Thanh Hóa: 'Sốc' với hàng loạt học sinh giỏi gian lận
Ngành giáo dục Thanh Hoá đang thực sự “sốc” sau khi gần 60 thí sinh không được công nhận kết quả trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2012 – 2013 do “đánh dấu bài thi”.
Trường THPT Lương Đắc Bằng là một trong những điểm thi học sinh giỏi vừa qua. |
Ngày 27-3 vừa qua, sau khi công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối THPT, Trung tâm GDTX và THCS, Hội đồng chấm thi của Sở GD-ĐT Thanh Hoá đã quyết định hủy bài thi và không công nhận kết quả của 58 thí sinh do đã vi phạm quy chế thi vì “đánh dấu bài”.
Đặc biệt, hội đồng thi cũng đã kết luận có 8 nhóm thí sinh thuộc các trường THPT và Phòng GD-ĐT huyện Thiệu Hóa có hành vi đánh dấu bài theo nhóm và tập thể.
Trước đó, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối THPT, Trung tâm GDTX và THCS được tổ chức vào ngày 15-3, tỉnh Thanh Hóa có 16 cụm thi được bố trí ở các huyện, thị, thành phố.
Trong quá trình rọc phách chấm thi, hội đồng thi đã phát hiện có tới 58 bài thi ở các môn toán, văn, vật lý, giáo dục công dân (bậc THPT) và 2 môn văn, lịch sử (bậc THCS) có dấu hiệu bị đánh dấu bài và đánh dấu bài tập thể.
Cụ thể ở khối lớp 12, có tới 25 bài thi môn văn có dấu hiệu đánh dấu, trong đó Trường THPT Hàm Rồng có 11 bài, Trường THPT Quảng Xương 4 có 9 bài, Trường THPT Thạch Thành 1 có 5 bài.
Ở môn vật lý, 10 bài thi của các thí sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên, 3 bài ở Trường THPT Hoằng Hóa 3 có dấu hiệu gian lận; môn toán có 5 bài thi của học sinh Trường Lê Viết Tạo; môn giáo dục công dân có 8 bài thi của Trường THPT Sầm Sơn có dấu hiệu đánh dấu. Còn lại 7 bài thi có dấu hiệu đánh dấu thuộc khối THCS, trong đó huyện Thiệu Hoá có 6, Quan Hoá có 1 trường hợp.
Trả lời các nhà báo, bà Bùi Thị Báu, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết kết luận trên của sở là hoàn toàn có căn cứ. Ví dụ, tất cả 5 thí sinh của Trường THPT Thạch Thành 1 đều có chung một ký hiệu là "Câu một", "Câu hai", chứ không ghi là "Câu 1", "Câu 2" như thông thường. Hay trường THPT Hàm Rồng, cả 11 thi sinh đều có chung cách viết tắt là môn "N.Văn" thay vì "Ngữ Văn", làm được 1 tờ thì ghi "một lần", 3 tờ thì ghi "2 lần".
“Đây không thể gọi là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà chắc chắn là dấu hiệu đánh dấu bài thi. Việc đánh dấu bài này là do các em làm thì các em phải chịu” – bà Báu cho biết.
Trước vấn đề trên, ngày 1-4, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng gửi công văn đến các trường và các phòng GD-ĐT có thí sinh bị hủy kết quả thi do đánh dấu bài. Theo đó, Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường có thi sinh bị huỷ bài thi làm tường trình, nếu phát hiện có sự tổ chức đánh dấu bài thì phải kiên quyết xử lý.
Sụ việc trên khiến cho nhiều người phải “giật mình” bởi lâu nay Thanh Hoá được biết đến là "cái nôi hiếu học" của cả nước, đây lại là kỳ thi học sinh giỏi quy mô cấp tỉnh.
Theo Tuấn Minh
Lao Động