'Đảng lãnh đạo, quân đội mới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc'
> ‘Điểm tựa’ nơi phên dậu nước nhà
> Xây dựng lực lượng cảnh vệ Việt Nam đạt tầm cao thế giới
“Ở nước ta, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ”...
Lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. |
Trưởng ban Biên tập UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý lập luận bảo lưu quan điểm quy định “lực lượng vũ trang trung thành với Đảng” khi báo cáo một số vấn đề nhận nhiều ý kiến tranh luận, cần tập trung thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa Hiến pháp hôm nay, 13-3.
Ông Lý cho biết, nội dung quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4, về cơ bản, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi đến đều tán thành vấn đề này. Cũng có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và các Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.
Ý kiến khác đề nghị bỏ điều khoản này để tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các chính đảng.
Quan điểm của Ban biên tập, ông Lý khẳng định, Điều 4 trong dự thảo đã kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành. Việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng được bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng bảo vệ tổ quốc. Quy định này, theo ông Lý, cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.
Về chương IV – Bảo vệ tổ quốc, ông Lý cho biết, dự thảo khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Qua tổng hợp bước đầu các ý kiến gửi đến, Trưởng Ban biên tập khái quát, đa số ý kiến tán thành với nội dung thiết kế trong dự thảo. Có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể về việc “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng”.
Ông Lý nhận định: “Ở nước ta, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cũng đã chứng minh lực lượng vũ trang luôn luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới dự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ của mình”.
Vì vậy, Trưởng Ban biên tập nhấn mạnh, quy định của Hiến pháp về vấn đề này là phù hợp và cần thiết.
Về việc tổ chức bộ máy nhà nước, Ban Biên tập sửa Hiến pháp khẳng định, dự thảo đã làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện các quyền này và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này…
Đối với chương Chủ tịch nước, các ý kiến gửi về UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp đều cơ bản đồng tình với những sửa đổi, bổ sung. Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, đồng thời là Tổng Bí thư. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.
“Ban Biên tập nhận thấy, quy định như dự thảo là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta do Đảng lãnh đạo, nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” – bản tổng hợp viết.
Liên quan đến nội dung về đất đai, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai.
Quan điểm thống nhất của Ban Biên tập cho rằng, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 đến nay, đấu đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam.
Điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Điều này, ông Lý nhấn mạnh, vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai.
Về cơ chế thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng nếu quy định trong Hiến pháp việc nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. Ông Phan Trung Lý cho rằng, đây là một ý kiến cần được tiếp thu nghiên cứu để có phương án hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định.
Nội dung về các thành phần kinh tế, có ý kiến đề nghị giữ hiến định nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo để lãm rõ vai trò của kinh tế nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ban Biên tập lập luận, không quy định cụ thể các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần không có nghĩa Việt Nam xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa mà là sự thể chế hóa nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các quy định cũng bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo cơ sở hiến định cho sự vận động, phát triển của nền kinh tế trong tương lai, bảo đảm tính ổn định lâu dài các quy định của Hiến pháp.
Ngoài ra, qua tổng hợp bước đầu các ý kiến gửi về, Ban biên tập báo cáo, có ý kiến đề nghị quy định dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua thì phải được trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực (phúc quyết hiến pháp).
Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nhận định, quy định như dự thảo là phù hợp với điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Người dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan nhà nước khác. Vì vậy, quy định như Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện đầy đủ chủ quyền nhân dân, kết hợp quyền của nhân dân và thẩm quyền của Quốc hội trong xây dựng và ban hành Hiến pháp.
Theo P.Thảo
Dân trí