> Viết sách để chia sẻ vẻ đẹp toán học
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã báo cáo với Tổng Bí thư về việc học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại những định hướng, quyết sách lớn về phát triển giáo dục đào tạo đã được thực hiện mang lại kết quả bền vững thời gian qua, cho thấy cam kết của Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước chăm lo sự nghiệp trồng người.
Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương ngành giáo dục đã thực hiện tốt những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục và đã đạt nhiều kết quả, thành tích quan trọng.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp, chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, giáo dục nghề nghiệp ở cấp đại học; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người và dạy nghề.
Giáo dục đào tạo có nơi, có lúc còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, chạy theo bằng cấp còn khá phổ biến.
Cũng có nơi còn chạy theo thành tích ảo, chưa gắn chặt đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo về cơ bản vẫn đào tạo theo khả năng, chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội. Tổng Bí thư lưu ý, cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Chúng ta đã 3 lần tiến hành cải cách giáo dục, vì sao lúc này phải đặt vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo? Cần làm rõ nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phải chăng là đổi mới từ tư duy, mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục, cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, loại hình giáo dục, rồi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới...
Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, cần hình thành một triết lý về giáo dục, chú ý phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, coi đây là nền tảng lý luận để tiến hành đổi mới giáo dục.
Tổng Bí thư đề nghị, trước mắt cần tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực, quan tâm hơn nữa việc dạy đạo đức làm người, bồi dưỡng rèn luyện nhân cách con người, như Bác Hồ từng dạy: học là để làm người, rồi mới làm cán bộ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý; phân cấp quản lý là đúng, nhưng không được buông lỏng kiểm tra, giám sát; đồng thời phải quan tâm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong giáo dục-đào tạo.
Tổng Bí thư nhất trí cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể.
Tổng Bí thư mong muốn Bộ Giáo dục-Đào tạo làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, đôn đốc, phối hợp... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó - chăm lo sự nghiệp trồng người.
Theo TTXVN