> Cty đa cấp bán hàng nhập lậu
> Đằng sau việc đóng cửa Agel Việt Nam
Muốn tham gia buổi thuyết trình phải chi 15-50 ngàn đồng, tùy sự kiện lớn hay nhỏ. Ảnh: Tiến Long. |
Cùng một SV đang bán hàng đa cấp cho Cty có chi nhánh tại Huế, chúng tôi tham gia buổi thuyết trình. Phòng họp hầu hết là SV được mời, nhưng phải chi 30 nghìn đồng mua vé. Các bạn cho biết với hội nghị lớn, ngay cả thành viên cũng phải mua vé. Được biết, ngay từ khâu đăng ký bán hàng đa cấp, mỗi bạn phải đóng 3-4 triệu đồng nhập môn, rồi tiền mua sách hướng dẫn, in tài liệu cho khách, chi phí hội nghị hàng tuần…
Tại buổi hội nghị, ngoài phần thuyết trình hùng hồn của một lãnh đạo, là chia sẻ của nhiều SV ghi trong cuốn sổ Ước mơ được ban tổ chức đọc lên. Như dòng nhật ký Trần Ngọc V. (SV năm 3, ĐH kinh tế Huế), viết: “Mẹ thân yêu của con. Con biết từ ngày sinh con ra trên đời này, mẹ đã khổ sở như thế nào... Nhưng mẹ à! Đến lúc này con mới thật sự tìm được một con đường đi, mà con nghĩ là đúng đắn cho mình. Mẹ hãy chờ con, một ngày không lâu, con sẽ về làm giàu cho quê hương, sẽ đưa mẹ ra khỏi sự nghèo khổ… Con đường con tìm được chính là công việc xây dựng cho mình một hệ thống kinh doanh…”.
Chúng tôi còn được tham dự buổi Chia sẻ ước mơ của nhóm các bạn trẻ bán hàng đa cấp. Hầu hết ước mơ đổi đời, đi du lịch... Trong mỗi tập hồ sơ đều có hình ảnh những chiếc xe hơi hạng sang, xem đó là mục tiêu… phấn đấu!
Hệ lụy vây bủa
Một số Cty bán hàng đa cấp có chi nhánh tại Huế dùng chính SV để lôi kéo bạn bè mình vào cuộc. Nhiều bạn bị cuốn vào vòng xoáy bán hàng đa cấp, dẫn đến lơ là việc học. Trên giá sách của Lê Thị Hồng V. (SV CĐ Sư phạm Huế), vừa gia nhập một Cty bán hàng đa cấp, chủ yếu là sách dạy về kinh doanh, bán hàng đa cấp cùng tài liệu lưu hành nội bộ mà V. được phát, chỉ có vài cuốn giáo trình, vở ghi chép. Không ít lần V. phải xin nghỉ tiết vì lịch hẹn khách trùng với buổi học.
Nguyễn Thị L., một SV không bám trụ được với việc bán hàng, cho biết cả tuần phải lo tham dự hội nghị, rồi hẹn gặp khách hàng để chia sẻ, kêu gọi họ cùng tham gia, nên thời gian cho việc học ít hơn trước. Nhiều lúc cố gắng thức khuya để học nhưng hiệu quả không cao, lên lớp thường mệt mỏi. Cuối cùng L. chịu mất trắng mấy triệu đồng đầu tư ban đầu.
Với Phan Đình M. (SV ĐH Nông lâm Huế), thói quen đến thư viện cũng như việc lên lớp học bị đảo lộn. M. tâm sự ngày nào cũng phải suy nghĩ để xây dựng kế hoạch, cố gắng tìm kiếm khách hàng để tạo lập hệ thống riêng... M. nản dần và không làm nữa.