TQ rêu rao Nhật 'nếm quả đắng' vì coi nhẹ không quân
> Trung Quốc xua tàu cá vào thềm lục địa Việt Nam
> Thêm học giả Trung Quốc yêu cầu bãi bỏ “đường lưỡi bò”
TPO - Tờ Tin tức thế giới của TQ đã phân tích sự suy yếu của không quân Nhật trước sức mạnh Trung Quốc và cảnh báo Nhật sẽ còn phải nếm nhiều quả đắng do coi trọng đầu tư sức mạnh trên biển và coi nhẹ hàng không!
Không quân Nhật Bản. |
Trung quốc 'sung mãn, Nhật “mệt mỏi”?
Máy bay chiến đấu mang biểu tượng “Mặt trời” bay lên bầu trời, thực hiện nhiệm vụ “giám sát” và “theo dõi” máy bay quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, các phi công trên máy bay Nhật Bản đã cảm nhận được rất rõ rằng việc thực hiện các nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn…Cảnh tượng này gần đây thường xuyên xuất hiện và có thể dự đoán trong thời gian tới còn có xu hướng tăng lên.
Trung Quốc chủ quan nhận định rằng, cùng với sự hiện đại hóa hệ thống vũ khí quân sự của các nước xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, không quân của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn!
Tờ Sankei Shimbun ra ngày 27-4 đã trích lời của nhiều quan chức chính phủ Nhật Bản, từ 7 giờ 23 phút đến 8 giờ 25 phút ngày 24-, 8 tàu hải giám Trung Quốc lần lượt tiến vào hải vực lân cận đảo Điếu Ngư/Senkaku, trong đó có 1 tàu cách phía Tây Bắc đảo Điếu Ngư/Senkaku chừng 1 km. Cùng lúc đó, nhiều máy bay quân sự của Trung Quốc bắt đầu bay tuần quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Theo tờ Tin tức quốc tế, có 2 điểm khiến Nhật Bản phải “sửng sốt”, một là máy bay quân sự Trung Quốc bay tuần phòng có quy mô lớn. Một nguồn tin cho biết, lần bay tuần này, có tới 40 máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia. Hai là máy bay nhiều chủng loại, sức chiến đấu mạnh! Quan chức chính phủ Nhật Bản giới thiệu số máy bay quân sự Trung Quốc tham gia vào đợt bay tuần này “phần lớn là máy bay chiến đấu”. Chính vì vậy, có phân tích cho rằng, lần này đội bay mà Trung Quốc cử đi do nhiều loại máy bay trong đó có máy bay chiến đấu hợp thành.
Những lần trước loại máy bay chiến đấu mà Trung Quốc cử sang đảo Điếu Ngư/Senkaku chủ yếu là máy bay chiến đấu J-10, nhưng lần này phần lớn lại là loại tiêm kích hiện đại Su-27 và Su-30. Các máy bay này thay phiên nhau làm nhiệm vụ bay trên không phận quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku. Và mỗi khi máy bay quân sự Trung Quốc tiếp cận đảo Điếu Ngư/Senkaku, máy bay chiến đấu F15 của Lực lượng tự vệ hàng không Nhật Bản lại cất cánh cừ căn cứ quân sự Naha trên đảo Okinawa để làm nhiệm vụ giám sát. Nhưng do máy bay Trung Quốc quá đông, tranh thủ lúc phi công lái máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản 'mệt mỏi', đội máy bay Trung Quốc liền hung hăng kéo đến bao vây.
Không quân Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ. |
Về vấn đề này, Trung Quốc lại có cách nhìn nhận khác. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng, ngày 23-4, Nhật Bản tung ra nhiều đợt máy bay chiến đấu F15 và máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C, theo dõi, giám sát và gây nhiếu cho hoạt động tuần tra thường nhật của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hoạt động tuần tra và vấn đề an toàn trong quá trình bay của máy bay Trung Quốc. Trung Quốc đã kiên quyết áp dụng biện pháp đáp trả.
Tờ Tin tức thế giới cho rằng, đằng sau cách giải thích khác nhau của hai bên về sự kiện này phản ánh sự thay đổi về sức mạnh hàng không của hai nước Trung Quốc, Nhật Bản và hoàn cảnh của Lực lượng tự vệ hàng không Nhật Bản trong tương lai.
“Nhật nếm quả đắng!?”
Website quân sự Strategy Page của Mỹ đã đưa ra con số thống kê của chính phủ Nhật Bản cho biết, năm 2012, số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản cất cánh theo dõi, chặn đứng máy bay Trung Quốc lên tới 306 lần, tăng gấp đôi so với năm 2011 (năm 2011 là 156 lần). Số lần máy bay chiến đấu Nhật cất cánh theo dõi máy bay Nga là 248 lần. Lần đầu tiên Trung Quốc vượt Nga và trở thành quốc gia bị Nhật Bản xuất kích máy bay chiến đấu theo dõi chặn đường, giám sát máy bay nhiều nhất. Và năm 2011, trong số các vụ máy bay chiến đấu Nhật Bản chặn đường, giám sát máy bay nước ngoài, Nga chiếm 52%, Trung Quốc chỉ chiếm 23%.
Nhật Bản cho rằng có hai nguyên nhân khiến máy bay quân sự Trung Quốc trở thành mục tiêu theo dõi, chặn đường của máy bay chiến đấu Nhật Bản: Một là lực lượng, số lượng và chất lượng của hàng không Trung Quốc đều đã được cải tiến; Hai là vì những tranh chấp trên đảo Điếu Ngư/Senkaku ngày càng leo thang. Theo thống kê của Bộ quốc phòng Nhật Bản, hiện nay Trung Quốc có trên 560 máy bay chiến đấu trong đó có tiêm kích thế hệ 4 như J-10, Su-27, Su-30, trong khi đó số máy bay chiến đấu cùng loại của Nhật Bản chỉ có hơn 300 chiếc. Tờ Tin tức thế giới cho rằng, với con số này thì không quân Nhật Bản không đủ sức ứng phó (?!).
Nhiều chiến đấu cơ của không quân Nhật Bản bị Trung Quốc 'chê' |
Tờ Tin tức thế giới phân tích về hiện trạng của lực lượng không quân Nhật Bản như sau: Một mặt, lực lượng này đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn tương đối nghiêm trọng. Đội máy bay chiến đấu của lực lượng này gồm 63 chiếc F-2, 195 chiếc F- 15J/DJ và 80 chiếc F-4. Trong đó loại máy bay chiến đấu F-4 đã khá cũ, sắp bị đưa ra khỏi quân đội. Trong khi thế hệ máy bay chiến đấu thứ 4 được coi là khá tiên tiến như F-15, F-2… cũng tồn tại một số vấn đề. Máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản phần lớn chỉ có thể chiến đấu trên không, hệ thống máy tính trang bị trên máy bay không được cài phần mềm tấn công mặt đất, không thể ném bom một cách chính xác.
Xét về lý thuyết, máy bay chiến đấu F-2 có thể tấn công mặt đất, hồi mới ra đời cũng có ưu thế nhất định về mặt kỹ thuật, tuy nhiên cho đến nay thế mạnh này ngày càng bị lu mờ. Điều quan trọng hơn là, trong bối cảnh nguồn ngân sách chi cho quốc phòng của Nhật Bản tăng không nhiều như hiện nay, Nhật Bản chủ yếu tập trung đầu tư trang bị vũ khí cho Lực lượng tự vệ trên biển, công tác đổi mới trang bị của Lực lượng không quân vì thế mà bị ảnh hưởng. Trong trận động đất, sóng thần kinh hoàng ngày 11-3-2011 của Nhật Bản, 18 chiếc máy bay chiến đấu F-2 bị sóng thần hủy hoại, cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch bổ sung.
Mặt khác, rất nhiều quốc gia tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản đều tập trung phát triển lực lượng không quân mạnh. Đặc biệt là Trung Quốc, hiện tại không những hệ thống máy bay, vũ khí được đổi mới, mà tốc độ đổi mới cũng rất nhanh. So với Nhật Bản, một thế mạnh rõ nét của Trung Quốc là tỷ lệ hệ thống vũ khí hàng không được sản xuất trong nước chiếm khá lớn. Điều này đồng nghĩa với việc trong các cuộc đối đầu có thể xảy ra trong tương lai, Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế.
Cuối cùng, tờ Tin tức thế giới cảnh báo nếu hiện tại các cuộc đối đầu trên không đã khiến phi công lái máy bay chiến đấu của Nhật Bản cảm thấy “mệt mỏi”, thì cuộc chiến có thể trong tương lai càng không có điểm dừng, những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt còn đang ở phía trước.
Huy Long
Theo Tin tức thế giới