Xử phạt trong lĩnh vực giáo dục: Làm sao khả thi?

Xử phạt trong lĩnh vực giáo dục: Làm sao khả thi?
TP - Có những hành vi vi phạm khá phổ biến, ví dụ dạy thêm trái phép, lần đầu tiên được đưa vào dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

> Dạy thêm trái phép, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm
> Bắt dạy thêm như bắt trộm

Theo dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận trong ngành, hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn­­­ sử dụng bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng; phạt từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khoá để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm… Dự thảo nghị định cũng quy định chế tài xử lý với những hành vi khác liên quan tới hoạt động dạy thêm học thêm như dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo, thu – chi không đúng quy định, cấp phép dạy – học thêm không đúng thẩm quyền.

Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Quang, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Bắc Giang thì những nội dung liên quan tới dạy thêm học thêm trong dự thảo nghị định vẫn chưa bao quát hết được các hành vi vi phạm đã và đang xảy ra trong thực tế.

Theo ông Quang, thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã xác định cấp tiểu học không được phép dạy thêm học thêm, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Vậy trong trường hợp tổ chức/cá nhân xin phép dạy nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống cho học sinh tiểu học nhưng thực tế lại dạy các môn Toán, Tiếng Việt thì xử lý thế nào? Hoặc trong hướng dẫn của các tỉnh/ thành nói chung đều quy định về khoảng thời gian trong ngày được dạy thêm học thêm hoặc thời lượng được phép dạy cho một đối tượng (ví dụ không quá 2 – 3 buổi/ tuần/môn), tổ chức/ cá nhân vi phạm quy định này chịu mức phạt ra sao?.v.v…

Cũng liên quan tới dạy thêm- học thêm, ông Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình nói: “Phải tuyên truyền thế nào để các đơn vị, các thầy cô giáo nghiêm túc chấp hành chứ đợi đến nước mang nhau ra mà phạt là rất khó! Các quy định có hết rồi và rất chặt chẽ, nhưng làm thế nào để kiểm tra việc thực hiện?”.

Phạt ai?

Trong dự thảo nghị định có khá nhiều khoản phạt khác được các đại biểu thắc mắc là quá nặng, hoặc… khó phạt, hoặc không hiểu nhằm vào đối tượng bị phạt nào! Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu cho rằng, cần làm rõ hơn về quy định phạt người cản trở việc đi học của người học các cấp phổ cập. Theo ông Hảo, nhiều gia đình do nghèo quá nên mới không cho con đi học. Người ta đã nghèo rồi, giờ lại phạt tiền người ta nữa thì vô nghĩa!

Ông Trần Hữu Hy, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An băn khoăn về việc phạt các cơ sở không đảm bảo điều kiện chất lượng GD: “Điều 5 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền với những lớp học có số lượng học sinh, sinh viên vượt quá quy định. Tương tự, điều 25 quy định xử phạt khi vi phạm điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Với bậc mầm non và phổ thông, để phạt những trường hợp vi phạm này không dễ.

Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên nhấn mạnh: “Chúng ta đưa ra những quy định xử phạt mà thanh tra giáo dục không biết phải phạt ai! Có những điều giám đốc Sở GD&ĐT cũng không đảm bảo được vì cơ quan này đâu có được chi tiền mà thẩm quyền giải quyết phải là ông chủ tịch tỉnh.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nói: “Chủ trương của Bộ GD&ĐT khi soạn thảo nghị định không nhằm chạy đuổi theo các nhiệm vụ chính trị, áp các hình thức xử phạt cho bằng được. Chúng tôi chỉ muốn có chế tài hợp lý tác động tích cực ngược trở lại hệ thống”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG