> Khám chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế
> Hơn 57 triệu người tham gia BHYT
Vì sao phải thực hiện Đề án này, thưa ông?
Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao ngân sách cho ngành quân y chăm sóc sức khỏe cho quân nhân và việc khám chữa bệnh (KCB) được phân cấp từ Cục Quân y đến Quân y đại đội thông qua cơ quan tài chính các cấp.
Tuy nhiên, các tuyến bệnh viện của quân đội hiện nay không có chuyên khoa sản và các chuyên khoa sâu về ung bướu, thận, tiết niệu, tai, mũi, họng...;các bệnh viện quân đội lại thường đóng ở quân khu, là nơi trung tâm thành phố nên quân nhân ở các vùng sâu - xa, nên rất khó khăn cho quân nhân khi đi KCB.
Đặc biệt khi quân nhân bị thương nặng trong quá trình làm việc, rất cần có chuyên khoa sâu nhưng các bệnh viện quân y không đáp ứng được. Dù khi bị thương, quân nhân hoàn toàn có thể vào các bệnh viện dân sự để KCB, nhưng sau đó lại phải lấy hóa đơn, chứng từ, xác nhận của quân khu... nên rất phiền phức.
Thậm chí, quân nhân còn phải bỏ ra một khoản chi phí lớn nếu lỡ không may bị bệnh nặng, gây khó khăn cho người thân và gia đình.
Từ 1-1-2013, quân nhân sẽ được cấp thẻ BHYT. Ảnh: Phong Cầm. |
Khi được cấp thẻ BHYT, quân nhân sẽ thuận lợi hơn trong KCB so với hiện nay?
Mục đích chính của việc triển khai Đề án là chăm sóc sức khỏe cho quân nhân thuận lợi và tốt hơn. Khi được cấp thẻ BHYT, quân nhân có thể KCB ban đầu ở tất cả các cơ sở KCB cả quân và dân y.
Hơn nữa, quân nhân sẽ không phải lo bỏ ra kinh phí ban đầu. Do đó, để triển khai Đề án hiệu quả, trước mắt, BHXH Quân đội sẽ thí điểm triển khai ở một số đơn vị của Bộ Quốc phòng. Sau khi có kết quả cụ thể, lúc đó sẽ họp, đánh giá và mở rộng việc cấp thẻ BHYT cho quân nhân.
Quân nhân sẽ được hưởng những quyền lợi gì khi được cấp thẻ BHYT?
Đối tượng của Đề án là được áp dụng cho quân nhân tại ngũ và sỹ quan chuyên nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Khi tham gia BHYT, quân nhân hoàn toàn được ngân sách nhà nước đóng. BHXH Việt Nam sẽ chi trả 100% chi phí KCB, quân nhân không phải đồng chi trả như các đối tượng thông thường.
Ngoài ra, khi bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao (như thuốc chống ung thư,...), với người bình thường phải đồng chi trả khi chi phí vượt 40 tháng lương tối thiểu (tức 40 x 1,050 = 42 triệu đồng - PV); còn với quân nhân, khoản phí vượt này sẽ được ngân sách quốc phòng chi trả.
Trường hợp đi KCB trái tuyến, BHXH Việt Nam sẽ chi trả trên cơ sở BHXH các tỉnh thông báo về BHXH Việt Nam số tiền vượt quỹ. Khi có số liệu cụ thể, BHXH Việt Nam sẽ thông báo với BHXH Quốc phòng để hoàn tiền cho BHXH Việt Nam. Đây là sự kết hợp giữa hai hệ thống BHXH thuộc BHXH Việt Nam và BHXH Quốc phòng.
Việc triển khai Đề án có vướng mắc gì không?
Để triển khai Đề án, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể với BHXH Bộ Quốc phòng và có hướng dẫn chi tiết cho BHXH các tỉnh, thành phố. Hiện, chỉ có một chút vướng mắc nhưng chỉ là về vấn đề kỹ thuật về tin học. Cái này sẽ được khắc phục sớm nên không vấn đề gì. Hiện, các địa phương cũng đã có hệ thống thanh toán, sẵn sàng hỗ trợ quân nhân khi đi KCB.
Cảm ơn ông.
Theo Thiếu tướng Hồ Thủy, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng, Đề án được xây dựng xuất phát từ thực tiễn cũng như sự phát triển của luật pháp về BHYT. Nhất là việc quân đội có trách nhiệm với cộng đồng và ngược lại cộng đồng cũng phải có trách nhiệm với quân đội. Vì tính cấp thiết của việc này, BHXH Bộ Quốc phòng mong muốn cùng BHXH Việt Nam thực hiện Đề án đạt hiệu quả tốt nhất, để quân nhân được KCB thuận lợi nhất. |
Phong Cầm
thực hiện