Cẩn thận với trung tâm luyện thi 'bao đậu'

Cẩn thận với trung tâm luyện thi 'bao đậu'
TPO -Ngày 5/6, hàng trăm thí sinh bắt đầu đổ về các trung tâm bồi dưỡng văn hóa để luyện thi đại học (ĐH) khóa cấp tốc. Nhiều trung tâm luyện thi (TTLT) không phép, bao đậu với mức học phí "khủng" cũng nở rộ.

Cẩn thận với trung tâm luyện thi 'bao đậu'

> Luyện thi 50 triệu, 'không đỗ không lấy tiền'
> Tràn lan lò luyện thi đại học 'chui'

Hàng loạt các trung tâm luyện thi ĐH bao đậu mọc lên như nấm sau mưa. Phụ huynh và học sinh cần tỉnh táo để tránh mất tiền oan. Ảnh: Quang Phương
Hàng loạt các trung tâm luyện thi ĐH bao đậu mọc lên như nấm sau mưa. Phụ huynh và học sinh cần tỉnh táo để tránh mất tiền oan. Ảnh: Quang Phương.

Chọn mặt gửi vàng

Trong vòng 3 năm trở lại đây, tại TPHCM, các TTLT đại học không còn nở rộ như trước nữa, chỉ còn lại một số trung tâm như: TTLT Đại học Vĩnh Viễn, TTLT Đại học 60 An Sương, TTLT Đại học Nguyễn Trung Trực, TTLT Đại học Nguyễn Thượng Hiền… và một số TTLT của các trường như: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM…

Theo ghi nhận, trong buổi sáng 5/6, tại TTLT Đại học 60 An Sương, hàng chục học viên đến đăng ký khóa cấp tốc.

Em Nguyễn Thị Dịu Linh (quê Long An), cho biết, sau khi thi xong tốt nghiệp, nghỉ một đêm, em bắt xe lên thành phố để đăng ký luyện thi. Dưới em, nhiều anh chị đã ôn thi ở đây, nên em đăng ký luyện tại đây luôn.

Ông Nguyễn Đức Quốc, giám đốc TTLT ĐH 60 An Sương cho biết, trong ngày 5/6, trung tâm đã có hơn 100 học viên đến đăng ký luyện thi khóa cấp tốc.

Theo số liệu thống kê tại các TTLT khác như: TTLT ĐH Vĩnh Viễn, TTLT ĐH Nguyễn Thượng Hiền…, số học viên đến đăng ký luyện thi khóa cấp tốc năm nay tại các đơn vị này ít hơn nhiều so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Đức Quốc cho biết, so với các năm trước, năm nay, số học viên đến đăng ký luyện thi cấp tốc ít hơn phân nửa so với năm trước. Lý do là hiện nay các em có nhiều kênh để luyện thi như sách tham khảo, luyện thi trực tuyến…

Theo ông Phạm Hồng Danh, giám đốc TTLT ĐH Vĩnh Viễn: Hiện nay, với xu hướng đề thi đại học không đánh đố thí sinh, chỉ cần các em có học lực trung bình - khá, tự ý thức chăm chỉ ôn thi bám sát chương trình sách giáo khoa, là có thể thi đậu.

Thận trọng với luyện thi bao đậu

Tại TPHCM, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, hàng loạt các điểm “luyện thi bao đậu” đã mọc lên như nấm sau mưa, với nhiều mức học phí khác nhau. Nhiều trung tâm còn tự xưng đào tạo uy tín, hiệu quả nhất.

Trung tâm luyện thi đại học, cao đẳng chất lượng cao (CLC) Nguyễn Khuyến (quận Bình Tân): học phí lớp luyện thi đảm bảo đậu đại học, cao đẳng từ 65 - 85 triệu đồng/khóa/bốn môn (toán - lý - hóa - sinh). Luyện thi cấp tốc đảm bảo đậu là 10 triệu đồng.

Trung tâm LTĐH Chu Văn An (quận 6, TPHCM), mức học phí lớp “đảm bảo thi đậu 100%” là từ 25 đến 35 triệu đồng.

Tại các trung tâm khác như: TTLT Đại học CLC Miền Đông – Sài Gòn (quận Bình Thạnh), Trung tâm đào tạo kiến trúc Doric (quận 10), TTLT ĐH Khoa Minh… cũng đều thông báo tuyển sinh lớp đảm bảo đậu với mức học phí cao ngất ngưởng.

Theo thầy Trần Hữu Thắng, giáo viên dạy Lịch sử (hơn 10 năm luyện thi) cho biết: “Không ai có thể dạy đảm bảo đậu được cả. Đó là hình thức quảng cáo để hút người học và moi tiền của phụ huynh, học sinh mà thôi”.

Theo phân tích của thầy Thắng, hiện nay, muốn vào các khóa học bao đậu này, người học phải làm kiểm tra đầu vào. Học sinh hoặc phụ huynh phải làm cam kết hợp đồng với trung tâm. Tuy nhiên, với mức học phí "khủng" như vậy, nếu học viên trượt ĐH, họ chỉ trả lại 50% thì họ vẫn lời to. Còn nếu học sinh đậu thì họ “ôm” trọn gói.

“Do đó, học sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ, không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh như thế! Học lực mình khá giỏi, có khả năng đậu ĐH thì tại sao phải đi luyện thi các khóa này để phí tiền”, ông Thắng nói.

Xử lý

Ông Phạm Anh Ba, trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, Sở chưa bao giờ có đánh giá là trung tâm nào đào tạo uy tín, hiệu quả nhất, cũng không cho phép bất cứ trung tâm quảng bá luyện thi đảm bảo đậu.

Quảng cáo quá sự thật như thế là sai quy định. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra và xử lý những trung tâm này. Có thể là những đơn vị hoạt động chui.

Hơn nữa, học phí cao như vậy thì không phải là dạy học mà là hoạt động kinh doanh mua bán rồi. Những trung tâm uy tín không ai làm kiểu đó.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, sau 4 năm mới san lấp mặt bằng, xây hàng rào, đường nội bộ Ảnh: Tân Lộc
Bài 17: Bệnh viện hơn 3.300 tỷ đồng 'bất động'
TP - Sau 4 năm, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng thay vì đưa vào sử dụng như mục tiêu khi được duyệt, nay vẫn chưa thể khởi công. Tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư chọn được nhà thầu nhưng phải hủy vì phát hiện sai sót.