Tuyển sinh lớp 10: Học sinh chạy đi đâu?

Tuyển sinh lớp 10: Học sinh chạy đi đâu?
TP - Chỉ còn ba tuần nữa học sinh cấp THPT ở Hà Nội bắt đầu bước vào năm học 2013 - 2014, nhưng hiện nay nhiều trường THPT ngoài công lập mới chỉ tuyển được vài ba chục học sinh khối 10.

> Đăng ký thi vào lớp 10 thấp hơn chỉ tiêu
> Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: ‘Giảm nhiệt’ vì đầu thi vào ít

Hà Nội: Học sinh chạy đi đâu?

Trường THPT Đ. là một trường khá có truyền thống trong hệ thống trường ngoài công lập. Tuy nhiên mùa tuyển sinh năm nay, Thầy L., hiệu trưởng nhà trường, than thở: “Chỉ tiêu của tuyển sinh vào lớp 10 năm học này là hơn 300 em. Mọi năm vào tầm này là đã tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng hiện tại trường mới chỉ tuyển sinh được già nửa số cần tuyển. Điều này khiến ruột gan tôi như lửa đốt. Không có học sinh thì làm sao tổ chức đủ cơ số lớp tương ứng với số giáo viên và lấy tiền đâu trả lương cho giáo viên?”.

 Nhiều trường công lập của Hà Nội tuyển sinh với điểm chuẩn quá thấp. Có trường 25 điểm cũng đỗ, trong khi số điểm THCS đã là 18 - 20 điểm. Nhiều năm rồi. Như vậy những em chỉ đạt 5 - 7 điểm thi/hai môn đã nhân hệ số hai, nghĩa là 1.5 điểm/môn cũng đỗ 

GS Văn Như Cương

Khi liên hệ với một số trường ngoài công lập khác để tìm hiểu vấn đề tuyển sinh chúng tôi đều nhận được câu từ chối với lý do đang bận tuyển sinh.

Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập cho biết, tình hình tuyển sinh của các trường là… thê thảm. Nhiều trường mới tuyển được 30 - 40 em, có trường chỉ tuyển được 15 em. Những trường không nhận đủ số học sinh để tổ chức một lớp buộc phải gửi số học sinh đã nhận sang trường khác.

Trường THPT Lương Thế Vinh mặc dù chỉ tuyển sinh trong 2 ngày là xong với điểm chuẩn khá cao (52 điểm) nhưng GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường này cũng rất chia sẻ với nỗi nhọc nhằn tuyển sinh của các đồng nghiệp.

“Có điều gì đó khá khó hiểu. Bảo là số học sinh học xong lớp 9 năm nay giảm khoảng 5.000 so với năm ngoái. Nhưng Sở GD&ĐT cũng đã tuyên bố giảm chỉ tiêu của khối công lập, không chỉ giảm sĩ số học sinh/lớp mà còn giảm số lớp của nhiều trường”, GS Văn Như Cương nói. Vậy các em đi đâu?

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: “Về lý thuyết, số học sinh điểm thấp không vào được trường công vẫn còn khá nhiều. Nhưng không hiểu năm nay các em đó chạy đi đâu?”.

Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập (đề nghị được giấu tên) nghi ngại: “Phải chăng Sở GD&ĐT cho phép nhiều trường công được tuyển nguyện vọng tràn (không bó buộc theo nguyện vọng ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi - PV) với điểm chuẩn rất thấp nên các em chạy hết vào đó? Đầu vào các trường công lập, Sở làm rất chặt nhưng lại cho phép các em chuyển trường thoải mái trong quá trình học. Nhiều em dù điểm tuyển sinh rất thấp, phải vào NV3 một trường công lập hạng bét nào đó. Sau một học kỳ, cùng lắm là sau một năm học, em lại được chuyển về một trường công lập hạng trên”.

Theo các thành viên trong CLB hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập Hà Nội, nhiều năm gần đây các trường ngoài công lập đã phải đối mặt với khó khăn trong tuyển sinh.

Năm ngoái, số trường THPT ngoài công lập chiếm tới 50% số trường THPT toàn thành phố nhưng chỉ tuyển chưa đến 17% số học sinh THPT. “Chúng tôi cho rằng các trường ngoài công lập muốn tồn tại và phát triển thì buộc phải chấp nhận sự lựa chọn tự nhiên. Tuy nhiên, Nhà nước cũng không nên để hệ thống ngoài công lập èo uột thế!”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

TPHCM: Vét hết học sinh

Ở TPHCM, có 89% học sinh đậu vào lớp 10 các trường THPT công lập. Như vậy, 3.696 học sinh rớt cả 3 nguyện vọng chỉ còn lựa chọn học tiếp ở các trường ngoài công lập, hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX) và Trung cấp chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, chỉ tiêu năm nay vào các trường trên lên đến 44.228 chỉ tiêu.

Liên hệ với trường THPT Đăng Khoa, địa chỉ 571 Cô Bắc, phường Cầu Ông Lãnh, đại diện nhà trường cho biết, để xét tuyển vào lớp 10, phụ huynh học sinh chỉ cần mang học bạ đến để trường chọn lọc phân vào các lớp thích hợp.

Khi chúng tôi cho biết, học sinh thi tuyển sinh 10 chỉ đạt 3 điểm/3 môn, đại diện nhà trường vẫn khẳng định cháu sẽ vẫn được xét tuyển vào học tại trường. Được biết, vào đầu năm học, trường có tổ chức một đợt thi khảo sát để lựa các học sinh vào lớp chuyên, lớp chọn của trường.

Trong khi đó, trường THPT Úc Châu (32A Trương Định, phường 7, quận 3) cho biết, học sinh chỉ cần hoàn thành bài test tiếng Anh, có hạnh kiểm khá và học lực 4 năm cấp 2 đạt trên trung bình sẽ được nhận vào học lớp 10 tại trường.

Nhà trường cho biết, chương trình tiếng Việt sẽ được dạy theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT. Học sinh sẽ học chương trình tiếng Việt vào buổi sáng và tiếng Anh vào buổi chiều. Khi chúng tôi cho biết, học sinh rớt cả 3 nguyện vọng ở trường công lập, đại diện nhà trường khẳng định, chỉ cần học sinh đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ được nhận vào học.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, cho rằng: “Rớt lớp 10 công lập, học sinh còn rất nhiều cơ hội để học tập ở những hệ khác như GDTX hay học nghề… Phụ huynh cần xác định rõ sức học của các em liệu có theo kịp chương trình THPT và điều kiện kinh tế gia đình có đáp ứng được hay không mới chọn trường ngoài công lập để tránh việc các em bỏ học giữa chừng. Nếu không đáp ứng những yêu cầu đó, các em nên học nghề vì học nghề vẫn có rất nhiều cơ hội để thành công trong tương lai”.

Hiện địa phương và các trường ở TPHCM đang có những chính sách riêng dành cho các em học sinh chọn học trường nghề. Huyện Nhà Bè sẽ hỗ trợ 100% học phí cho học sinh sau THCS học nghề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.