Đề thi không lắt léo, đánh đố

Đề thi không lắt léo, đánh đố
TP - Ngày mai, gần một triệu thí sinh cả nước dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ GD&ĐT, với mục đích xác nhận trình độ của người học sau khi học hết chương trình trung học phổ thông, nên nội dung đề thi sẽ rất cơ bản, không lắt léo, không đánh đố.

> Không làm thí sinh căng thẳng
> Thi tốt nghiệp THPT: Mở rộng quyền thí sinh, siết kỷ luật

Đề thi: 50% kiến thức, 50% kỹ năng

Đề thi vẫn có hai phần bắt buộc và tự chọn đối với các môn toán, hóa, sinh, văn, địa. Phần chung (tức là phần bắt buộc) cho tất cả thí sinh sẽ là nội dung giao thoa giữa hai chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao.

Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, chủ trương của Bộ đề thi phải phản ánh được chất lượng dạy học, đánh giá đúng năng lực của học sinh, kiến thức sát thực tế hơn. Việc thực hiện triệt để chủ trương này được xem như một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục THTP hiện hành, chủ yếu lớp 12. Về nguyên tắc, đề thi phải đảm bảo 50% yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng được kiến thức, 50% kiểm tra khả năng ghi nhớ, nhận biết của học sinh.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã áp dụng “ma trận” đề thi để vừa bao quát được mức độ cao nhất toàn bộ nội dung dạy học, vừa đặt ra các yêu cầu khác nhau phù hợp với trình độ mỗi học sinh. Tuy nhiên, với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp, đề thi được ra theo hướng đảm bảo học sinh có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp.

Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Nội dung đề thi phải đảm bảo nằm trong chương trình THPT, kiểm tra được kiến thức cơ bản, không quá dài, không quá khó, không lắt léo, đánh đố và phân loại được trình độ của người học”.

Được ghi âm, ghi hình nhưng không được vi phạm quy chế

Trong số các quy định liên quan trực tiếp tới thí sinh, kỳ thi năm nay có bổ sung quy định về những vật dụng mà thí sinh được mang vào phòng thi. Tuy nhiên, theo quy chế thì nhiệm vụ của thí sinh vẫn chỉ là làm bài thi và chấp hành các quy định của trường thi.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đưa thêm vào quy định có tính bao quát với các vi phạm của thí sinh: thí sinh mang vào phòng thi “thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi” sẽ bị đình chỉ thi hoặc hủy kết quả của cả kỳ thi. Thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu: hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.v.v…

 Dẫu thí sinh có thực hiện các động tác ghi âm, ghi hình thì các em cũng không được vi phạm các quy định trong quy chế.

Ông Đặng Phương Bắc

“Theo điều 20 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT các em được quyền mang thiết bị có chức năng quay phim, ghi hình vào phòng thi. Đồng thời, các em cũng có nghĩa vụ thực hiện điều 21 quy chế này”, ông Nguyễn Công Ất, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nói.

Trong trường hợp đặc biệt, các em chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi hoặc cán bộ của Hội đồng coi thi do Chủ tịch Hội đồng coi thi phân công.

“Dẫu thí sinh có thực hiện các động tác ghi âm, ghi hình thì các em cũng không được vi phạm các quy định trong quy chế, đặc biệt các em không được phép làm ảnh hưởng tới trật tự phòng thi”, ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình nêu ý kiến.

Ngoài ra, quy chế yêu cầu thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ. Những năm trước đây, nhiều thí sinh đã trượt tốt nghiệp chỉ vì đi muộn không được vào dự thi.

Lịch thi tốt nghiệp THPT

Chủ Nhật, 2/6: Sáng – văn (150 phút); Chiều – hoá (60 phút)

Thứ Hai, 3/6: Sáng – địa (90 phút); Chiều – sinh (60 phút)

Thứ Ba, 4/6: Sáng – toán (150 phút); Chiều – ngoại ngữ

(60 phút).

Lịch thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng tương tự, chỉ khác buổi chiều 4/6 thí sinh GDTX thi môn vật lý.

Các môn văn, địa, toán thi bằng phương pháp tự luận. Những môn còn lại thi bằng phương pháp trắc nghiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.