trung binh lực để tiến hành đổ bộ do nguy cơ các tàu đổ bộ có thể bị tiêu diệt. Đồng thời các lực lượng phòng ngự hải đảo cũng là lá chắn sau lưng vững vàng cho lực lượng hải quân.
Cụm chiến hạm phòng không cơ động là lực lượng hải quân phòng ngự chiến thuật. Mục đích chủ yếu của cụm phòng ngự hải quân là bảo vệ biển trời Tổ quốc và bẻ gãy mọi ý đồ xung đột vũ trang của đối phương. Do đó có những đặc điểm kỹ chiến thuật khác hoàn toàn với Cụm hải quân công kích chủ lực. Yêu cầu quan trọng nhất của Cụm chiến hạm Phòng không cơ động là nhanh chóng triển khai trận địa phòng ngự trên mọi vùng nước, bờ biển và hải đảo. Ngăn chặn mọi đòn tấn công đường không và đường biển của đối phương và sẵn sàng phản kích gây thiệt hại năng nề cho lực lượng không quân – hải quân đối phương ở giai đoạn đầu tiên, khẩn cấp của xung đột vũ trang.
Hơn thế nữa, Cụm chiến hạm phòng không hải quân thể hiện rõ nét nhất nghệ thuật quân sự của Việt Nam từ thời dựng nước – “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” và cách đánh sở trường của dân tộc.
Để xây dựng được lực lượng, nền công nghiệp quốc phòng nước ta – đặc biệt là công nghiệp đóng tàu đã hội tụ đủ các điều kiện để thực hiện. Với thời gian không xa, hy vọng chúng ta sẽ gặp những Cụm phòng không hải quân có sức cơ động cao trên biển lớn, với hỏa lực mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất hùng dũng rẽ sóng biển Đông.
Trịnh Thái Bằng