Trở về từ hải chiến Trường Sa: Vật lộn mưu sinh

Trở về từ hải chiến Trường Sa: Vật lộn mưu sinh
Phụ hồ, bán quán, làm thuê làm mướn... Ít ai ngờ những chiến sĩ kiêu hùng trong trận hải chiến với quân Trung Quốc 25 năm trước giờ vẫn phải tiếp tục chiến đấu để vượt qua đói nghèo

Trở về từ hải chiến Trường Sa: Vật lộn mưu sinh

> Trường Sa tháng 3/1988: Những khoảnh khắc Sống mãi

> Hải chiến Gạc Ma sau 25 năm: Thay lời tưởng niệm 

Phụ hồ, bán quán, làm thuê làm mướn... Ít ai ngờ những chiến sĩ kiêu hùng trong trận hải chiến với quân Trung Quốc 25 năm trước giờ vẫn phải tiếp tục chiến đấu để vượt qua đói nghèo

Dù bị vết thương cũ hành hạ nhưng cựu binh Dương Văn Dũng vẫn đi phụ hồ để phụ vợ nuôi con
Dù bị vết thương cũ hành hạ nhưng cựu binh Dương Văn Dũng vẫn đi phụ hồ để phụ vợ nuôi con. Ảnh: Hoàng Dũng
 

Căn nhà nhỏ ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk của anh Trương Văn Hiền, người tham gia cuộc hải chiến ngày 14-3-1988 và bị Trung Quốc (TQ) bắt giữ suốt hơn 3 năm, có vẻ vắng lặng. “Anh Hiền đi phụ hồ rồi. Từ Tết đến giờ, anh ấy phải ở nhà vì hết việc, mới đi làm sáng nay” - chị Bùi Thị Phượng, vợ anh Hiền, nói khi chúng tôi hỏi về anh Hiền vào sáng 17-3.

Ai kêu gì cũng làm

Chúng tôi không khỏi nhói lòng vì chỉ vài ngày trước, khi ghé thăm Hiền đã chứng kiến cảnh chị Phượng phải thường xuyên vắt khăn ướt lau cho chồng để phòng ngừa bệnh tình của anh tái phát mỗi khi nắng nóng.

Là 1 trong 9 chiến sĩ tham gia trận đối đầu ở đảo Gạc Ma bị TQ bắt giữ, vốn đã thương tích đầy mình lại bị giam lâu ngày, khi trở về, Hiền gần như mất hết sức lao động. Thế nhưng, để nuôi 2 con ăn học và vợ bị bệnh cột sống, anh phải đi làm thuê, làm mướn.

“Lâu nay, gia đình tôi chỉ biết trông chờ vào những đồng tiền công phụ hồ của anh Hiền dù biết rằng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh tình sẽ khiến anh ấy không cầm cự được lâu” - chị Phượng nghẹn ngào.

25 năm đã trôi qua sau trận hải chiến Trường Sa, cựu binh Lê Hữu Thảo, ngụ xã Hương Thủy, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, hiện cũng phải đi phụ hồ để kiếm sống như anh Hiền. Anh Thảo chính là tiểu đội trưởng Gạc Ma, người mà ngày 14-3-1988 đã ôm lấy thi thể thiếu úy đảo phó Trần Văn Phương khi anh hy sinh và cứu đồng đội Nguyễn Văn Lanh bị lính TQ đâm trọng thương đưa lên xuồng sang tàu HQ-505 qua đảo Cô Lin.

Đã ngót nghét 50 tuổi nhưng anh Thảo vẫn chưa dám lập gia đình. Không có nhà, anh phải thuê chỗ trọ tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh để tiện việc phụ hồ. “Nhà ở quê là của người em, tôi thuê phòng ở mất cả triệu đồng mỗi tháng. Do không có công việc ổn định, ai kêu gì tôi cũng làm để vượt qua khó khăn. Tôi cũng muốn lập gia đình nhưng cuộc sống mình bấp bênh thế này, thấy ngại quá” - anh tâm sự.

Cũng phải đi phụ hồ để mưu sinh là cựu binh Dương Văn Dũng, ngụ tại quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng. Tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma trên con tàu HQ-604, bị TQ bắt giữ và được trả về sau hơn 3 năm, anh lập gia đình với đôi bàn tay trắng. Hơn 20 năm nay, cuộc sống gia đình Dũng chưa lúc nào hết bấp bênh bởi sức khỏe của anh quá yếu. Năm 2011, anh phải mổ khối u ở não. Vậy mà, thấy vợ mỗi ngày phải đạp xe hơn 20 km để bán trái cây nuôi chồng con, anh đã quyết định đi phụ hồ.

“Mỗi ngày phụ hồ, tôi cũng kiếm được hơn 100.000 đồng giúp vợ nuôi con. Dù bác sĩ khuyên chỉ nên nghỉ ngơi, không được làm việc quá sức nhưng hoàn cảnh gia đình thế này, tôi ngồi yên sao được. Tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vì bao năm nay không thấy gì” - anh thổ lộ.

Không kế sinh nhai

Nhiều cựu binh Trường Sa quê Quảng Bình khi trở về đến nay vẫn gắn bó với công việc đồng ruộng, nương rẫy. Những Lê Thanh Miễn, Lê Văn Dũng, Lê Văn Đông, Mai Xuân Hải... - các chiến sĩ từng làm nên “vòng tròn bất tử” bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma năm nào - dù đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nhọc nhằn bên đồng lúa, cây sắn, rẫy tiêu… nhưng quanh năm vẫn không đủ ăn.

“Tôi may mắn bị thương nhẹ nên vẫn còn lao động được. Tội nhất là mấy anh em bị thương nặng, đã không làm được việc gì mà còn phải đi bệnh viện thường xuyên” - anh Lê Văn Đông chua chát. Ba con trai của cựu binh Mai Xuân Hải dù đã trưởng thành nhưng cũng không đỡ đần gì được người cha thường xuyên phải nhập viện vì vết thương hành hạ. “Đứa đầu vô TPHCM làm ăn nhưng chỉ đủ sống, 2 đứa sau thì phụ tôi làm rẫy nhưng cũng nay ốm, mai đau” - anh Hải buồn bã.

Hôm kỷ niệm 25 năm sự kiện 14-3-1988, căn nhà cấp 4 của cựu binh Trần Thiên Phụng ở TP Đông Hà - Quảng Trị tuy tụ tập đông vui những đồng đội cũ từng vào sinh ra tử ở Gạc Ma nhưng không khí vẫn có gì đó trầm lắng. “Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào nồi bún điểm tâm của vợ và tiền trợ cấp thương binh hạng 4 của tôi nên thật khó khăn. Để có tiền cho con cái ăn học, tôi phải thường xuyên cầm sổ thương binh của mình” - anh Phụng bộc bạch.

Anh hùng Vũ Huy Lễ, người đã táo bạo lao thẳng con tàu HQ-505 lên đảo Cô Lin, qua đó giữ vững chủ quyền của ta, bồi hồi: “Mỗi năm, Ban Liên lạc tàu HQ-505 chỉ họp mặt một lần nhưng nhiều anh em phải cố gắng lắm mới đến dự được vì không có tiền. Tội nghiệp nhất là những người bị vết thương hành hạ, không có nghề nghiệp gì làm kế sinh nhai”...

Sớm tri ân chiến sĩ Trường Sa

Sau khi Báo Người Lao Động đăng tải loạt bài Bi hùng hải chiến Trường Sa và tổ chức giao lưu với các cựu binh cũng như gia đình liệt sĩ, rất nhiều bạn đọc đã đề nghị sớm tri ân những người có công. Bạn đọc mong mỏi xây dựng bia hoặc đài tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma; đồng thời chung tay đóng góp để hỗ trợ các cựu binh và thân nhân liệt sĩ vượt qua khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng (thời kỳ 1984-1987), việc dựng bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến ngày 14-3-1988 là hết sức cần thiết và nên tiến hành sớm. “Việc này có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, dựng bia tưởng niệm ở đâu thì nên bàn kỹ cho phù hợp”. Ông Tấn cũng cho rằng việc hỗ trợ các cựu binh và gia đình liệt sĩ khó khăn là điều cần kíp.

H.Dũng

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.