> Năm 2014: Vẫn thi tốt nghiệp THPT
GS Nguyễn Minh Thuyết thì đặt câu hỏi, các kỳ thi bậc phổ thông hiện nay đã bỏ gần hết, nếu bỏ nốt thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ học như thế nào, đâu là thước đo của ngành giáo dục? “Nếu thả lỏng không thi tốt nghiệp, những môn không thi đại học các em sẽ ngồi chơi cờ caro, từ đó thầy cô cũng sẽ chán giảng và chúng ta phải trả giá cho sự giảm sút về chất lượng”.
Thực ra, học trò ở bất kỳ đâu trên thế giới này cũng đều có sẵn “tố chất”…lười học ! Bởi vậy, dù có là nền giáo dục tiên tiến nhất cũng không thể thiếu đi tính “ép buộc”, đặc biệt trong nhà trường phổ thông, khi ý thức và mục đích học tập của các em chưa định hình rõ rệt. “Ép buộc” thông qua những quy định, những bài kiểm tra, các kỳ thi, kể cả hình thức kỷ luật.
Có điều, trong những nguyên nhân “sợ học” của đa phần học trò xứ mình, đáng lo ngại nhất là do quá tải. Phương pháp giảng dạy ít cải tiến thiếu hấp dẫn, môn học nhiều, sách vở lắm, kiến thức nhồi nhét dẫn đến áp lực. Nặng nhất phải kể đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi được “nghiêm trọng hoá” quá mức cần thiết. Được tổ chức ở tầm quốc gia, đề chung, biệt lập trong các hội đồng thi với sự tham gia bảo vệ gắt gao của nhiều lực lượng, truyền thông rầm rộ...
Kỳ thi được xác định là cánh cửa “sống sót” duy nhất quyết định sống còn cho cả 12 năm học. Trong khi kết quả và bảng điểm của cả quá trình học tập suốt mười mấy năm trước đó lại không được xét đến, như là một hình thức cộng điểm, mà kỳ thi cuối cùng chỉ nên là một điểm thành phần trong chuỗi đánh giá đó.
Cách tổ chức thi cử “nghiêm trọng” và rầm rộ như vậy, có lẽ chỉ là cách…“giơ cao đánh khẽ” của Bộ Giáo dục. Bởi với cách ra đề nhẹ nhàng, thực tế cuối cùng chỉ có vài ba phần trăm thí sinh rớt tốt nghiệp. Siết lại tinh thần học hành, ôn luyện của học sinh là cần, nhưng cách “giơ cao” ấy cũng đủ học sinh… hết vía vì căng thẳng.
Hiện đang có 3 luồng ý kiến khác nhau về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một là bỏ hẳn. Hai là giữ lại như cũ. Ba là nên giao về cho các Sở Giáo dục địa phương tự tổ chức thi một cách không ồn ào, tốn kém, kết hợp với việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong suốt tiến trình học tập, chứ không dồn hết vào chỉ một kỳ thi như hiện nay.
Quan điểm thứ ba xem ra có vẻ phù hợp hơn cả. Cơ hội để thay đổi là không xa vời, khi “Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”, cùng với “Đề án đổi mới chương trình SGK sau năm 2015” đang được Bộ chủ quản xây dựng để trình thông qua.